Chủ Nhật, 15/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Tư, 6/12/2023 10:40'(GMT+7)

Phản tư và cứu cánh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi ấy, phản tư cũng có thể hiểu là sự phủ định lại chính mình. Chẳng hạn, nhiều người thường nói đến chủ nghĩa phản tư trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Ở đó, nhà văn bày tỏ nhiều trăn trở của mình về đời sống, về tư duy nghệ thuật. Có thể thấy, cách viết của những truyện ngắn/truyện dài như: Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… khác biệt hẳn với các tác phẩm thời kỳ trước như Dấu chân người lính hay Mảnh trăng cuối rừng.

Thực ra, nghĩa gốc của phản tư không có nghĩa là cách nghĩ ngược lại, trái lại. Phản tư vốn là một thuật ngữ triết học, được dịch từ tiếng Nga, có nghĩa là “hướng ý thức vào bản thân mình, ngẫm nghĩ về trạng thái tâm lý của mình”. Chữ “phản” vì thế có ý nghĩa là “trở về” chứ không phải mang ý nghĩa “ngược lại, trái lại”. Chữ “tư” thì vẫn mang ý nghĩa là suy nghĩ. Chữ “phản” với ý nghĩa “trở về”, chúng ta còn có thể gặp trong câu thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hoàng hạc lâu).

Khác với “phản tư”, “cứu cánh” vốn là một tổ hợp cố định đã có sẵn trong tiếng Hán. Cả chữ “cứu” và chữ “cánh” đều có nghĩa là “cuối cùng”, khi kết hợp với nhau tạo thành một từ ghép đẳng lập có ý nghĩa là “mục đích cuối cùng”, “hướng tới cái cuối cùng”. Chẳng hạn: cứu cánh biện minh cho phương tiện, cứu cánh Niết Bàn, nghệ thuật là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Thế nhưng trong đời sống của người Việt lâu nay, nhiều người quen dùng “cứu cánh” với ý nghĩa “giúp đỡ” bởi họ hiểu chữ “cứu” có nghĩa là “cứu giúp”.

Và trong ngôn ngữ học có một hiện tượng thú vị xảy ra, đó là một cách dùng từ vốn bị sai so với nguyên bản, so với nghĩa gốc, nhưng bởi ngôn ngữ cũng là một loại ký hiệu mang tính quy ước nên đến một giai đoạn nào đó, khi số lượng người sử dụng sai đạt đến một mức độ lớn, cái sai ấy tự nhiên được cả cộng đồng thừa nhận và thậm chí còn được từ điển ghi nhận.

Nhìn rộng ra, có khá nhiều trường hợp sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt, nếu quy chiếu theo khoa học sẽ là không chính xác, nhưng trước áp lực số đông của cộng đồng, ta thấy tất cả mọi người đều thừa nhận cách sử dụng như vậy. Có thể kể ra các ví dụ tiêu biểu như: rau ngót (chính xác là cây ngót và lá ngót chứ không phải một loại rau), cá sấu (chính xác là một loại bò sát chứ không phải loài cá), củ lạc (chính xác là một loại quả chứ không phải củ)…

Như vậy, trong nhiều trường hợp, chính dân gian đã góp phần tạo ra những cách nói bền vững, những tổ hợp cố định được vận hành theo “cái lý của dân gian”.

TS. Đỗ Anh Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất