Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng ứng dụng công dân số quốc gia VNEID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng. Đây là mục tiêu của Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư
phục vụ chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt ngày 6/1/2022.
Việc đẩy nhanh Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch xây dựng Chính phủ số và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
HỆ THỐNG DỮ LIỆU LIÊN THÔNG TOÀN QUỐC
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời với mục tiêu là một
hệ thống thông tin lõi, hệ thống cơ sở dữ liệu "gốc" của toàn bộ công
dân Việt Nam, làm trung gian kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ,
ngành, địa phương để tạo ra sự liên thông dữ liệu, phục vụ quản lý dân
cư bằng phương thức hiện đại.
Dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp đơn
giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, chứng thực các giấy tờ
khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước, thì giờ đây, thông tin sẽ
được trích xuất tự động hoặc được cơ quan nhà nước khai thác từ hệ
thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo ra các tiện ích tối đa cho người dân.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý đã chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2021. Sau hơn 1 năm, hệ thống đã thu thập, cập nhập thông tin của trên 100 triệu công dân Việt Nam, theo tiêu chí “đúng-đủ-sạch-sống”.
Dữ liệu của công dân cũng được tích hợp, kết nối chính thức với cơ sở
dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương, với
trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công
dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về
cán bộ, giáo viên; cấp hơn 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai
sinh... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.
Trên cơ sở đó, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành
Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về
dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” (gọi tắt là Đề án 06) nhằm phát
triển hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư thành nền tảng cơ sở dữ liệu dùng
chung, kết nối chung trên toàn quốc cho các bộ, ngành, địa phương, các
cơ quan trong hệ thống chính trị.
Ngày 18/7/2022, Hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt
động là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những
nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ, cấp hơn
7.800 tài khoản định danh điện tử và trên 67 triệu thẻ căn cước gắn
chíp điện tử cho công dân.
Sau 6 tháng, Đề án 06 đã được triển khai từ trung ương đến cơ sở, thu
được những kết quả bước đầu tích cực; góp phần thay đổi phương thức
quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất
lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian,
công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai
dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy
mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi
nhanh, phát triển kinh tế xã hội.
LỢI ÍCH TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định 3 đột phá chiến lược để
phát triển đất nước trong thời gian tới, đó là hoàn thiện đồng bộ thể
chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Trong kết cấu hạ tầng thì cùng với việc ưu tiên phát triển hạ tầng
giao thông, Nghị quyết khẳng định phải chú trọng phát triển hạ tầng
thông tin - viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước
phát triển kinh tế số, xã hội số.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Đề án 06 là bước triển khai quan trọng để thực hiện khâu đột phá chiến lược này. Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân
gắn chip điện tử một cách linh hoạt sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đến nay, 23/23 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, 705 đơn vị cấp huyện và
10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác triển khai Đề
án 06.
Các bộ, ngành đã rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới
nhiều văn bản liên quan; đẩy mạnh xây dựng các văn bản quan trọng, cần
ưu tiên xây dựng để phục vụ Đề án.
Sau 6 tháng triển khai, 21/25 dịch vụ thiết yếu đã được triển khai
thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện
các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện
lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hơn 126 triệu hồ sơ đã đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ
công quốc gia. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc
gia là hơn 4 triệu hồ sơ.
Tổng số yêu cầu của công dân trong dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực
cư trú là hơn 1,5 triệu hồ sơ, trong đó đã được tiếp nhận hơn 1,4 triệu
hồ sơ, đã trả kết quả hơn 1,4 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ giải quyết 98,1%.
Từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ
tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình
trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” theo đúng tinh thần chỉ
đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nổi bật là Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4;
đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng
Công an nhân dân, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký
ôtô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh
giá cao.
Bộ Công an cũng triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
với hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ
liệu người dùng, nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết tình trạng sử
dụng SIM rác.
Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký
dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt 93,1%), góp phần tiết
kiệm chi phí rất lớn, đồng thời hiện nay đang tiếp tục triển khai dịch
vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao
đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử đạt kết quả bước
đầu tích cực, điển hình như: sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ
bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các Cơ sở y tế
(6.996/13.166 cơ sở y tế đã thực hiện, đạt 53,1%); triển khai thí điểm
xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân tại các quầy giao dịch; thí
điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại Hà Nội và Quảng
Ninh.
Sau 2 tháng thí điểm, đã có 483 lượt công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch với tổng số tiền trên 6,1 tỷ đồng.
Chính phủ cũng chính thức công bố VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thông qua VNEID, người dân có thể cập nhật các thông tin cá nhân lên hệ thống hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trình độ học vấn, bảo hiểm, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông...
Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người
dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10
tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng chống cháy
nổ, an toàn giao thông, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8-10 tiện
ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng,
mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa… đem lại lợi ích
cao nhất cho người dân và cộng đồng./.
Thu Hạnh (TTXVN)