Thứ Bảy, 18/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 5/12/2022 16:3'(GMT+7)

Nâng cao hơn nữa chất lượng bảo vệ môi trường ngành công thương

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên cùng với đó là phát sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường cần được quan tâm giải quyết. Đến nay Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi và thông qua 4 lần tương ứng với yêu cầu bảo vệ môi trường qua từng giai đoạn, đó là vào các năm 1993, 2005, 2014 và mới nhất là Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá như đối với giấy phép môi trường, quản lý chất thải, thu phí theo khối lượng xả ra, một số nội dung mới như: Kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh tế tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên... cũng đã được đưa vào Luật.

Phát triển công nghiệp là xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phát thải gây ảnh hưởng môi trường tỉ lệ thuận với sự phát triển ngành công nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải phát sinh; khó khăn trong quản lý các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao…

Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim... Tuy nhiên, trình độ công nghệ, thiết bị trong nhiều lĩnh vực công nghiệp được đầu tư qua nhiều giai đoạn, cần thay đổi, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế, bất cập tại địa phương. Do vậy, bên cạnh việc các bộ, ngành nâng cao vai trò quản lý thì các doanh nghiệp cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để kiểm soát, giải quyết những vấn đề môi trường còn tồn tại.

Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nhưng các doanh nghiệp ngành Công Thương đã chấp hành tương đối nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với tình hình trong giai đoạn phát triển kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, khi các Hiệp định CPTPP, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA bắt đầu có hiệu lực thực hiện, đòi hỏi rất lớn các doanh nghiệp trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Có như vậy mới có thể cạnh tranh, vươn tầm quốc gia, đưa các sản phẩm, công nghệ của Việt Nam phát triển ra thế giới. Muốn đạt được mục tiêu như vậy, các doanh nghiệp phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Đồng thời, để khắc phục những hạn chế, bất cập; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường ngành công thương, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung sau:

Một là, triển khai tích cực Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, hướng đến mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với cụm công nghiệp, sát thực tế. Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từng giai đoạn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý cụm công nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong cụm công nghiệp; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp.

Ba là, ngành Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương; sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao...

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý chất thải, an toàn đập thải của hồ chứa quặng đuôi trong khai thác và chế biến khoáng sản.

Sáu là, thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường./.

LẬP THẠCH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất