Thứ Bảy, 27/7/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 15/8/2018 10:18'(GMT+7)

Sự quan tâm, tình cảm của Bác Tôn với quân đội

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Sư đoàn 308 (ngày 28-8-1974). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Sư đoàn 308 (ngày 28-8-1974). Ảnh tư liệu

Đối với LLVT nói chung, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn dành những tình cảm thắm thiết, sự quan tâm đặc biệt.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng rất quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tố chính trị-tinh thần trong sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam, trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, Bác Tôn chỉ ra rằng: “Đấu tranh mà không có lý tưởng dẫn dắt thì hoặc là đấu tranh sai, hoặc là đấu tranh không bền bỉ, bỏ dở nửa đường”. Việc thấm nhuần mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội là cơ sở để xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Theo Bác Tôn, để không ngừng nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm thống nhất tư tưởng và hành động, cần phải làm thật tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong quân đội.

Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn thường xuyên quan tâm đến hoạt động xây dựng và chiến đấu của quân đội, góp phần khơi dậy và cổ vũ tinh thần quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; truyền đến cán bộ, chiến sĩ toàn quân ý chí chiến đấu mới, vượt lên trên sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại của kẻ thù. Chủ tịch Tôn Đức Thắng dành nhiều thời gian đến thăm các đơn vị quân đội, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và động viên cán bộ, chiến sĩ ra sức rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu, góp phần đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi. Ngày 18-3-1970, Bác Tôn gửi thư khen tới Đại hội Thi đua Quyết thắng của Binh chủng Tăng thiết giáp, mong muốn binh chủng không ngừng nâng cao tinh thần anh dũng, mưu trí, đoàn kết, kỷ luật, giữ gìn và sử dụng tốt vũ khí, trang bị, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ, thực hiện đã ra quân là đánh thắng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn đề cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với Tổ quốc, với nhân dân. Trong buổi gặp mặt và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Thông tin liên lạc sau Hiệp định Paris năm 1973, Bác Tôn nêu rõ: “Hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ LLVT nhân dân ta cần nhận rõ trách nhiệm trọng đại và vinh dự lớn lao của mình trong giai đoạn quyết liệt hiện nay của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, là đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Các đồng chí hãy nỗ lực vượt bậc hoàn thành mọi nhiệm vụ chiến đấu, SSCĐ, giành cho kỳ được những chiến công to lớn hơn nữa, xứng đáng với lòng tin cậy và sự mong mỏi của toàn Đảng và toàn dân ta”(1).

Những lời căn dặn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nghĩa vụ và trách nhiệm của quân đội đối với Tổ quốc, với nhân dân, trên lập trường cách mạng triệt để. Đặc biệt, Bác Tôn luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ trong quân đội phải cố gắng học tập, nâng cao trình độ, không được thỏa mãn, dừng lại.

Trong những lần gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ LLVT, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nhắc nhở, căn dặn cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Theo Bác Tôn, toàn bộ công tác xây dựng quyết tâm chiến đấu phải lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm mục đích; coi đó là thước đo, là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá quyết tâm chiến đấu. Bác Tôn cũng rất quan tâm giáo dục cán bộ các cấp trong quân đội: “Phải làm kiểu mẫu cần kiệm liêm chính”, kể cả trong những việc nhỏ nhất, để góp phần xây dựng quân đội chính quy, hiện đại.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội; quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần: Muốn đánh thắng quân xâm lược, người quân nhân cách mạng không những phải có ý chí chiến đấu và đạo đức cách mạng, mà còn cần phải có kỹ thuật quân sự, phải giỏi sử dụng vũ khí, trang bị và biết làm tốt công tác vận động quần chúng. Bác Tôn luôn khơi dậy, đề cao bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội ta; thường xuyên cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng trong mọi mặt hoạt động chiến đấu, học tập và công tác. Bác nhắc nhở: “Nếu như các thế hệ trước đây đã nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù, đã dám đứng lên đương đầu với kẻ thù tàn bạo và đã chiến thắng được chúng, thì ngày nay, phát huy truyền thống ấy, các đồng chí hãy tỏ ra bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ, hãy chiến thắng chúng mà hoàn thành nhiệm vụ”.

Để củng cố và nâng cao quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng đã cần thiết từ trước đến nay, thì từ nay về sau trên đoạn đường kiến thiết xã hội chủ nghĩa mới mẻ, vinh quang, nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp, lại càng cần thiết hơn nữa”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng khẳng định: “Đảng ta muốn lãnh đạo kháng chiến, phải tập trung cán bộ, phải dốc lực lượng vào cuộc chiến tranh giải phóng… Phải nhận rõ muốn kháng chiến thắng lợi thì trước hết, đấu tranh quân sự phải thắng lợi. Cho nên, Đảng phải trực tiếp lãnh đạo kháng chiến, lãnh đạo chiến tranh nhân dân. Đảng phải ném thêm cán bộ khá vào quân đội và cán bộ các cấp của Đảng phải học quân sự, hiểu quân sự, làm quân sự”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”, Bác Tôn cho rằng: Cần phải tăng cường công tác vận động cách mạng trong quân đội, nhằm nâng cao quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Đó chính là cơ sở bảo đảm cho quân đội có lập trường chiến đấu kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng.

PGS, TS NGUYỄN MINH ĐỨC

(1) Tôn Đức Thắng-người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.122

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất