Thứ Hai, 20/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 23/7/2018 10:23'(GMT+7)

Bình Định: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng

Bình Định ngày càng phát triển giàu và đẹp hơn. Ảnh; Báo Xây dựng

Bình Định ngày càng phát triển giàu và đẹp hơn. Ảnh; Báo Xây dựng

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, vai trò của công tác tuyên truyền càng trở nên quan trọng trong việc định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tiếp nhận chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện chức năng điều chỉnh dư luận xã hội. 

Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh để chủ động chỉ đạo đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp; tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền một cách đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. 

Ngay sau khi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được ban hành, căn cứ văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết trên toàn tỉnh, trên cơ sở đó, các cấp, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt của địa phương, đơn vị mình. 

Cùng với việc xây dựng kế hoạch, cấp uỷ Đảng các cấp đã chủ động, tích cực trong việc phân công báo cáo viên và tổ chức triển khai học tập nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy mời báo cáo viên Trung ương báo cáo tại hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh; in sao đĩa hình các gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cung cấp cho cấp huyện, cơ sở làm tư liệu. Đồng thời, chủ động biên soạn các tài liệu học tập nghị quyết với nội dung ngắn gọn, phù hợp với các đối tượng đảng viên, coi đây là tài liệu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ. Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết ở cơ sở được chia theo đối tượng và nội dung học tập phù hợp; cùng với đó, Ban Tuyên giáo gợi ý nội dung thu hoạch sau học tập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phù hợp, cụ thể, sát đúng đối tượng.

Bình Định là địa phương có một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung.

Bình Định là địa phương có một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung.


Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội về những vấn đề bức xúc, nổi cộm cũng như quá trình thực hiện nghị quyết, chỉ thị trên địa bàn được quan tâm chỉ đạo. Ban Tuyên giáo các cấp đã tiến hành nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh và trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền các cấp. Chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội của nhân dân trong các vùng triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Duy trì báo cáo tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân hàng tháng và đột xuất, qua đó tham mưu cho cấp ủy các giải pháp nhằm ổn định tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng của nhân dân trong các vụ việc bức xúc, nổi cộm. 

Đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo đã ký Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, các ngành khối khoa giáo trong công tác tuyên truyền; vì vậy việc quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời hơn. 

Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giữa ban tuyên giáo các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ hơn, nhờ vậy, công tác tuyên truyền, cổ động được thực hiện ngày càng phong phú với nhiều hình thức, phù hợp với từng loại đối tượng, từng địa bàn dân cư, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào người dân.

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Bình Định thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng nên việc tổ chức học tập, quán triệt cũng như tuyên truyền đến người dân còn chưa sâu sát; công tác phối hợp giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, còn mang nặng tính thời vụ. Việc trang bị các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn chế. Chất lượng hoạt động, trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền còn dàn trải, đôi lúc còn cứng nhắc, mang tính áp đặt một chiều từ trên xuống, chưa phù hợp với tâm lý và trình độ tiếp nhận thông tin của từng đối tượng. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hiệu quả chưa cao.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, cũng như nắm bắt kịp thời tư tưởng, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thì đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được đổi mới hơn nữa cả về nội dung, hình thức để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, cụ thể:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, hội - đoàn viên về vị trí, vai trò của công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đưa công tác tuyên truyền vào chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo hàng năm của tổ chức đảng, các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng để hiện thực hóa quan điểm “tuyên truyền là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị”. 

Hai là, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ tuyên truyền là chủ thể của mọi hoạt động tuyên truyền, do đó, nếu không xây dựng được một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm thì khó mang lại hiệu quả mong muốn. Tiếp tục củng cố đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội, tăng cường lực lượng tuyên truyền viên cơ sở theo hướng lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực thực sự với số lượng hợp lý thay thế những người không đủ chuẩn, năng lực hạn chế, yếu kém trong hoạt động tuyên truyền theo hướng ít mà tinh.

Ba là, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; hiệu quả tuyên truyền phụ thuộc rất lớn vào nội dung và cách tuyên truyền. Vì vậy, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền được xác định là khâu đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này. Theo đó, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phải đảm bảo tính Đảng, tính chiến đấu, tính đại chúng, tính khoa học, chân thực, khách quan và sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở. 

Bốn là, Ban Tuyên giáo phải chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên lĩnh vực tuyên truyền, phát huy lực lượng tuyên truyền viên các hội, đoàn thể trong tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền trên địa bàn. Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Năm là, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, ngoài đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đòi hỏi cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật phải hiện đại để đáp ứng yêu cầu mới. Do vậy, cấp ủy, chính quyền cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền ở các cấp ủy, địa phương, đơn vị./.

Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất