Thứ Bảy, 21/9/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 15/7/2018 9:13'(GMT+7)

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Chấp nhận giai đoạn quá độ để xác định tài sản

Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó

- Tuần qua, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 và cá nhân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh với nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

- Đây là một quyết định hợp lòng dân. Bởi lẽ, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát, để Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG; đồng thời làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Trách nhiệm chính của những cá nhân có liên quan cũng được xác định rõ. Đây là việc làm hết sức nghiêm túc, thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công cuộc hết sức quyết liệt, phải làm kiên trì, kiên quyết, không nóng vội. Và thực sự chúng ta không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, bảo đảm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật.

Những chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã và đang được thực hiện nghiêm. Ngọn lửa quyết tâm làm trong sạch tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, đẩy lùi tham nhũng đã và đang cháy một cách bền bỉ. Thời gian qua, chúng ta chứng kiến rất nhiều các cán bộ đương chức, cán bộ về hưu khi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm. Vi phạm đến đâu, tội đến đâu xử lý đến đó. Rõ ràng có trọng quyền lớn thì phải gắn với trách nhiệm lớn. Chặng đường phòng, chống tham nhũng còn dài. Những kết quả đạt được đang củng cố sâu sắc hơn lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Và thực sự, Đảng, Nhà nước ta đã nói được, đang làm được, có bước đi căn cơ, bài bản, tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Trong cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Công thương giữa tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, xây dựng Đảng không có nghĩa chỉ là học nghị quyết. Quan trọng là xây dựng con người, cơ chế, chính sách để tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách căn cơ, gốc rễ. Quan điểm của ông về nội dung này như thế nào?

- Mọi ý tưởng, mong muốn, chủ trương của chúng ta đều thể hiện trên văn bản. Nếu không có con người thực hiện thì ý tưởng, chủ trương mãi nằm trên giấy. Muốn có một tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh thì trước hết phải tập trung xây dựng con người. Thực tế đã chứng minh, hành vi làm đúng hay trái quy định pháp luật đều do con người mà ra. Sinh thời, Bác Hồ đã luôn nhắc nhở, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, mọi việc thành hay bại là do cán bộ. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, vừa làm trong sạch bộ máy, vừa làm trong sạch cán bộ. Như có ý kiến đã từng nói rằng, chúng ta muốn tái cơ cấu ngành này, lĩnh vực này, nhưng nếu không tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không có kết quả nào như mong muốn cả.

Nên chấp nhận neo khóa tài sản

- Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Trong đó, điểm mới là tạo hành lang pháp lý để có thể quản lý, giám sát, theo dõi chặt hơn tài sản của cán bộ, công chức, không để tội phạm tham nhũng lọt lưới. Ý kiến của ông về nội dung này như thế nào?

- Công tác cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng đều có liên quan đến quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là QH đã và đang rất thận trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung đạo luật này. Sự tranh luận, phản biện về một số nội dung của luật đến nay dường như vẫn chưa dứt.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, dự án luật cần bám sát nguyên tắc chung là bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đây có thể coi là linh hồn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo đó, trước hết, cần bảo đảm mọi thông tin về công tác cán bộ phải công khai, minh bạch. Căn cớ gì mà cứ phải úp mở trong vấn đề này, càng nhiều hộp đen, thì nguy cơ chạy chọt càng nhiều. Phải công khai, minh bạch từ công tác tuyển chọn, tạo nguồn, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Không việc gì phải bí mật, hoặc đóng dấu mật tràn lan. Chúng ta có hơn 90 triệu dân, trong đó 5 - 6 triệu là cán bộ, đảng viên. Tôi cho rằng, việc lựa chọn cán bộ có lẽ không khó. Khi công khai, minh bạch đồng nghĩa chúng ta có tới hơn 90 triệu cặp mắt của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng theo dõi, tuyển chọn và giám sát. Tất nhiên, công khai, minh bạch không có nghĩa là dán tờ rơi thông tin của cán bộ, công chức khắp các hang cùng, ngõ hẻm, mà công khai, minh bạch ở cơ quan, tổ chức theo nguyên tắc cán bộ, đảng viên phải được biết, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phải có tiếng nói. Nói cách khác, cần tăng cường phản biện với công tác cán bộ.

- Quy định tại Điều 59, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai giải trình không rõ nguồn gốc trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đang còn nhiều ý kiến trái chiều. Tại phiên họp thứ 25 vừa qua, UBTVQH cũng chưa đi đến một phương án thống nhất. Theo ông, chúng ta cần làm gì?

- Quan trọng nhất của Luật Phòng, chống tham nhũng là kiểm soát tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là cán bộ, công chức, những người ở vị trí có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực của đất nước như đất đai, tài chính… Tôi cho rằng, chúng ta phải chấp nhận thực tế đã có, đó là chấp nhận có một lần kê khai trước tất cả tài sản của cán bộ, công chức. Chúng ta không loại trừ ai cả, đã là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản và yêu cầu mọi người chứng minh nguồn gốc tài sản. Chấp nhận có một giai đoạn quá độ để kiểm kê lại tài sản, xác định tài sản của cán bộ, công chức là bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm chứng minh được, bao nhiêu phần trăm không chứng minh được? Không chứng minh được thì từ nay trở đi sẽ bị tịch thu. Nói rõ hơn, là chúng ta chấp nhận neo khóa tài sản để họ kê khai. Sau này, nếu những người sở hữu tài sản đó vướng vào vụ việc tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật bị điều tra, khi đó, nếu xác minh tài sản của người đó là tham nhũng thì phải bị tịch thu theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, một biện pháp mà nhiều người đã có ý kiến, phải thu hẹp, tiến tới loại bỏ việc sử dụng tiền mặt, tăng cường thanh toán qua hệ thống ngân hàng, các phương tiện có thể kiểm soát, giám sát được đường đi của đồng tiền. Mọi việc đều cần có bước đi, không nên nóng vội. Đơn cử, nếu đánh thuế tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc như phương án dự thảo nêu ra, thì căn cứ nào để đánh thuế? Và cũng không có tên gọi nào cho thuế không chứng minh được nguồn gốc tài sản cả. Trên thế giới cũng không có nước nào quy định như vậy.

- Xin cảm ơn ông!


Theo Báo Người đại biểu Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất