Thứ Hai, 29/4/2024
Khoa giáo
Thứ Tư, 27/9/2023 10:45'(GMT+7)

Người vùng cao trở thành "công dân số"

Bộ phận một cửa một dấu huyện Văn Yên

Bộ phận một cửa một dấu huyện Văn Yên

Bài 1: ĐỘT PHÁ VĂN YÊN 

 Huyện Văn Yên, vùng quế nổi tiếng cả nước, giờ được đánh giá là địa phương điển hình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc về chuyển đổi số (CĐS). Với phương châm CĐS toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, Văn Yên đang từng bước phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS ở cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Tiết học chuyển đổi số ở huyện Văn Yên.

Tiết học chuyển đổi số ở huyện Văn Yên.

Văn Yên là huyện vùng núi, cách thành phố Yên Bái 40km về phía Bắc, địa hình bị chia cắt nhiều do núi cao hiểm trở và hệ thống sông suối dày đặc, nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 49%. Toàn huyện có 24 xã và 1 thị trấn, với 172 thôn, tổ dân phố.

Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030, huyện Văn Yên xác định trong giai đoạn giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số để phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm tiện ích.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm tiện ích.

Xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có 5 thôn với trên 3.800 khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 74,2%. Sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào cây quế kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, khi triển khai thực hiện chuyển đổi số ở địa phương gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm cao, nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Tổ chuyển đổi số cộng đồng của xã đã đến từng thôn, hộ gia đình hướng dẫn bà con nhân dân và cả cán bộ, đảng viên thực hiện cài đặt, thao tác các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính như đăng ký thẻ ngân hàng, sổ khám bệnh, cài đặt mã định danh… từ đó bà con nhân dân trong xã đã tích cực hưởng ứng.

Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên cho biết: tính đến tháng 10/2023, toàn xã đã có gần 1.700 người sử dụng YenBai S, trên 1.700 người kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNEID mức độ 2, gần 800 người tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến, 200 công dân thường xuyên sử dụng ngân hàng số, ví điện tử; gần 100% đảng viên sử dụng “sổ tay đảng viên điện tử”. Hiện tại 100% thôn và hầu hết các nhà dân đã có mạng wifi hoặc thiết bị thông minh phục vụ cho chuyển đổi số.

Lễ ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, bản.

Lễ ra mắt tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, bản.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Qua một thời gian thực hiện, đến nay, tỷ lệ người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế huyện sử dụng ứng dụng VNeID và căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt hơn 86%. Việc này rất thuận tiện, đối với nhân viên y tế, giúp giảm thời gian nhập dữ liệu đầu vào của bệnh nhân, chỉ cần một thao tác quét ứng dụng VNeID hoặc quét thẻ căn cước công dân thì toàn bộ thông tin BHYT của người bệnh được hiển thị. Bệnh nhân không còn phải xếp hàng tại phòng đăng ký khám bệnh như trước.

Cùng với trong cơ quan, đơn vị nhà nước, chuyển đổi số cũng đang diễn ra tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mới đây, mô hình “Chợ 4.0” được ra mắt tại chợ Trung tâm thị trấn Mậu A. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại huyện Văn Yên. Các tiểu thương tại chợ được trang bị mã QR Code, kết nối với các ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến thay cho thanh toán bằng tiền mặt như trước.

Chỉ hơn một năm, huyện Văn Yên có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được đăng ký, niêm yết, giao dịch trên các sàn điện tử. Thị trường vươn đến đến các tỉnh, thành trên cả nước. Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX Nông sản Thị trấn Mậu A cho biết: Hiện đã có 6/13 sản phẩm của đơn vị "lên sàn" những địa chỉ lớn như: Voso.vn, Postmart.vn. Cơ hội quảng bá rộng và thanh toán rất nhanh. Nay toàn huyện đã có 103 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử, trong đó sàn Postmart có 25 sản phẩm, sàn Voso.vn có 78 sản phẩm.

Buổi tập huấn mô hình 5000 giáo viên và phụ huynh sử dụng phần mềm giáo dục.

Buổi tập huấn mô hình 5000 giáo viên và phụ huynh sử dụng phần mềm giáo dục.

Văn Yên cũng là địa phương đầu tiên ở tỉnh Yên Bái nghiên cứu và ban hành Quy định về Bộ tiêu chí tạm thời công dân số vào tháng 5/2022. Năm 2023, trên cơ sở Bộ tiêu chí tạm thời của tỉnh, huyện đã triển khai chiến dịch "Phát triển công dân số từ khu phố đến bản làng” từ tháng 5 đến hết tháng 9, với mục tiêu sau 150 ngày đêm sẽ có 80% công dân đạt tiêu chí công dân số, gồm 6 tiêu chí cứng: có điện thoại thông minh, có tài khoản định danh điện tử, có tài khoản dịch vụ công, có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt ứng dụng YenBai-S, đối với đảng viên phải sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử".  

Kết quả là đến tháng 10/2023, số người có định danh điện tử mức độ 2 của huyện đạt gần 55 nghìn người; Tỷ lệ công dân đạt cả 6 tiêu chí công dân số đạt khoảng 60%. Và dự kiến đến cuối năm 2023, huyện Văn Yên sẽ có 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện trở thành công dân số theo Bộ tiêu chí tạm thời của UBND tỉnh; 80% người dân từ 14 tuổi trở lên có căn cước công dân, có điện thoại thông minh đạt chuẩn Công dân số Yên Bái; 100% người có công, người hưởng chế độ bảo trợ xã hội (có điện thoại thông minh) được lập tài khoản ngân hàng để tiếp nhận các khoản tiền trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt khi UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng đến địa bàn huyện.

Toàn bộ văn bản giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị đều xử lý trên môi trường mạng, cán bộ thực hiện ký số, số hoá giấy tờ, tài liệu, thực hiện các cuộc họp không giấy tờ. Việc này giúp cho quá trình tham mưu, giải quyết công việc được nhanh chóng, thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giấy tờ, văn phòng phẩm, đặc biệt còn đo lường được kết quả thực hiện của từng phòng, ban, từng chuyên viên để làm cơ sở đánh giá cán bộ.

Đồng chí Hà Trung Kiên, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Văn Yên cho biết: Văn Yên là cũng huyện đầu tiên trong tỉnh Yên Bái xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; đã phát động phong trào “Tự hào tôi là công dân số huyện Văn Yên” gắn với ra mắt Tổ chuyển đổi số cộng đồng vào ngày 26/3/2022. Đến nay, 25/25 xã, thị trấn (100%) thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã với 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố (100%) thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn, với 1.322 thành viên. 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn huyện đã tạo nhóm Zalo để trao đổi thông tin, triển khai nhiệm vụ được giao. 

Các em học sinh thao tác kỹ năng sử dụng phần mềm trong tiết học chuyển đổi số.

Các em học sinh thao tác kỹ năng sử dụng phần mềm trong tiết học chuyển đổi số.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng các cấp chủ yếu duy trì hoạt động theo tinh thần tự nguyện của các thành viên, đã phát huy rất tốt vai trò, tích cực, chủ động hỗ trợ chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số đến người dân như: Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng về y tế, giáo dục, YenBai-S, Sổ tay đảng viên điện tử...

Với những kết quả đạt được, đồng chí Vũ Minh Huê, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Văn Yên tin tưởng huyện sẽ hoàn thành đạt chuẩn chuyển đổi số trong năm 2023 bằng việc tiếp tục thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, thương mại điện tử... Mục tiêu là 100% xã, thị trấn đạt xã, thị trấn chuyển đổi số; trấn Mậu A và các xã Đông Cuông, An Thịnh, Yên Hợp, Xuân Ái đạt chuyển đổi số nâng cao; 30% cơ quan, đơn vị cấp huyện triển khai mô hình cơ quan chuyển đổi số. 

Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, công tác CĐS trên địa bàn huyện Văn Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng trong thực hiện CĐS của tỉnh Yên Bái. Tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cụm thi đua các tỉnh trung du và miền núi phía, huyện Văn Yên được tôn vinh là điển hình tiên tiến trong lĩnh vực CĐS.

QUÝ TRỌNG- THỪA XUÂN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất