Thứ Bảy, 27/4/2024
Môi trường
Thứ Tư, 17/8/2022 9:26'(GMT+7)

TTK LHQ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN/TTXVN)

Vừa qua, Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự của cơ quan đa phương lớn nhất hành tinh này. 

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh cần mở rộng và phát huy hơn nữa hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức Pháp ngữ (OIF).

Trong bối cảnh khủng hoảng chồng khủng hoảng hiện nay làm cho tình hình thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ít có tiến triển, Đại sứ cho rằng Liên hợp quốc và OIF cần tăng cường hợp tác đẩy mạnh việc thực hiện SDG thông qua hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên, đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước châu Phi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Về ứng phó biến đổi khí hậu, Đại sứ khẳng định lại cam kết của Việt Nam tại COP-26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đề nghị Liên hợp quốc và OIF cần hợp tác để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực này.

Đại sứ cũng đề nghị Liên hợp quốc và OIF xây dựng chương trình hành động chung để phối hợp hành động triển khai các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” (OCA).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông cũng bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất của Việt Nam, cho rằng hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký cũng hoan nghênh ý tưởng xây dựng chương trình hành động Liên hợp quốc - OIF để triển khai OCA và cho biết sẽ làm việc cụ thể với Ban Thư ký OIF về đề xuất này. 

TTK LHQ danh gia cao no luc cua Viet Nam trong chong bien doi khi hau hinh anh 2
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng thông tin tới các nước Pháp ngữ về việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023-2025.

Các nước Pháp ngữ ghi nhận tích cực ứng cử và các ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, và nhất trí cần ủng hộ các ứng cử viên của OIF vào các cơ quan của Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, hướng tới 25 năm tới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối phó với các thách thức lớn về hòa bình, an ninh, dịch bệnh và các vấn đề toàn cầu khác.

Báo cáo đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến lớn, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác.

Tổng Thư ký António Guterres chia sẻ khó khăn của các nước, trong đó có Việt Nam, do tác động của tình hình kinh tế thế giới. Ông đánh giá Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu... để thúc đẩy các SDG, đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức toàn cầu, Việt Nam cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong xử lý các thách thức chung, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc cũng như các sáng kiến, nỗ lực của cá nhân Tổng Thư ký.

Tổng Thư ký António Guterres khẳng định Liên hợp quốc và cá nhân ông sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc phát triển toàn diện, hiệu quả. Tổng Thư ký Liên hợp quốc mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo đảm quyền con người, phát triển công nghệ số, phục vụ người dân...

Tổng thư ký António Guterres cũng nhận định về tác động tiêu cực của đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, tình hình lạm phát và nhấn mạnh để giải quyết các thách thức này, trong đó có kiểm soát lạm phát, cần có sự chung tay của các nước trên thế giới...

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất