Chủ Nhật, 5/5/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 18/8/2023 14:28'(GMT+7)

Phát huy vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao

Tiến sỹ, bác sĩ cấp cao Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc phát biểu tại hội nghị.

Tiến sỹ, bác sĩ cấp cao Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc phát biểu tại hội nghị.

Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Mặc dù hệ thống phòng, chống lao bao phủ rộng khắp trên toàn quốc, tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhưng vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo.

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, năm nay Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam đề cao và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống Y tế cơ sở, lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng. Mạng lưới Y tế cơ sở đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp chính là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao – kẻ giết người thầm lặng.

Theo đó, hệ thống phòng chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lao để người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương trình bày tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tại chương trình, Tiến sỹ, bác sĩ cấp cao Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, y tế cơ sở cần  đẩy mạnh: chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng gắn với sàng lọc các bệnh lý khác; truyền thông huy động xã hội, giáo dục sức khỏe về bệnh lao và công tác phòng chống lao. Cùng với đó, thực hiện nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế, khả năng quản lý điều trị và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Hệ thống phòng, chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lao để người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Chương trình chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống lao các tuyến, đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân. Đồng thời kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về bệnh lao cho người dân, bệnh lao hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị khỏi như các bệnh hô hấp khác, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh lao trong cộng đồng, tăng sự chủ động của cộng đồng trong tiếp cận khám chữa bệnh lao. Đây là yếu tố then chốt để làm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.

Để tăng cường năng lực và vai trò y tế cơ sở trong công tác phòng, chống lao, y tế cơ sở tuyến tỉnh, huyện, xã cần xác định rõ và thực hiện có trách nhiệm chức năng của mình trong cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao, điều phối, triển khai hoạt động phát hiện thường quy, phát hiện tích cực, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuật số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao; tiếp tục mở rộng mô hình phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn quy mô rộng tại cộng đồng, với sự cam kết và đồng hành của lãnh đạo, chính quyền địa phương với hoạt động phòng, chống lao. Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục tham mưu Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và thực hiện các giải pháp kịp thời để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc chống lao, vật tư, hoá chất, trang thiết bị chẩn đoán.

Việt nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2022). Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22,7% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Tuy vậy, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021, mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.

Tiến sỹ, bác sĩ cấp cao Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao Quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước khi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao của Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, từ nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc trong việc mở rộng và đẩy mạnh triển khai chiến lược 2X để phát hiện tích cực và phát hiện chủ động bệnh lao, góp thêm tín hiệu lạc quan về kết quả phát hiện bệnh lao năm 2023 sẽ vượt trội hơn những năm trước đó. 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận những kết quả ban đầu từ mô hình phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn quy mô rộng tại cộng đồng, với sự tham gia của hệ thống y tế cơ sở, có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động phòng chống lao.

Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc chống lao từ NSNN sang BHYT, mặc dù đã được triển khai từ 1/7/2022 nhưng tại nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc; do đó, trong 6 tháng đầu năm, Chương trình chống lao tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn cơ sở y tế để đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT; bên cạnh đó, đã vận động được nhà tài trợ Quỹ Toàn cầu cấp kinh phí mua một phần thuốc lao cho những người bệnh lao chưa có thẻ trong khi đợi cơ chế từ Chính phủ và Bộ Y tế.

Trong 6 tháng tiếp theo, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hiệu quả các hoạt động dự án nguồn Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023, nguồn CDC, USAID, v.v đã được Bộ Y tế và nhà tài trợ phê duyệt; Chương trình chống lao Quốc gia tiếp tục hoàn thiện các quy trình vận động và tiếp nhận viện trợ cho hoạt động phòng chống lao giai đoạn tiếp theo, tích cực tham mưu Bộ Y tế và các Bộ ngành trình Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người bệnh lao, mở rộng phát hiện chủ động tại cộng đồng, lồng ghép trong hệ thống y tế cơ sở, vận động sự cam kết và hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho công tác phòng chống lao.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phòng, chống lao ở y tế cơ sở, đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, được Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình phòng, chống lao Quốc gia lựa chọn là địa phương điểm triển khai can thiệp sàng lọc chủ động trong cộng đồng ở phạm vi rộng, từ đầu năm 2023, với kinh phí hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương, tỉnh đã triển khai 4 đợt phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân. Đặc biệt, trong 3 tháng vừa qua, Đoàn công tác của Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Ninh Bình và UBND các huyện triển khai Chương trình khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân trên 51 xã, thị trấn của các huyện Gia Viễn, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Qua đó, đã chỉ định chụp Xquang phổi cho 24.956 người dân và làm các xét nghiệm Xpert đờm để phát hiện và thu dung điều trị sớm cho những bệnh nhân bị bệnh lao, bước đầu thu nhận được 69 bệnh nhân lao các thể.

Đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ y tế từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trực tiếp thực hành quy trình, kỹ thuật chuyên môn trong quá trình sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho nhân dân nói riêng, và phối hợp sàng lọc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng (COPD, HPQ, tăng HA, ĐTĐ…) và triển khai sổ sức khỏe điện tử cho người dân.

Trong thời gian tới, để phấn đấu trở thành tỉnh thí điểm cho mô hình chấm dứt bệnh lao ở cộng đồng, Sở Y tế Ninh Bình mong muốn Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí và phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Phổi Ninh Bình tiếp tục triển khai tầm soát bệnh lao và các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Còn tại Nghệ An, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia, Chương trình chống lao tỉnh Nghệ An đã có những văn bản kịp thời chỉ đạo sát sao các đơn vị.

Với quy mô 480 giường, điều trị cho 750 bệnh nhân, Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp nhận lượng bệnh nhân khá đông, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc khá cao… Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết tỉnh đã xây dựng được Nghị quyết đặc thù về công tác dân số, trong đó hỗ trợ chi phí khám sàng lọc, mua thuốc cho bệnh nhân lao. Bệnh viện Lao Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống lao thường quy và phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng; lồng ghép phát hiện và chăm sóc các bệnh khác; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; triển khai các sáng kiến, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Sáu tháng đầu năm 2023, Chương trình chống lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận, huyện và 100% số xã, phường; tỷ lệ dân số được Chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện nay 51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi.

Tuy nhiên, do chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu phòng, chống lao cho giai đoạn 2021 - 2023 ở mức cao nhằm hướng đến quá trình thanh toán bệnh lao trong những giai đoạn tiếp theo, Chương trình chống lao Quốc gia trong 6 tháng đầu năm mới đạt được 37,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (51.254 ca bệnh/chỉ tiêu 138.000 ca). Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc chống lao từ ngân sách Nhà nước sang bảo hiểm y tế, mặc dù đã được triển khai từ 01/7/2022 nhưng tại nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc./.

Thu Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất