Thứ Năm, 5/12/2024
Môi trường
Thứ Năm, 27/10/2022 21:33'(GMT+7)

Tài chính xanh, tín dụng xanh hướng tới phát triển bền vững

Một nội dung quan trọng trong các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam là tăng trưởng xanh, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện. Ngày 4/7/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon…  Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và các chương trình tín dụng góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân, giải quyết từng bước các vấn đề môi trường và xã hội; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ cao. 

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tính dụng xanh, tài chính xanh hướng tới phát triển bền vững” tổ chức hôm 27/10 tại Hà Nội: tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường. Hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

 
 

Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tín dụng xanh đang có những chuyển hướng tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư ngày càng cao. Kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng cho thấy, sự hiểu biết của các tổ chức tín dụng về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã cải thiện đáng kể và ngày càng được nâng lên. Nhiều tổ chức tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược có tính đến rủi ro môi trường, xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng xanh; quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp cho các dự án này, chủ yếu trong trung - dài hạn và có ưu đãi lãi suất.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26),Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế. Đồng thời, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thị trường tài chính xanh còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh, đặc biệt là các sản phẩm tài chính mới như cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh. Cơ cấu tín dụng xanh tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ lĩnh vực quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapo.

 Mặc dù Việt Nam đã có những tín hiệu tích cựcsong sự phát triển của lĩnh vực tín dụng xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam; cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế để khuyến khích các TCTD tham gia tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chính sách tăng trưởng tín dụng xanh, tài chính xanh, hoạt động ngân hàng xanh và phát triển bền vững.

Ngành ngân hàng cần nghiên cứu triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ các thị trường tài chính xanh, đặc biệt là thị trường trái phiếu xanh và các nhà đầu tư có tổ chức, tạo cơ sở cho ngân hàng huy động vốn xanh trên thị trường; tận dụng các thành tựu khoa học của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xanh hóa hoạt động ngân hàng.

Chỉ ra những thách thức, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài Chính) cho rằng, động lực của tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường.

Việc thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh này, dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và kém thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Đối với kênh trái phiếu xanh, chỉ có số ít các doanh nghiệp lớn phát hành được ra quốc tế. Theo phản ánh từ thị trường tại Báo cáo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước năm 2021 đối với thị trường trái phiếu xanh, 90% doanh nghiệp cho biết, họ khó tìm được người mua khi phát hành trái phiếu.

Đối với kênh chứng khoán xanh, đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa sẵn sàng tham gia phát hành, đầu tư để đón làn sóng đầu tư quốc tế. Việc thiếu vắng cả bên mua lẫn bên bán sẽ làm cho các kênh đầu tư này có tính thanh khoản thấp, đồng thời thiếu sự thu hút, nếu so với các danh mục đầu tư khác vốn có tính rủi ro cao hơn, đồng nghĩa với lãi suất cũng cao hơn.

Khuyến nghị giải pháp, Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng (BWG), để tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng tỷ trọng tín dụng xanh, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất - làm cơ sở để các ngân hàng thương mại đánh giá khi cấp tín dụng xanh.

Về trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ định các ngân hàng làm cố vấn hợp pháp hóa nguồn gốc trái phiếu, dựa trên trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao về thị trường vốn; có sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các tổ chức cũng sẽ cần đánh giá tiềm năng chuyển đổi danh mục đầu tư của họ. Theo bà Michele Wee, Ngân hàng Nhà nước nên khuyến khích các tổ chức tài chính tại Việt Nam thiết lập các công bố thông tin liên quan đến rủi ro khí hậu theo các khuyến nghị của Tổ công tác về Công bố tài chính liên quan đến khí hậu và thực hiện việc thiết lập mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Nhiều tổ chức và đối tác quốc tế đã khẳng định tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực Nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững.

Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất. Vấn đề hiện nay là cần đề ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh. Nhiều đối tác và các doanh nghiệp đánh giá cao những chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.

Hải An

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất