Thứ Sáu, 17/5/2024

Tôi làm tuyên giáo

Trở thành cán bộ tuyên giáo đối với tôi là một sự tình cờ - một “cơ duyên. Tháng 6/2009, tôi rời mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng Cử nhân Sư phạm giáo dục chính trị loại khá. Cũng như nhiều sinh viên sư phạm mới ra trường, tôi đi gõ cửa từng trường để mong có một cơ hội việc làm, nhưng có thể duyên chưa đến. Và rồi, khi tôi chuẩn bị rơi vào trạng thái stress vì chưa tìm được việc làm đúng sở nguyện sau hơn 1 năm ra trường, vào một ngày cuối năm 2010, lãnh đạo trong Thường trực Huyện ủy Vĩnh Bảo (Hải Phòng) gọi tôi lên để phỏng vấn. Nhờ đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng, nên đã được ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế cho tôi. Ngày 1/2/2011, tôi chính thức trở thành cán bộ hợp đồng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Lúc ấy, tôi chưa hề mường tượng ra làm tuyên giáo là làm công việc gì.

Vào cơ quan, tôi bắt đầu những chuỗi ngày học việc. Tôi mở kho lưu trữ và tìm đọc những tài liệu, văn bản của Ban Tuyên giáo. Các đồng chí Lãnh đạo Ban nói với tôi rằng, làm cán bộ tuyên giáo cần phải rèn luyện đầy đủ kỹ năng viết, tham mưu tổng hợp, nói.

Làm thế nào để viết tốt? đây là câu hỏi lớn mà tôi luôn trăn trở, vì viết là một trong những kỹ năng quan trọng của cán bộ tuyên giáo, mà như những người đi trước nói, đây phải là kỹ năng đầu tiên tôi cần phải rèn luyện. Rồi các đồng chí Lãnh đạo Ban cho tôi làm quen với việc soạn công văn, thông báo, sau đó là xây dựng kế hoạch, báo cáo chuyên môn, chuyên đề. Mỗi loại văn bản đều có những yêu cầu riêng, cách hành văn đặc trưng. Lúc đầu, do chưa quen nên văn bản tôi làm còn nhiều lỗi, nhưng được sự động viên khích lệ, tôi đã cố gắng “nhập tâm”, khắc phục và dần tốt lên cho những lần tiếp theo. Từ tham mưu viết báo cáo hàng tháng, quý, năm, rồi dần dần là báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan tới công tác tuyên giáo; rồi bài phát biểu của lãnh đạo tại các hội nghị….

Học sư phạm, chưa một ngày được đào tạo qua ngành báo chí, đọc các bài báo đăng trên các báo, thông tin điện tử, tạp chí… tôi nảy ý tưởng viết tin, bài gửi đăng với mong muốn được giới thiệu, được tuyên truyền về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương mình, góp phần làm phong phú thêm hình thức tuyên truyền. Những tin bài gửi đi, tôi mong ngóng sự hồi đáp của ban biên tập, và niềm vui đến khi các tin bài của tôi được xuất hiện trên các trang thông tin điện tử, bản tin, tạp chí.

Tôi luôn tự nhủ: Trong thời đại 4.0, sự phát triển “chóng mặt” của mạng xã hội với những quan điểm nhiều chiều, thì viết như thế nào để tác động hợp lý, khoa học đến tư tưởng, tình cảm, hành vi của người đọc luôn là những yêu cầu nghiêm túc, thậm chí khắt khe đối với những người làm công tác tuyên giáo của Đảng.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng thực hành kỹ năng viết của tôi là những tháng ngày cao điểm tham mưu giúp Lãnh đạo Ban và một số địa phương chắp bút viết lịch sử đảng bộ. Khi các xã lên đề xuất với Ban Tuyên giáo Huyện ủy giúp địa phương chỉnh sửa, tái bản, bổ sung cuốn lịch sử đảng bộ, Lãnh đạo Ban gọi tôi vào và giao nhiệm vụ. Quả thực lúc đó, tôi cảm thấy đây là công việc vượt quá sức mình. Nhưng với sự động viên của lãnh đạo, tôi tìm đọc lại các tài liệu lịch sử, nói chính xác hơn là học lại lịch sử. Tôi đi gặp các cụ, các ông, các bác nguyên lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử để xin thông tin tư liệu về lịch sử địa phương. Có lần tôi tìm đến nhà một bác nguyên lãnh đạo địa phương, chưa kịp giới thiệu, do sự cảnh giác - đề phòng của chủ nhà (vì ở đây đã một số gia đình bị lừa đảo khi cho người lạ vào nhà) nên tôi đã bị “cấm cửa” - không cho vào. Dẹp đi sự tự ái, tôi kiên trì giải thích và cuối cùng cũng được gia chủ vui vẻ mời vào, được ân cần trò chuyện và được nghe những câu chuyện - tư liệu “đắt giá” về lịch sử địa phương. Sau một thời gian “mày mò, lặn lội” tìm đọc và đi thực tế, khi đã có đủ tư liệu, tôi bắt tay viết những trang “sơ thảo đầu tiên” về lịch sử địa phương. Những buổi đầu làm việc, bảo vệ nội dung dự thảo bản tổng thể cuốn lịch sử, tôi thật sự run khi thấy trước mặt mình là các ông, các bác nguyên lãnh đạo địa phương, những nhân chứng lịch sử! Nhưng lấy hết bản lĩnh và tinh thần cầu thị, tôi nghiêm túc tiếp thu các ý kiến; thẳng thắn bảo vệ những luận cứ khoa học mà mình có được từ những nguồn sử liệu chính thống. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi cuốn sử được thẩm định, phát hành rộng rãi ở địa phương, được các thế hệ cán bộ, đảng viên đón nhận. Và rồi, mỗi lần có dịp trở về địa phương công tác, được các ông, các bác ra chào đón “tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân, khiến tôi thấy có thêm động lực phấn đấu, thấy tự hào, yêu nghề, say nghề hơn.

Có kinh nghiệm trong viết lịch sử Đảng bộ xã, tôi tiếp tục được lãnh đạo giao nhiệm vụ tham gia biên tập Lịch sử Đảng bộ huyện. Và những chuỗi ngày rong ruổi nhiều vùng quê, đi gặp nhiều nhân chứng để thu thập sử liệu lại bắt đầu. Sau gần 2 năm, với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, việc chỉnh sửa, tái bản bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện hoàn thành, được phát hành đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tiền thân của Đảng bộ huyện. Tôi rất vui, tự hào vì đã góp phần vào thành công chung đó. Và rồi, gần đây nhất, tôi được các đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ tham gia biên tập cuốn sách chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện. Là thành viên cốt cán trong ban biên tập, tôi đã cố gắng hết mình, đọc và biên tập một cách cẩn thận các bài viết của các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các ban, ngành. Những trái ngọt trong nghiệp vụ viết của tôi đã đơm hoa kết trái.

đang sống trong thời đại kỹ thuật số, trong một thế giới mà hình ảnh, video và âm nhạc đã thống trị gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng: ngôn ngữ viết vẫn là một “chất xúc tác” quan trọng không thể thay thế - tác động hiệu quả, mạnh mẽ và sâu sắc đến hành vi của con người. Do đó, viết thế nào cho “lọt lỗ tai”, truyền tải thông điệp đến đối tượng tiếp nhận một cách “hợp lý hợp tình” luôn là đòi hỏi nghiêm khắc nhất với những người làm công tác tham mưu, làm công tác tư tưởng của Đảng. Bên cạnh kỹ năng viết, người làm tuyên giáo còn phải trau dồi kỹ năng nói. Thực tế cho thấy, có những người viết rất tốt, nhưng khả năng “diễn ngôn” trước đám đông lại rất hạn chế bởi thiếu tố chất “lợi khẩu” “hoạt ngôn”, vì thế việc trình bày các ý tưởng, ý kiến trên hội trường hoặc trước nhiều người thường không “thuận buồm xuôi gió”.

Bản thân tôi, khi vào nghề, cũng chưa được đi “giảng bài” - thực hiện công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở. Lãnh đạo khuyên tôi chịu khó đi nghe các báo cáo viên Huyện ủy truyền đạt nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng, nói chuyện thời sự tại cơ sở, ghi chép và học hỏi kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho một bài nói chuyện tốt, tôi rút ra kinh nghiệm là phải xác định chủ đề, xác định đối tượng người nghe để xây dựng đề cương; soạn bài nói chuyện một cách cụ thể, khoa học; thường xuyên cập nhật thông tin thời sự liên quan tới bài nói. Sau khi nắm vững các bước chuẩn bị cơ bản đối với một báo cáo viên, tôi mạnh dạn đề xuất được tham gia công tác tuyên truyền miệng tại một số cơ sở. Mặc dù được đào tạo sư phạm, nhưng đặc thù của đối tượng người học trong lý thuyết tôi được đào tạo khác hoàn toàn với đối tượng người học trong thực tiễn công tác tuyên giáo, cho nên lúc đầu, tôi khá bỡ ngỡ, thiếu tự tin khi đứng trên bục giảng”. Nhưng sau “vạn sự khởi đầu nan”, tôi đã hoàn thành tương đối chất lượng những bài nói của mình, nhận được những lời khen và những góp ý chân thành của những người nghe đáng bậc cha chú - những đảng viên giàu kinh nghiệm. Tôi tự tin hơn, không ngừng rèn luyện để tiến bộ hơn.

Đối với tôi - một cán bộ trẻ làm công tác tư tưởng của Đảng - điều tuyệt vời nhất khi làm công tác tuyên giáo không chỉ là hoàn thiện kỹ năng tham mưu, viết và nói. Mà là, nhờ môi trường tuyên giáo, tôi đã trở nên mô phạm, mực thước, chững chạc hơn trong từng cách ứng xử, diễn đạt, nói năng.

Thực tiễn cuộc sống luôn là dòng chảy không ngừng, có nhiều điều để ước ao, để thiết tha. Có thể so với bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống vật chất của tôi chưa dư dả, song tôi vẫn luôn tự hào rằng, tôi được làm nghề thắp lửa niềm tin.

Tôi luôn ý thức được rằng, tuyên giáo là một nghề, đã chọn nghề thì phải yêu nghề, say mê với nghề. Làm cán bộ tuyên giáo là phải không ngừng rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy tổng hợp, phân tích đánh giá, dự báo và kỹ năng đề xuất. Người làm công tác tuyên giáo không phải chỉ nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, am hiểu thực tiễn trên các lĩnh vực hoạt động của mình, mà còn phải nhạy bén với thông tin, biết phân tích, định hướng, sàng lọc. Có như vậy, mới đảm bảo yếu tố định hướng đúng và kiên định đường lối - một phẩm chất không thể thiếu của những người làm tuyên giáo./.

Dương Thị Bích
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất