Thứ Hai, 29/4/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 27/11/2023 7:12'(GMT+7)

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cùng với Đề án “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025”, Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) được Bộ Công thương triển khai nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

Theo đó, Chương trình phấn đấu đến hết năm 2025, hằng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Bảo đảm hằng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng, trong đó có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Tổ chức được ít nhất 500 khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được hội bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh; tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện. Đồng thời, hình thành hệ thống tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với những nội dung trên, Chương trình xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; xây dựng, phát triển và triển khai một quy trình tư vấn, hướng dẫn chung cho các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng tới việc sử dụng, vận hành một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình tư vấn thống nhất cho các yêu cầu, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc tại các cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng…

Chương trình bao gồm các hoạt động, đề án đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phê duyệt để thực hiện các nội dung quy định tại Điều 48, Điều 49 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 28, Điều 35 của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các mục tiêu quy định trên. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tập trung phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo những nội dung sau: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng…

Nhằm triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2022, Bộ Công Thương đã giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (Cuộc thi) với đối tượng tham gia là cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước.

Bên cạnh mục tiêu phổ biến, tuyên truyền và nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cuộc thi cũng góp phần nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi, kỹ năng tiêu dùng của người tiêu dùng nói riêng và các nhóm người tiêu dùng yếu thế nói chung.

Vòng Chung kết Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023" đã tổ chức thành công tại thành phố Hải Phòng, chiều 26/11.

Vòng Chung kết cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023” đã được tổ chức thành công ngày 26/11 tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng với sự tham gia của 3 đội thi xuất sắc với tổng số điểm cao nhất tại Vòng Cơ sở, gồm: Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng, Công ty Xăng dầu khu vực I - Công ty TNHH MTV, và Công ty Cổ phần Truyền thông Máy tính Thánh Gióng.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, tại Vòng Cơ sở đã có gần 1.500 cán bộ, công nhân viên đến từ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tranh tài với hình thức thi trực tuyến ngày 15/11 đến ngày 24/11/2023 thông qua website khoahoccongthuong.vn và Fanpage Bảo vệ người tiêu dùng. Mỗi lượt thi, thí sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Sau đợt tập huấn, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 3 đơn vị tham gia Vòng chung kết. Thông qua các phần thi, các đội thể hiện rõ nội dung những quyền của người tiêu dùng được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân trên cương vị người tiêu dùng, cần tìm hiểu và tự trang bị kiến thức cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, cũng như có trách nhiệm đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó truyền tải đi thông điệp: “Quyền lợi người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Cuộc thi cũng đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của công chúng. Qua đó, góp phần trang bị các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các hoạt động tiêu dùng; cũng như giúp người tiêu dùng thực thi hiệu quả các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kết thúc Vòng Chung kết năm 2023, Ban tổ chức đã trao Giải Nhất cho Đội thi Công ty Xăng dầu khu vực I; Giải Nhì thuộc về đội thi Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng; Giải Ba thuộc về Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng./.

THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất