Thứ Hai, 20/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 15/8/2018 0:0'(GMT+7)

Bài học trong xử lý điểm nóng ở Bình Thuận

 

KỊP THỜI ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI, ỔN ĐỊNH TÂM LÝ, TƯ TƯỞNG CỦA NGƯỜI DÂN

Nắm bắt tình hình phức tạp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã báo cáo, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy một số phương án nhằm ổn định tư tưởng, an ninh trật tự. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp tài liệu tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) và dự thảo Luật An ninh mạng.

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cũng tham mưu, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy thành lập khẩn cấp Trung tâm thông tin làm đầu mối thu nhận và cung cấp thôngtin. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ là người phát ngôn chính thức của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về những nội dung liên quan. Nhờ đó, những thông tin được cung cấp tới các cơ quan chức năng, các đầu mối đúng định hướng, kịp thời và thống nhất.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức họp báo, cung cấp thông tin sơ bộ về tình hình, góp phần định hướng dư luận xã hội, ổn định tâm lý, tư tưởng của người dân. Mục tiêu đặt ra là phải làm sao để người dân không hoang mang trước các vụ việc mang tính bạo lực đã diễn ra trên địa bàn tỉnh; cảnh báo người dân nhận diện đúng bản chất kích động, phá hoại của các thế lực thù địch. Trong quá trình thông tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin khách quan, đúng sự thật, hạn chế mô tả chi tiết vụ việc nhằm tránh việc vô tình cổ súy cho hành động tham gia biểu tình; không thông tin những vấn đề cơ quan chức năng chưa kết luận, tạo sơ hở cho kẻ xấu xuyên tạc, lợi dụng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã kịp thời chuẩn bị những nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về vấn đề dư luận quan tâm; chỉ đạo báo Bình Thuận và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, hệ thống phát thanh - truyền hình các cấp đăng tải nội dung tin nhắn của Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân không cổ vũ cho các hành động phá hoại, không để con em tập trung gây rối tại các khu vực công cộng. Đồng thời, thường xuyên tương tác, trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương để chia sẻ thông tin, định hướng tuyên truyền về tình hình vụ việc.

Nội dung Lời kêu gọi có sự điều chỉnh cho phù hợp với mỗi nhóm đối tượng, tầng lớp nhân dân khác nhau (công nhân, tiểu thương, ngư dân, thanh niên, sinh viên, học sinh) được soạn thảo, ban hành nhằm kêu gọi người dân tỉnh táo, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, chấm dứt hành vi tụ tập đông người, làm ảnh hưởng trật tự công cộng và an ninh xã hội.

Xác định mạng xã hội là một kênh thông tin có tác động rộng lớn đến nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tổ, nhóm tác chiến không gian mạng đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc với những luận cứ mạnh mẽ, chính thống, có tính thuyết phục.

CẦN CHỦ ĐỘNG, BÁM SÁT CƠ SỞ, NẮM THỰC TIỄN, ĐỊA BÀN

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong xử lý vụ việc ở Bình Thuận vừa qua, vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Công tác nắm bắt tâm trạng và dư luận xã hội đã thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, dẫn tới một số tình huống rơi vào tình trạng bị động, đối phó trong quá trình tuyên truyền và định hướng dư luậnkhi vụ việc xảy ra. Khả năng dự báo tình hình chưa cao, chưa thực sự bám sát cơ sở, dẫn đến một số tình huống bị bất ngờ và lúng túng.

Các đối tượng phản động, quá khích trong và ngoài nước đã phát huy tối đa những tiện ích của mạng xã hội, internet để công khai kích động người dân. Trong khi đó, lực lượng tuyên giáo của tỉnh mỏng, chưa kịp thời triệt để tận dụng các phương tiện công nghệ số, mạng xã hội trong quá trình chỉ đạo, xử lý, ngăn chặn…

Công tác vận động quần chúng chưa phát huy cao độ tính hiệu quả, gặp nhiều khó khăn do hệ thống chính trị cơ sở còn có những bất cập, chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Công tác phối hợp tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ sở chỉ đạo xử lý tình huống còn chậm theo kịp diễn biến tình hình.

Công tác tuyên truyền chưa đến được hết với các đối tượng trong xã hội, nhất là những đối tượng không tham gia các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm; đối tượng có trình độ văn hóa thấp, nhận thức về xã hội kém, không có nghề nghiệp ổn định. Thực tế, 5/7 bị cáo bị xét xử vừa qua là người không biết chữ, không thể ký tên mình và 2 bị cáo còn lại học chưa hết cấp 2.Nhiều bị cáo sinh ra và lớn lên trong giađình có hoàn cảnh thiệt thòi, bất hạnh, không có nghề nghiệp ổn định. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bị cáo, các thế lực thù địch đã kích động để họ gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi bị pháp luật nghiêm trị, các bị cáo mới nhận ra những lỗi lầm của mình, đáng tiếc là khi đối diện với pháp luật thì những giọt nước mắt của các bị cáo cũng đã muộn.Có thể nói, họ vừa là phạm nhân, vừa là nạn nhân, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị dụ dỗ, xúi giục, kích động.

Việc chia sẻ, cung cấp thông tin, công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là các ngành chức năng chưa phát huy tốt tính chủ động, kịp thời.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền, định hướng dư luận khi xảy ra vụ việc “điểm nóng” như sau:

Thứ nhất, cần phát huy cao độ chủ động, bám sát cơ sở, nắm thực tiễn, địa bàn để nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, có báo cáo, định hướng thông tin đúng tầm, đúng hướng.

Hệ thống tuyên giáo các cấp tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp thành lập các tổ công tác thường xuyên xuống địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Tăng cường đối thoại với người dân. Đồng thời, tìm hiểu hoàn cảnh các gia đình, chia sẻ, giúp đỡ họ để tạo dựng niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, phải chú trọng tới các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp vận động, thuyết phục các tín đồ, đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư tại địa phương.

Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở và công tác tuyên truyền miệng. Tăng cường các buổi thông tin chuyên đề, trao đổi, thảo luận của các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng.

Thứ hai, khi có vụ việc xảy ra, cần thông tin khách quan, đúng sự thật về sự việc.Không mô tả chi tiết, không tường thuật, hạn chế thống kê chi tiết thiệt hại để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, phô trương thanh thế.

Nhanh chóng thành lập Trung tâm thông tin trong tình huống khẩn cấp, thống nhất đầu mối để kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên để định hướng dư luận, tuyên truyền.

Đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc trong hoạt động thông tin truyền thông, nhất là hệ thống phát thanh - truyền hình các cấp, các trung tâm văn hóa huyện, thị xã, thành phố, các phương tiện thông tin lưu động.

Thứ ba, tăng cường tác chiến trên không gian mạng. Bên cạnh lực lượng tác chiến chuyên nghiệp, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên sử dụng mạng xã hội để trực tiếp đấu tranh một cách chủ động, tuyên truyền nội dung chính thống, thông tin tích cực, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Nên coi đây là một trong những nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên.

Thứ tư, chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó với các vụ việc như tụ tập đông người dẫn đến các hành vi biểu tình mang tính bạo động, vi phạm pháp luật nghiêm trọng… Khi vụ việc xảy ra, cần linh hoạt các hình thức tuyên truyền, định hướng dư luận (như sử dụng tin nhắn với các nội dung ngắn gọn, súc tích, kêu gọi nhân dân không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, không tham gia biểu tình…). Thứ năm, sau khi vụ việc đã được xử lý, cần phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa đời sống cộng đồng trở lại bình thường, giải quyết kịp thời những vướng mắc có liên quan, tạo tiền đề cho sự phát triển mới./.

 

Hồ Trung Phước

Trưởng BTG Tỉnh ủy Bình Thuận 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất