Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 12/4/2022 9:6'(GMT+7)

Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá đối với quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

CÒN SỰ LÚNG TÚNG

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định: “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật”. Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg, ngày 27/3/2015 về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với yêu cầu “Xây dựng, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa phổ thông mới phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông”; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới; Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường; “Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc triển khai một chương trình, nhiều sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Việc biên soạn, thẩm định SGK lớp 1 áp dụng vào năm học 2020-2021 được Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành thận trọng đối với 9 môn học gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc), Nghệ thuật (Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và Tiếng Anh.

49 bản mẫu sách giáo khoa của 5 nhóm tác giả từ 3 nhà xuất bản được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt cho 8 môn học, hoạt động giáo dục ở lớp 1 để sử dụng trong năm học 2020-2021 gồm Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (trong đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách). Kết quả này đã đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, chủ động nhiều giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh, song quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và biên soạn sách giáo khoa ban đầu còn lúng túng và tồn tại một số hạn chế cần rút kinh nghiệm. Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam và được xã hội đặc biệt quan tâm và còn có nhiều ý kiến khác nhau nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, nội dung đưa vào sách giáo khoa còn có một số ngữ liệu chưa phù hợp. Các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn hạn chế, chưa khả thi. Công tác truyền thông, tuyên truyền về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa tạo sự đồng thuận, thống nhất trong ngành Giáo dục và xã hội còn chưa tốt. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa nắm chắc về chương trình giáo dục phổ thông mới để tổ chức triển khai dạy học, thực tế giáo viên vẫn dạy theo sách giáo khoa, truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú trọng đến phát triển năng lực học sinh.

NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG SÁCH GIÁO KHOA 

Rút kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa góp phần kiểm soát chặt chẽ quá trình biên soạn, nâng cao chất lượng sách giáo khoa hơn nữa, ngày 19/3/2022 Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, trong đó nhấn mạnh vào 5 tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, gồm: 1) Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa; 2) Nội dung sách giáo khoa; 3) Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa; 4) Cấu trúc sách giáo khoa; 5) Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa.

Thứ nhất, về điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn nội dung và hình thức sách giáo khoa: không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí là: i) Nội dung và hình thức sách giáo khoa không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Xuất bản và pháp luật có liên quan. ii) Nội dung và hình thức sách giáo khoa không tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; không sai lệch sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; không gây hằn thù dân tộc, xung đột sắc tộc, tôn giáo; không ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. iii) Nội dung và hình thức sách giáo khoa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam. iv) Thông tin ghi trên sách giáo khoa tuân thủ quy định theo Luật Xuất bản.

Về tiêu chuẩn nội dung và hình thức sách giáo khoa: không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: 1) Các nội dung, hình ảnh liên quan đến các dân tộc Việt Nam có tần suất xuất hiện phù hợp; thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, quan điểm tích cực, khách quan, bình đẳng, tôn trọng về phẩm chất trí tuệ, phong tục tập quán, giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam. 2) Các nội dung, hình ảnh liên quan đến người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có tần suất xuất hiện phù hợp; thể hiện cách nhìn tích cực, khách quan, bình đẳng, tôn trọng về phẩm chất trí tuệ của người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; không vi phạm các quy định của Luật người khuyết tật, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và pháp luật có liên quan.3) Các nội dung, hình ảnh liên quan đến các nghề nghiệp, vùng miền, địa phương khác nhau có tần suất xuất hiện phù hợp; thể hiện tính tích cực, khách quan, bình đẳng, tôn trọng đối với các nghề nghiệp, vùng miền, địa phương khác nhau; không có những thông tin, hình ảnh mang tính quảng cáo cho các sản phẩm thương mại cụ thể. 4) Các nội dung, hình ảnh về giới có tần suất xuất hiện phù hợp; thể hiện tính tích cực, khách quan, bình đẳng về phẩm chất trí tuệ và thiên chức của các giới; không vi phạm Luật bình đẳng giới.

Thứ hai, nội dung sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn nội dung sách giáo khoa: thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Nội dung sách giáo khoa phản ánh chính xác, đủ các yêu cầu cần đạt, bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực của từng chủ đề được quy định trong chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; (2i). Các ví dụ minh họa, các dẫn liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội, thiên nhiên, con người được sử dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam; (3). Sách giáo khoa thể hiện nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua yêu cầu về độ rộng, sâu của kiến thức, yêu cầu vận dụng, thực hành liên quan đến ngành nghề mà chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục hướng tới.

Về tiêu chuẩn các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh: bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh trong sách giáo khoa bảo đảm chính xác, cập nhật khách quan, phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhất quán trong sách giáo khoa đó và giữa các sách giáo khoa ở các lớp học, cấp học của các chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục. Việc tóm tắt tác phẩm của tác giả đưa vào sách giáo khoa phải được sự đồng ý của tác giả hoặc người nắm giữ bản quyền; (2). Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh trong sách giáo khoa phù hợp với nội dung giáo dục và yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh quy định tại chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục

Về tiêu chuẩn các thành tựu khoa học mới liên quan đến chương trình môn học, hoạt động giáo dục: được cập nhật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Sách giáo khoa biên soạn lần đầu hoặc sách giáo khoa được chỉnh sửa lần sau phải cập nhật các thành tựu khoa học mới liên quan đến chương trình môn học, hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục; (2). Sách giáo khoa không có những nội dung còn tranh cãi, chưa hoàn toàn được thừa nhận; không được tóm tắt hoặc trích đoạn làm sai lệch nội dung tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu: được thể hiện hợp lý, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Sách giáo khoa có nội dung về chủ quyền quốc gia phải thể hiện đúng và đầy đủ tên gọi vùng đất, vùng biển, đảo và các thực thể khác; không phận; chế độ chính trị, kinh tế theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; (2). Sách giáo khoa có nội dung giáo dục quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới được thể hiện thông qua việc tích hợp trong các chủ đề phù hợp: tích hợp vào các chủ đề nội dung liên quan; có các câu hỏi, bài tập riêng; có thể có những đề mục riêng; (3). Sách giáo khoa có nội dung giáo dục phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục tài chính... được thể hiện thông qua việc tích hợp trong các chủ đề phù hợp: tích hợp vào các chủ đề nội dung liên quan; có các câu hỏi, bài tập riêng; có thể có những đề mục riêng.

Thứ ba, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn các bài học trong sách giáo khoa: tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Nội dung các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động học để thực hiện cả ở trong lớp và ngoài lớp học; (2). Nội dung các bài học trong sách giáo khoa tạo thuận lợi cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; (3). Hệ thống câu hỏi, bài tập, hoạt động (hoạt động trải nghiệm, dự án nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM, thực hành, thí nghiệm) trong bài học tập trung vào đánh giá kĩ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Về tiêu chuẩn các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện các hoạt động học của học sinh phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của các chủ đề, nội dung tương ứng được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục; (2). Hệ thống câu hỏi, bài tập, hoạt động học tập trong bài học bảo đảm sự tinh giản, chọn lọc, bám sát yêu cầu cần đạt ứng với từng chủ đề, nội dung tương ứng được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục; (3). Các câu hỏi, bài tập, hoạt động trong bài học bảo đảm vừa là công cụ tổ chức dạy học tích cực, vừa là công cụ kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học cả ở trong lớp và ngoài lớp học.

Thứ tư, cấu trúc sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn cấu trúc sách giáo khoa có đủ các thành phần cơ bản sau: phần chương hoặc chủ đề, bài học, giải thích thuật ngữ, mục lục. Bìa sách được thiết kế theo quy định của Luật xuất bản và ghi danh sách Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa của môn học, hoạt động giáo dục vào bìa 2 của sách giáo khoa, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Sách giáo khoa có phần mở đầu giới thiệu vị trí môn học, định hướng phương pháp giáo dục, dạy học và kiểm tra đánh giá; quan hệ với sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục khác; hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa; (2). Cấu trúc các phần, chương, chủ đề, bài học bảo đảm quan hệ chung-riêng, toàn thể-bộ phận. Tên phần, chương, chủ đề, bài học phản ánh được nội dung có sự kết nối, tránh rời rạc, vụn vặt; (3). Phần giải thích thuật ngữ, từ ngữ có ghi số trang xuất hiện của từng thuật ngữ, từ ngữ (glossary and index) và được đặt ở cuối sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn cấu trúc bài học trong sách giáo khoa: bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (2). Phần mở đầu giới thiệu mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung chính thông qua hoạt động nhằm lôi cuốn học sinh vào quá trình tìm hiểu, khám phá, vận dụng kiến thức mới; (2). Phần kiến thức mới được thể hiện thông qua kênh chữ, kênh hình nhằm cung cấp thông tin để học sinh dựa vào đó xử lí thông tin thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ đã nêu trong phần mở đầu; (3). Phần luyện tập, vận dụng bao gồm các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học trước và trong bài học; việc hệ thống hóa kiến thức bài học; không có khoảng trống để học sinh điền thông tin hoặc yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào sách giáo khoa; (4). Phần kiến thức mới, luyện tập, vận dụng có thể được trình bày xen kẽ hoặc tách rời phù hợp với nội dung, phương pháp và kĩ thuật tổ chức hoạt động dạy học. Sách giáo khoa được biên soạn, thiết kế phù hợp, khoa học giữa các phần, bảo đảm yêu cầu để sử dụng lâu dài, tránh lãng phí.

Thứ năm, ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa: là tiếng Việt (đối với sách giáo khoa ngoại ngữ và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được sử dụng thêm các ngôn ngữ khác), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Sách giáo khoa diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh; không sử dụng tiếng Việt cổ, ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ thông tục và tiếng nước ngoài chưa được Việt hóa; trường hợp cần sử dụng thì phải có chú thích; (2). Tuân thủ các quy định hiện hành về viết hoa, chính tả và ngữ pháp, chữ viết tắt, ký hiệu, phiên âm; (3). Tuân thủ các quy định hiện hành về đơn vị đo lường theo Luật Đo lường Việt Nam; đối với đơn vị đo mà học sinh được học lần đầu phải ghi đủ tên phiên âm cùng với kí hiệu.

Về tiêu chuẩn hình thức trình bày sách giáo khoa: cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ, yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí: Các trang sách được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ; giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động học của học sinh; giữa các phần tử in và khoảng trống; trình bày và bố cục nhất quán trong toàn bộ cuốn sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong sách giáo khoa: rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn, yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chí: (1). Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ ghi rõ tên tác giả hoặc nguồn trích dẫn số liệu; bảo đảm rõ ràng, chính xác, cập nhật, hấp dẫn, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh ở từng lớp học; (2). Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ mang tính gợi mở, thuận lợi cho khai thác thông tin, đảm bảo tính thẩm mỹ và không gây phản cảm; phục vụ trực tiếp hoặc minh họa cho nội dung bài học ở vị trí gắn với nội dung cần minh họa; (3). Bản đồ trong sách giáo khoa phải thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia trên đất liền, trên biển; không sử dụng bản đồ có tính tượng trưng, ước lệ và bản đồ, tranh vẽ không rõ nguồn gốc; (4). Trang in mặt trước và trang in mặt sau phải chồng khít lên nhau (sai lệch cho phép không lớn hơn 1 mm). Các chi tiết in phải rõ nét, không hằn mặt sau, sạch sẽ, đều mực, ảnh tram lên hết tầng thứ, hạt tram đanh gọn, không bị bẩn ở những vị trí không in. In chồng mầu chính xác; mầu mực đồng đều ở tất cả các trang trong một cuốn sách giáo khoa.

Về tiêu chuẩn khổ sách, khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, chất lượng giấy in (định lượng, độ trắng, độ đục, độ bóng, độ xuyên thấu), chất lượng và định lượng giấy bìa, chất lượng mực in theo tiêu chuẩn quốc gia về sách, yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí: Các trang sách được trình bày cân đối, hài hòa về khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng; độ trắng, độ bóng, độ xuyên thấu phù hợp, bảo đảm nhìn rõ các phần tử in và không nhìn được các phần tử xuyên thấu từ mặt sau của trang giấy; định lượng giấy in, giấy bìa, chất lượng mực in bảo đảm quy định theo tiêu chuẩn quốc gia về sách./.

TS. Lê Thị Mai Hoa
TS. Nguyễn Thanh Hà

Ban Tuyên giáo Trung ương

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất