Thứ Sáu, 3/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 29/5/2016 9:41'(GMT+7)

Vững vàng nơi đầu sóng

Đảo Sơn Ca một ngày nắng gắt. Lễ chào cờ dưới cái nóng thiêu đốt thịt da khiến nhiều người trong đoàn công tác đổ mồ hôi ròng ròng. Giữa bầu không khí như đun ấy, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca vẫn đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, dõng dạc hô vang Mười lời thề danh dự của quân nhân QĐND Việt Nam. Tôi đã gặp binh nhì Nguyễn Thái Sơn - người chiến sĩ tràn đầy nét trẻ trung, yêu đời với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió Trường Sa.

Qua trò chuyện, tôi được biết, Sơn quê ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Bố mất cách đây sáu năm, nhà chỉ còn mẹ và em gái, nhưng chàng trai sinh năm 1996 vẫn tự nguyện viết đơn xin thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng, vừa bước sang tháng huấn luyện tân binh thứ hai, Sơn nhận tin dữ: Mẹ bỏ đi đâu không rõ. Nghe em gái vừa khóc vừa kể chuyện qua điện thoại, người lính trẻ rụng rời. “Lúc đó là tháng 12-2015. Nhận tin, tôi đã liên lạc với tất cả người thân, nhưng không ai biết mẹ tôi ở đâu…” - giọng Sơn nghẹn lại.

Những tưởng không thể đứng vững sau sự cố gia đình, nhưng với nỗ lực bản thân và sự động viên của chỉ huy, đồng đội, Nguyễn Thái Sơn lại tiếp tục thực hiện ước mơ thời thơ ấu: Được khoác lên mình bộ quân phục Hải quân QĐND Việt Nam. Với khát khao cháy bỏng ấy, khi khóa huấn luyện tân binh kết thúc, chàng trai Sài thành mạnh dạn xin gia nhập lực lượng hải quân tại Trường Sa và được chấp thuận.

Quyết tâm là vậy, nhưng những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, chiến sĩ trẻ Nguyễn Thái Sơn vẫn phải nỗ lực làm quen cuộc sống mới, trong đó khó nhất là tập tắm, giặt bằng nước biển. Lâu dần thành quen, sau gần sáu tháng, Sơn rắn rỏi hơn cả về bản lĩnh và thể chất. “Trong môi trường quân đội, tôi học được rất nhiều điều, nhất là tính kỷ luật, tập thể và sự cần cù, không ngại khó ngại khổ. Hằng ngày, tôi ghi lại những việc làm được và chưa làm được, lấy đó làm động lực phấn đấu cho ngày hôm sau”, Sơn kể.

Là đồng hương của Sơn, chiến sĩ trẻ Hoàng Ngọc Tiến cũng tự nguyện xin thực hiện nghĩa vụ tại Trường Sa và được vinh dự bổ sung vào biên chế đảo chìm Đá Thị. Bố mẹ ly thân, từ nhỏ Tiến ở với bố và bà nội. Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc từ mẹ, nhưng Tiến luôn là con ngoan, trò giỏi trong nhiều năm khi ngồi trên ghế nhà trường. Cách đây hơn bảy năm, Tiến vừa học xong THPT thì bà nội lâm bệnh nặng, nằm liệt giường. Thấy bố phải bỏ việc để chăm sóc bà, Tiến tạm gác giấc mơ đại học, tự học nghề sửa giày. Với bản chất cần cù, siêng năng, Tiến quán xuyến mọi việc trong gia đình. Khi nhận giấy gọi nhập ngũ, dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chàng trai sinh năm 1996 vẫn quyết tâm tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió. “Tuổi trẻ chúng tôi nên nêu cao tinh thần sẵn sàng xung kích, xông pha khi Tổ quốc cần. Bảo vệ Tổ quốc cũng chính là bảo vệ gia đình, người thân”, giọng Tiến chắc nịch trong gió lồng lộng.

Ngoài giờ huấn luyện, Tiến thường chăm sóc vườn rau thanh niên của đảo, đồng thời tập thói quen đọc sách. Nhận nhiệm vụ gần sáu tháng nhưng chiến sĩ trẻ này đã đọc khá nhiều sách về kiến thức chính trị, cuộc sống, lịch sử, chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. “Thời gian đầu, chưa quen nên tôi thường nhớ nhà. Nhưng ở đây có chỉ huy, đồng đội luôn bên cạnh quan tâm, an ủi, động viên, giúp tôi trưởng thành, vững vàng hơn”, Tiến chia sẻ.

Thượng tá Vũ Duy Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết, đơn vị luôn quan tâm đến tân binh. Cho dù đều nằm trong diện tình nguyện nhưng các chiến sĩ mới khó tránh khỏi bỡ ngỡ. Nắm bắt tư tưởng này, ngay khi nhận quân, đơn vị tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu chiến sĩ mới. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy chi bộ, cán bộ, đảng viên trong hệ thống dọc thành lập các tổ “Đoàn kết chiến sĩ” nhằm luôn sâu sát, uốn nắn hạ sĩ quan, chiến sĩ trẻ. Để làm được điều đó, từ cấp lãnh đạo, chỉ huy phải xác định coi chiến sĩ như con em trong gia đình; gần gũi, yêu thương, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi để giúp các tân binh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất