Chủ Nhật, 28/4/2024
Khoa học
Chủ Nhật, 27/2/2022 10:55'(GMT+7)

Ngành Y tế: Đóng góp to lớn cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước

Nghề y: Cao quý và thầm lặng

Nghề y: Cao quý và thầm lặng

TỪ LỜI DẠY CỦA BÁC

Ngày 27/2/1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế. Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985, Bộ Y tế chọn ngày 27/2 là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Cũng kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

Bức thư đã thể hiện ba nội dung hết sức quan trọng của ngành y tế, đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà.  

Trong Thư Bác viết:

“- Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

– Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

– Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ”.

Bản sao thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955

NỖ LỰC VÀ THÀNH TỰU

Nhìn lại 67 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển đất nước. 

Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.

Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế vào năm 2015 và đang tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. So với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, các chỉ số sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và tốt hơn. Cụ thể là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng thêm 20 tuổi (từ 53,5 năm 1957 lên 73,7 năm 2021); chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tấn công vào mọi quốc gia, mọi thành trì y tế, hơn hai năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những nỗ lực và cố gắng lớn lao với những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ y tế. Hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã phát huy các phẩm chất và đạo đức nghề thiêng liêng cao quý, gác lại riêng tư, âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc...

Đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với nỗ lực và quyết tâm cao nhất phòng, chống dịch. Hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID- 19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam.

Trong phòng chống dịch, nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ như: giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn. Ngành y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt đáng nói là ngành đã phải chịu áp lực lớn trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 an toàn, hiệu quả. Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được triển khai thành công. Tính đến hết ngày 21/02/2022, cả nước đã tiêm được hơn 191,99 triệu liều, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 97,7%, cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 93,2%. Việt Nam đã về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo và là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới. Chiến dịch thành công không chỉ có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn, phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu (tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột), làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài. Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng, hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.

Chỉ sau 2 tuần có ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại vius này, là tiền đề xây dựng và triển khai công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã tích cực triển khai hỗ trợ các đơn vị đàm phán nhận chuyển giao công nghệ của các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Cuba, Ấn Độ... về sản xuất vaccine COVID-19 và các kỹ thuật điều trị, sản xuất thuốc sinh học - sinh phẩm phục vụ điều trị COVID-19.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị, 1.500 điểm cầu trực tuyến từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập, phục vụ chỉ đạo, điều hành thống nhất, thông suốt, hỗ trợ tiên lượng, ra phác đồ điều trị trong các ca bệnh nặng; đào tạo cập nhật kiến thức liên tục cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, ngay cả các tâm dịch. Hệ thống truy vết, điều tra dịch tễ, giám sát cách ly được ứng dụng rộng rãi thông qua các phần mềm.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực y tế cũng còn có những tồn tại, hạn chế cần phải sớm khắc phục và vượt qua.

Hệ thống y tế của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: mô hình bệnh tật thay đổi, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch tăng mạnh như dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài, đã làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, kinh tế... Trong khi đó, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế.

Trong đó, y tế cơ sở là vấn đề cần được ưu tiên quan tâm, nhất là sau 2 năm chống dịch COVID-19 càng thấy rõ y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành phố thiếu trang thiết bị, nhân lực. Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến... Việt Nam có mạng lưới y tế đến tận xã, phường từ rất sớm nhưng sau nhiều năm không được nâng cấp ngang tầm nhiệm vụ dẫn đến thiếu hụt nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị không bảo đảm, hoặc không có đủ khả năng vận hành, sử dụng. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách cụ thể để tăng cường cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, tăng cường nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó là các vấn đề về tài chính y tế, bệnh viện công tự chủ tài chính cũng còn nhiều bất cập , bệnh viên công chịu sức ép nguồn thu lại dẫn đến ảnh hưởng đến bệnh nhân; cũng cần đánh giá toàn diện lại, cần bình đẳng y tế công-tư, có cơ chế phối hợp công-tư phù hợp.

Các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn. Qua 2 năm chống dịch, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc... Đã ghi nhận các trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.

Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Trong phòng chống dịch Covid-19, các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh.

Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài. Tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc về chuyên gia thẩm định...

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, ngành Y tế đẩy mạnh triển khai bệnh viện không giấy tờ nhưng hạ tầng công nghệ thông tin phát triển chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đảm bảo an toàn thông tin. Để hướng đến sự minh bạch trong mọi lĩnh vực thuộc Bộ Y tế, ngành y tế quản lý, cấp phép; hay để đẩy mạnh triển khai bệnh viện không giấy tờ, thì cần phải có sự cải thiện hạ tầng tương xứng.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị cho nhiệm vụ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Dược (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế để ngành y tế ngày càng phát triển bền vững và lành mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Bộ Y tế đã và đang đề xuất một số chế độ, chính sách cho lực lượng y tế dự phòng, nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở... như: nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40 - 70% lên 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế tuyến xã, phường, nhà hộ sinh. Khi nhân lực, năng lực của y tế gần dân nhất được củng cố mạnh lên, thúc đẩy chất lượng dịch vụ và theo đó, chính người dân được thụ hưởng tốt hơn.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thúc đẩy. Thời gian qua, ứng dụng CNTT trong trong cấp phép về an toàn thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm đã được đẩy mạnh; thông qua ứng dụng CNTT việc thẩm định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đánh giá cấp độ dịch mà mỗi người dân đều có thể tiếp cận được. Thời gian tới, ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo kết nối liên thông với các bộ, ngành; giữa các bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ngay trong đơn vị.

Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.”

Với vai trò “nòng cốt” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nghề Y là một nghề đặc biệt đặt ra đòi hỏi nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Hướng đến mục tiêu phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng như Nghị quyết 20 nêu cũng là khẳng định, nhấn mạnh lại quan điểm của Hồ Chủ tịch, “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” với nguyên tắc là Khoa học, Dân tộc và Đại chúng, nghĩa là ai cũng được tiếp cận, công bằng và bình đẳng, mở rộng đến mọi người dân.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, ôn lại bức Thư Bác Hồ gửi ngành Y tế cũng như nhìn lại những thành tựu cơ bản của ngành Y tế, nhìn rõ những thách thức cần vượt qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta càng hiểu sâu sắc ý nghĩa những lời dạy của Người và càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc nêu cao tinh thần đoàn kết, y đức, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất