Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 9/12/2022 17:29'(GMT+7)

Phát triển phương hướng đào tạo từ xa, trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp

Hình ảnh minh họa – Nguồn Internet

Hình ảnh minh họa – Nguồn Internet

1. Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp đã đề ra mục tiêu: Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%. Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Chuyển biến căn bản nhận thức và nhanh chóng nâng cao năng lực chuyển đổi số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương, địa phương cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đào tạo chính quy, đào tạo thường xuyên). Phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế; nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo. Đổi mới quy trình, phương pháp phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu.

Phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới, ngành, nghề công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng, góp phần phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học, giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc của một nghề, giúp họ có kiến thức, kỹ năng, năng lực nghề nghiệp ổn định, vững vàng để có thể tham gia vào thị trường lao động và đáp ứng được yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động nói chung, của các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ nói riêng; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trước bối cảnh phát triển đột phá của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là những mô hình phát triển mới, tạo điều kiện, cơ hội học tập suốt đời cho người dân và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong đó vai trò của giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp rất quan. Vì vậy, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ mới, công nghệ đột phá, đa dạng phương thức đào tạo: trực tiếp, trực tuyến, từ xa là hướng đi mới cho giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu đặt ra hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lầm thứ tư.

2. Giáo dục, đào tạo chính quy tương ứng với một mô hình giáo dục được tổ chức, có tính hệ thống, được cấu trúc và quản lý theo một bộ luật và chuẩn mực nhất định, trình bày một chương trình giảng dạy khá cứng nhắc về mục tiêu, nội dung và phương pháp luận. Giáo dục, đào tạo chính quy được thể chế hóa, phân loại theo trình tự thời gian và hệ thống giáo dục có cấu trúc phân cấp tầng bậc, đi từ trường tiểu học đến cấp cao hơn lên tới trường đại học, nói chung là toàn thời gian và bị can thiệp bởi nhà nước và được đặc trưng bởi một quá trình giáo dục, đào tạo liền kề giáp nhau có tên là “Giáo dục hiện tại Presential Education”, nhất thiết  liên quan đến giáo viên, người học và tổ chức nhà trường.

Giáo dục, đào tạo không chính thức (không chính quy/giáo dục, đào tạo thường xuyên) bao gồm rất nhiều cách học tập mà tất cả mọi người tham gia, trong cuộc sống hành ngày của họ. Loại hình này bao gồm các hoạt động như nghiên cứu cá nhân và của từng người về một chủ đề hoặc sở thích cho bản thân bằng cách sử dụng sách, thư viện, giảng viên không chính thức, internet hoặc các tài nguyên khác. Giáo dục, đào tạo không chính quy cũng bao gồm các khía cạnh mà các cá nhân tìm kiếm hoặc muốn học một kỹ năng cụ thể, trong đó việc đi học không được yêu cầu đầy đủ, người học có thể học từ bất kỳ loại thông tin nào (từ tivi, đài phát thanh, phương tiện truyền thông, cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc gia đình...). Như vậy, giáo dục, đào tạo không chính quy (Non-formal education - NFE) có chương trình và phương pháp học tập linh hoạt hơn. Các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập, thực tập của giáo dục, đào tạo không chính quy có tính linh hoạt, diễn ra bên ngoài các tổ chức hoặc các nhà trường và tập trung vào người học, người học sẽ tham gia nhiều hơn và đáp ứng khi nhu cầu của người học thay đổi.

Giáo dục, đào tạo từ xa có đặc điểm là hình thức giáo dục, đào tạo mở, linh hoạt đáp ứng được nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời, học bất cứ nơi đâu, học bất cứ lúc nào cho tất cả mọi người, không nhất thiết phải đến trường, lớp. Việc tổ chức mềm dẻo, linh hoạt, kế hoạch học tập do người học lựa chọn, quy mô đào tạo không hạn chế, lớp học được tổ chức linh hoạt gần với người học, người học có thể tự đánh giá mình và xã hội đánh giá thông qua kết quả lao động sáng tạo. Xu hướng hiện nay, phương thức giáo dục, đào tạo từ xa đang phát triển và bùng nổ mạnh mẽ, có thể bổ trợ, chuyển tiếp, thay thế hình thức giáo dục, đào tạo truyền thống nhờ những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tính linh hoạt của hình thức giáo dục, đào tạo từ xa được thể hiện qua việc các cơ sở giáo dục tận dụng được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống học liệu,... làm cho việc học tập, quá trình giáo dục, đào tạo không cần người dạy và người học đối mặt trực diện với nhau. Đối với các nước phát triển, giáo dục, đào tạo từ xa chủ yếu dựa vào công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet,   điện thoại thông minh kết nối mạng. Đối với các nước đang phát triển, đào tạo từ xa vẫn tận dụng các công nghệ truyền thống như: tài liệu in ấn, đĩa CD và học liệu đa phương tiện kết hợp với giáo dục, đào tạo trực tuyến, có sự đan xen và hỗ trợ giữa công nghệ truyền thống và công nghệ cao. Sự linh hoạt của giáo dục, đào tạo từ xa còn thể hiện ở việc khoảng cách, thời gian và sự tự học của người học, góp phần tích cực cho việc có khả năng tăng quy mô nhưng đảm bảo chất lượng trong nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), đã cung cấp được đầy đủ nội dung học tập, quản lý được việc học và sự tiến bộ của người học với phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, khách quan bằng công nghệ thông tin, mở ra cơ hội lớn cho người học trong việc tiếp xúc tri thức mà không bị rào cản bởi không gian hoặc thời gian, cho phép người học chủ động trong việc học tập của mình cả về nội dung và thời gian đề cao rính cá nhân hóa người học. Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay,  giáo dục, đào tạo từ xa có thể được thực hiện qua công nghệ trực tuyến (E-Learning), đây là phương thức giáo dục, đào tạo từ xa tiên tiến và có rất nhiều lợi ích, nhất là trong điều kiện về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển như hiện nay với những ưu thế, lợi thế của hình thức này sẽ ngày càng được khẳng định và cần được áp dụng triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo trong các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Đặc biệt, việc ứng dụng đào tạo từ xa trong các cấp trình độ, ngành nghề đào tạo nhất định, nhất là trong đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên của giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cho người học có thể lựa chọn, tham gia học nghề ngay tại nơi làm việc, nơi sinh sống mà không nhất thiết phải tập trung đến trường, đến lớp; đồng thời giúp người học thuận tiện hơn trong việc lựa chọn một lĩnh vực kiến thức cần bổ sung cho công việc, cho ngành nghề của bản thân để liên thông lên các cấp trình độ cao hơn khi đang tham gia vào thị trường lao động hoặc muốn chuyển đổi để phù hợp với sự phát triển của bản thân hơn.

Đặc biệt, trong gần ba năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo và an toàn phòng chống dịch Covid-19, giáo dục nghề nghiệp triển khai chuyển đổi số, tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, quản trị, trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trực tuyến, từ xa. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tích cực, hiện đại, mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức đào tạo truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa; khuyến khích nhà giáo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực xây dựng kế hoạch, thiết kế bài giảng trực tuyến; linh hoạt giảng dạy nội dung lý thuyết bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép nhà trường tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết lập hệ thống dữ liệu đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên giáo dục nghề nghiệp đến thực tập, tìm kiếm việc làm. Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án tổ chức học tập trung theo mô hình “3 tại chỗ”[1] để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo và an toàn phòng chống dịch.

Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thật tốt. Thời gian thực hành, thực tập của học viên, sinh viên tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thể thực hiện theo kế hoạch, nhất là đối với các chương trình chuyển giao đào tạo nghề chất lượng cao đang thí điểm. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị hoãn, hủy. Hình thức đào tạo trực tuyến, từ xa nhìn chung mới phù hợp với nội dung môn học lý thuyết, còn nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn triển khai thực hiện đối với các nội dung thực hành kỹ năng nghề, thực tập nghề nghiệp. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại địa phương, trường phổ thông hầu như không được thực hiện, trong khi hiệu quả hoạt động tư vấn, tuyển sinh từ xa, trực tuyến chưa cao...

3. Đổi mới, đa dạng các loại hình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu, vấn đề đặt ra để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay. Việc phát triển loại hình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến gắn với hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, trang thiết bị giảng dạy hiện đại được xác định là định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế.

IMG-8108.jpg

Nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng theo kê hoạch và đạt chất lượng, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra và đánh giá trong đào tạo trực tuyến.

Về quản lý đào tạo trực tuyến: (1). Cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến); (2). Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến tại trường.

Về tổ chức lớp học trực tuyến: (1). Việc tổ chức lớp học trực tuyến được thực hiện theo lớp học truyền thống (lớp học trực tiếp tại trường) và được duy trì bằng các phần mềm, ứng dụng đào tạo trực tuyến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng hoặc các phần mềm, ứng dụng khác (zalo, viber, facebook, v.v...) do người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định; (2). Nhà giáo giảng dạy môn học trực tuyến thực hiện việc quản lý lớp theo quy chế đào tạo trực tuyến của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm sự tham gia học tập đầy đủ của học sinh, sinh viên; thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu để làm minh chứng và ghi chép hồ sơ, sổ sách trong đào tạo theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Về thời gian giảng dạy: (1). Một ngày học trực tuyến không quá 5 giờ (45 phút/giờ học lý thuyết), trong đó mỗi giờ học có tối thiểu từ 20 - 30 phút giảng dạy trực tuyến trực tiếp (nếu có thể), thời gian còn lại để giảng dạy trực tuyến gián tiếp, trao đổi, giải đáp thắc mắc, giao bài tập cho học sinh, sinh viên. Trường hợp việc truy cập internet của học sinh, sinh viên không ổn định thì nhà giáo sử dụng toàn thời gian nêu trên vào việc giảng dạy trực tuyến gián tiếp (như đã hướng dẫn tại Công văn số 587/TCGDNN-ĐTCQ ngày 17/3/2020 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc hướng dẫn ứng dụng CNTT trong tổ chức đào tạo trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19); (2). Thời gian giảng dạy trực tuyến (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp) được tính vào định mức giờ giảng của nhà giáo. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ thời gian giảng dạy, quy mô lớp học để tính giờ chuẩn cho nhà giáo theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chế độ làm việc của nhà giáo; (3). Thời gian học tập và các hoạt động trong một ngày học trực tuyến có thể thực hiện linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng trường do người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định.

Về kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến: (1). Các hình thức kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến: Kiểm tra thường xuyên trực tuyến được thực hiện bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc bằng các hình thức kiểm tra, đánh giá khác do nhà giáo giảng dạy tự quyết định; Kiểm tra định kỳ trực tuyến được thực hiện theo kế hoạch về kiểm tra định kỳ trong chương trình mô đun, môn học, thực hiện bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc kiểm tra viết, chấm điểm tiểu luận do nhà giáo giảng dạy trực tiếp quyết định; Kiểm tra, thi kết thúc mô đun, môn học trực tuyến được thực hiện trực tiếp, tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hình thức trắc nghiệm, viết, vấn đáp, bài tập lớn, tiểu luận hoặc kết hợp giữa các hình thức trên hoặc được thực hiện gián tiếp theo hình thức trực tuyến. Việc kiểm tra, thi kết thúc mô đun, môn học trực tuyến gián tiếp do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định về hình thức, cách thức và quy trình tổ chức thi, kiểm tra nhưng phải bảo đảm yêu cầu theo quy định. (2). Yêu cầu trong kiểm tra, đánh giá đào tạo trực tuyến phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch, đánh giá được đúng năng lực của học sinh, sinh viên và tránh được các hiện tượng gian lận nhất là đối với việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến gián tiếp.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập

Về công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc mô đun, môn học theo hình thức trực tuyến (trực tiếp hoặc gián tiếp) được công nhận giá trị tương đương như đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống. Kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến được ghi vào bảng điểm trong hồ sơ học tập và công nhận trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, được dùng làm cơ sở cho việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề và công nhận để tiếp tục học liên thông với các trình độ đào tạo khác.

Các quy định khác về tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập trong đào tạo trực tuyến được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

Để triển khai hiệu quả hình thức, phương thức đào tạo từ xa, trực tuyến ở các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cộng đồng về vai trò của đào tạo từ xa, trực tuyến đối với yêu cầu nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.Việc ứng dụng hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến vào trong hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp sẽ là hướng tích cực, hiệu quả, cần có các chủ trương, chính sách mạnh để tác động các nhà quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học và xã hội để phát  triển giáo dục, đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới./.

TS. Trần Đình Minh, Trường Đại học Giáo dục

-------------------------------------

[1] Học tập trung tại trường; thực hiện cách ly tại trường; ăn nghỉ tại trường. Mô hình này áp dụng cho đối tượng người học sắp tốt nghiệp ra trường; sinh viên học trong các chương trình chất lượng cao theo đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người học trong các chương trình đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế, vừa chuẩn bị được nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thời kỳ hậu dịch bệnh. Lý do, giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hành, thực tập là chủ yếu (chiếm 70% khối lượng chương trình), vì vậy với các lớp năm đầu hoặc năm thứ hai có thể tập trung giảng dạy trực tuyến phần lý thuyết, nhưng phần thực hành, thực tập, nhất là thực hành, thực tập tốt nghiệp bắt buộc phải thực hiện trực tiếp; đối với các chương trình đặt hàng đào tạo, bảo đảm tiến độ là bắt buộc, người học còn phải tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất