Chủ Nhật, 19/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 18/2/2015 14:35'(GMT+7)

Tiếng ca Tết nghẹn ngào trên thềm lục địa phía Nam

Nhà giàn Phúc Nguyên hiên ngang đứng giữa biển (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Nhà giàn Phúc Nguyên hiên ngang đứng giữa biển (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tết với DK1 hình như đã bắt đầu sớm với những khoảng lặng xa xôi như thế.

Chúc Tết qua loa

Đã là ngày thứ 6 trên biển Đông. Nhà giàn thứ 3 cũng hiện ra trước mắt cả đoàn công tác, nhưng việc tiếp cận lại bất thành. Lòng người nóng như lửa đốt. Vẫn chỉ có những dây hàng Tết được quăng xuống biển xanh sóng lừng. 

Trưởng đoàn, Đại tá Trương Công Thế, sau mấy lần không thể trực tiếp lên nhà giàn chúc Tết anh em cũng đã rất bồn chồn. Nhìn đăm đăm ra mặt biển mù mịt nước, ông khẽ thở dài. Vậy là hôm nay, một lần nữa, Đại tá Thế lại phải chúc Tết anh em qua loa, cái công việc mà như ông nói: Cả đoàn không ai mong muốn cả.

Sóng I-Com đã nối. Vẫn những tiếng rè rè vô cảm.

Giọng bùi ngùi, Đại tá Thế bắt đầu: “Mỗi năm khi Tết đến xuân về, Đoàn chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân lại ra thăm và chuyển quà tới các đồng chí. Do điều kiện sóng to gió lớn, đoàn không lên nhà giàn được, đành chúc Tết qua bộ đàm.”

Giọng Đại tá Thế lạc đi xúc động: “Các đồng chí hãy phát huy tinh thần dũng cảm và sự cống hiến, hi sinh quên mình vì Tổ quốc để hoàn thành nhiệm vụ. Chúc các đồng chí vui Xuân mới không quên nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.”

Từ phía cách xa gần trăm mét nước, Chỉ huy trưởng nhà giàn cũng nghẹn ngào: “Năm nay, anh em đã rất mong được đón Thủ trưởng cùng đoàn lên cùng ăn Tết. Nhưng điều kiện không cho phép. Chúng tôi xin hứa sẽ ngày đêm bám chắc vùng biển DK1 thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần còn người còn nhà giàn, còn vùng biển DK1.”

Các thành viên trên tàu, vốn là người quen với các DK cũng tranh thủ sóng trong phút chốc để thăm hỏi, động viên những đồng đội đã từng gặp mặt. Họ hỏi chiến sỹ trẻ mới về cái Tết đầu tiên xa nhà; gửi một lời nhắn vội từ đất mẹ cho một vài anh em đã đi lâu. Sóng I-Com trong giây phút ấy đã khiến cho biển và đất chỉ còn cách nhau có một tiếng cười.

Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh, người đã từng có 19 cái Tết trên DK, lần này cũng đi cùng tàu 621 để nhận nhiệm vụ mới chia sẻ: “Đối với các cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên nhà giàn, niềm mong mỏi nhất mỗi dịp cuối năm là được đón đoàn công tác. Từ mấy ngày trước khi tàu tới, anh em đã chuẩn bị gạo, thịt, cá… để cùng chung vui.”

Bởi thế, khi biết không ai có thể lên được nhà, anh em đều vô cùng hụt hẫng. Sóng I-Com trở thành phương tiện duy nhất để hai đầu bày tỏ tình cảm; nghe thấy giọng đành coi như đã thấy mặt người, đã nắm chặt cái bắt tay mừng rỡ ngày hội ngộ…

Những tiếng hát đứt quãng trên biển xanh

Mặc dù say sóng, nhưng MC Hồng Phượng (Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) vẫn cố gắng leo lên buồng lái để gửi một vài lời chúc tới các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn. Cô chủ động đề nghị được hát tặng anh em một bài hát về mùa Xuân.

Khi tiếng hát của cô MC trẻ cất lên, cả buồng lái lặng lại. Phía đầu dây bên kia cũng chỉ còn nghe thấy sóng ngắn rèn rẹt. Tiếng ca hòa lẫn với tiếng sóng biển gầm gào ngoài xa khiến cho tất cả những người có mặt đều rưng rưng. Bài hát về mùa Xuân với cái Tết ấm áp bên gia đình, bè bạn. Bài hát như lắng sâu xuống tận đáy lòng mỗi người trong giờ phút lạ kỳ ấy.

Nhưng đột nhiên, Phượng bật khóc. Những thổn thức, nức nở ngăn không cho cô hát nữa. Trên DK, ai đó cũng sụt sùi. 

Phượng bảo, khi cô hát, cô nghĩ đến những gương mặt thanh xuân ở nhà giàn, quanh năm chỉ biết sóng gió, nghĩ về cái Tết xa quê của họ nên không thể cầm lòng.

Nói về khó khăn của anh em trên nhà giàn, Chính trị viên tàu 621, Huỳnh Chí Cường kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày anh còn đóng quân.

Ngày còn ở Ba Kè, cũng vào dịp đầu năm, bão biển đột ngột đổ về. Để đảm bảo an toàn, Cường cùng đồng đội buộc phải rời nhà xuống thuyền tránh bão. Sau mấy ngày trở về, toàn bộ vườn rau anh em gây dựng bao lâu bị sóng gió đánh nát hết. Lá chanh rụng như mùa thu, vàng khô vì đóng muối. Cả nhà xơ xác trong nỗi đau xót của tất thảy các cán bộ chiến sỹ. Năm đó, Tết nhà giàn buồn tê tái.

Cường bảo, nhà giàn là cột mốc chủ quyền thiêng liêng, sống với nhà giàn cũng là sống với một phần máu thịt của Tổ quốc và của cả những người đã nằm xuống.

Như đáp lại tấm lòng hậu phương, đồng loạt các chiến sỹ trên DK cũng hát, gửi lại tình cảm cho khách tới thăm mà chẳng thể lên chơi nhà. Tiếng ca chiến sỹ nhiều cung bậc, lạc tông, lỗi nhịp, nhưng lại như một ngọn lửa sưởi ấm cho cả đoàn công tác.

“Giữ trùng khơi vẫn xanh ngời
Giữa biển trời vẫn sống yêu đời
Lính nhà giàn là thế đó
Lính đàn ca sáo ngân nga
Gửi mùa xuân đến với quê nhà
Có mẹ già và con thơ
Ầu ơ chị hát ru…”

Với tất cả, Tết hình như đã đến đầu tiên qua những bài hát nghẹn lời từ làn sóng cực ngắn I-Com giữa sóng biển gầm gào.
Theo VN+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất