Thứ Năm, 9/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 7/8/2017 10:14'(GMT+7)

Bài học sau cơn lũ

Cách đây hai tháng, trước khi bước vào mùa mưa lũ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã có cuộc họp với các tỉnh miền núi phía bắc. Tại cuộc họp này, hầu hết các đại biểu nhận định: So với các khu vực khác của cả nước, các địa phương vùng núi phía bắc gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai. Nguyên nhân do đặc điểm địa hình nhiều sông, núi uốn quanh, trong khi các tiêu chuẩn về kỹ thuật, khả năng ứng phó với thiên tai của các công trình xây dựng tại khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, sức ép về gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu về đất sản xuất, nhà ở tăng nhanh. Nhiều nơi người dân phá rừng để làm rẫy, khoét núi để làm nhà ở. Hậu quả, mỗi năm các tỉnh miền núi phía bắc mất đi hàng nghìn héc-ta rừng; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xuất hiện với tần suất và mức độ tàn phá ngày càng cao. Nhưng rồi, các cuộc họp về phòng, chống thiên tai đều không mang lại hiệu quả. Mỗi khi mưa lớn, bão về chúng ta thường nghe những điệp khúc quen thuộc: "lượng mưa lớn nhất trong nhiều năm", "lũ ống, lũ quét mạnh nhất trong lịch sử"…, nhưng ít thấy nguyên nhân do ngành khí tượng dự báo sai, do địa phương chủ quan, do công tác phòng, chống thiên tai còn hình thức,… Chỉ tính riêng trong ba ngày từ ngày 2 đến 6-8, mưa lũ tại các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã làm hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà, công trình công cộng, hệ thống giao thông bị hư hỏng, sập đổ, cuốn trôi,... thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng.

Ðể khắc phục thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, đòi hỏi các cơ quan chức năng phối hợp địa phương đổi mới công tác phòng, chống thiên tai một cách thiết thực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình mưa bão, lũ ống, lũ quét trên địa bàn, nhất là dự báo ngắn, dự báo theo vùng một cách chính xác, kịp thời. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là tại những vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, cần bố trí các thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như cần áp dụng biện pháp mạnh, kiên quyết di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chấm dứt tình trạng người dân khoét núi làm nhà sát chân núi, bên bờ sông, nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất...

Sau mỗi đợt mưa lũ, cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiệt hại nặng do thiên tai; đồng thời rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về cấp độ rủi ro thiên tai, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của khu vực miền núi.

Linh Diệu/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất