Thứ Sáu, 3/5/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 2/8/2022 6:46'(GMT+7)

Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh trong công cuộc chuyển đổi số

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Hội Nhà báo TP, Hội Tin học TP tổ chức.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Hội Nhà báo TP, Hội Tin học TP tổ chức.

CƠ SỞ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG BÁO CHÍ

Từ tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”“(1). Từ những chủ trương trên, ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, Thành phố trở thành Đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Thành phố đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DX Center). Tại Trung tâm này, sẽ có các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng (SOC) để giúp các cơ quan nói chung, báo chí nói riêng giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.

TÁC ĐỘNG TỪ XU THẾ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trước những biến động mạnh mẽ do xu thế phát triển công nghệ, báo chí Thành phố đã không đứng ngoài cuộc mà đang chủ động tìm giải pháp cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí Thành phố thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị vốn có của báo chí. Hiện nay, theo lộ trình hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, trước mắt, Nhà nước sẽ chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả để hỗ trợ chuyển đổi số, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.

Nắm bắt nhanh chóng xu thế chuyển đổi số, từ nhiều năm qua, các cơ quan báo chỉ ở Thành phố tùy theo khả năng của từng đơn vị đã quan tâm đầu tư phát triển ấn bản điện tử có số lượng lớn bạn đọc truy cập. Cho đến nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong về chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), lưu trữ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data) … Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí công dân, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo. Nhiều cơ quan báo chí đã bước đầu chuyển đổi số khá thành công, từng bước tiến lên tòa soạn hiện đại. Một số cơ quan báo chí (Báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh…) đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Từ năm 2018, Báo Tuổi Trẻ đã giao trách nhiệm Tổng thư ký tòa soạn là người chịu trách nhiệm trực tiếp mảng nội dung kỹ thuật số, thay vì tập trung nhiều cho báo giấy như trước đây, lập thêm các bộ phận phục vụ cho mảng nội dung này như Phòng Phát triển sản phẩm, Tổ Mạng xã hội, Tổ Media… Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ trên website đến mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube…) với các thể loại báo chí mới như Longform, Megastory, Podcast, E-magazine... giúp nhiều tờ báo lớn của Thành phố tăng mạnh tính tương tác hai chiều với độc giả, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Báo Pháp luật Thành phố hiện nay khai thác 2 kênh mạng xã hội YouTube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”, 2 kênh TikTok, 1 Fanpage Facebook, 1 kênh Zalo. Ngoài ra, tòa soạn còn khai thác các nền tảng khác như My Clip, Lotus, Google News, Gapo... Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.

NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động tuyên truyền, kinh doanh của các cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội cùng với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, doanh thu của các cơ quan báo chí thành phố bị sụt giảm (trung bình giảm khoảng 30%).

Thách thức đầu tiên của các cơ quan báo chí Thành phố chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Hiện phần lớn trong nhóm cơ quan báo chí này đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, hệ thống quản trị nội dung báo chí (CMS) của các doanh nghiệp cung cấp như: ePi, VCCorp, 24h, FPT, Netlink… hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống Lưu trữ đám mây. Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít. Rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành. Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin. Song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này cũng khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ, các nền tảng xuyên biên giới.

Thách thức thứ hai là nguy cơ bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục, vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Không ít tác phẩm báo chí công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian... thì mới sản xuất được để phục vụ độc giả và phát triển thương hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau khi đăng/ phát, nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube sao chép về, đăng tải không cần xin phép, không dẫn nguồn; hoặc “xào nấu” lại để lan tỏa theo ý đồ cá nhân, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội. Hiện nay, pháp luật đã có quy định về sở hữu trí tuệ; Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ rất nhiều các cơ quan báo chí đối với vấn đề này; bản thân một số cơ quan báo chí như Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Người Lao Động đã chủ động thành lập Tổ Bản quyền để đấu tranh ngăn chặn nhưng hiệu quả còn thấp, chưa chấm dứt được việc vi phạm bản quyền trong báo chí.

Thách thức lớn nhất đó là việc ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên internet, việc đánh mất vai trò trên không gian mạng của các cơ quan báo chí do chậm chuyển đổi số làm cho các nền tảng xuyên biên giới bị kẻ xấu tăng cường lợi dụng, biến thành diễn đàn của các phong trào phản kháng có tổ chức, là nơi để tập hợp lực lượng của các thế lực thù địch, phản động, thực hiện chiến lược Diễn biến hòa bình trên không gian mạng. Thực tế, tại Thành phố, thường xuyên xảy ra việc các đối tượng phản động, chống đối chính trị “mượn” các nền tảng mạng xã hội để công khai công kích, xuyên tạc nhằm chống chính quyền.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã có một số kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động báo chí chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng. Cụ thể như Báo Người lao động, Báo Pháp luật Thành phố, Báo Phụ nữ Thành phố, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đều có kiến nghị, đề xuất hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động báo chí. Trong đó, Báo Người lao động đề xuất thành phố tập trung hỗ trợ cho các cơ quan báo chí thành phố về 3 nền tảng: 1) Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; (2) Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội; (3) Nền tảng phòng chống tấn công mạng và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí thành phố.

Các cơ quan báo chí đều thống nhất việc cần thiết phải có yểm trợ về chuyển đổi số mạnh mẽ từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Trung ương và Thành phố nhằm hỗ trợ các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng. Báo Pháp luật Thành phố kiến nghị cần nghiên cứu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn chung cho các cơ quan báo chí Thành phố, vận hành thông suốt, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, bảo mật và chống được việc tấn công vào hệ thống mạng, tránh việc trục trặc hệ thống khiến các cơ quan báo chí không đưa thông tin kịp thời. Liên quan đến vấn đề này, Báo Phụ nữ Thành phố và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cũng có đề xuất hạng mục và kinh phí cụ thể về hạ tầng công nghệ thông tin (máy chủ, dịch vụ an ninh) cho cơ quan báo chí của mình.

HỖ TRỢ MẠNH MẼ CHO CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

Việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu hiện nay nhưng để tổ chức thực hiện là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, muốn các cơ quan báo chí của mình giữ vững vị thế dẫn dắt, định hướng thông tin, đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của báo chí đối với hệ thống chính trị, cũng là để hỗ trợ báo chí thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, bên cạnh việc phối hợp với lộ trình chuyển đổi số báo chí quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, cần thiết cụ thể hóa việc hỗ trợ về chính sách, tài chính với cơ quan báo chí Thành phố. Thực tế hiện nay, Thành phố đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để hỗ trợ tốt nhất cho việc các cơ quan báo chí chuyển đổi số một cách chủ động và đồng bộ, cần phải có những chủ trương cụ thể. Có thể lập ra một “Tổ công tác về chuyển đổi số các cơ quan báo chí” để rà soát quá trình chuyển đổi số của cơ quan báo chí, qua đó, thúc đẩy và kiểm soát quá trình chuyển đổi số theo đúng lộ trình của Trung ương, có tính tới đặc thù của báo chí Thành phố.

Hai là, cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí Thành phố được đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ của Công ty Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), với mức phí dịch vụ thường niên hợp lý. Việc đưa về đặt máy chủ tại đây một cách tập trung sẽ giúp cơ quan báo chí thuận tiện trong việc xử lý nội dung và bảo mật. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo cho QTSC và các công ty công nghệ xây dựng một hệ CMS dùng chung; sau đó, chia sẻ và phân cấp cho các cơ quan có báo điện tử/ trang tin điện tử tổng hợp sử dụng. Việc hỗ trợ này nhằm chấm dứt sự lệ thuộc vào các công ty dịch vụ công nghệ về lập trình, coding...

Chuyển đổi số (digital transformation) là xu thế về công nghệ trên toàn cầu hiện đang có tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước ta. Đối với báo chí, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, các cơ quan báo chí bắt buộc phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số.

Ba là, các cơ quan chức năng của Thành phố nên xem xét hỗ trợ về mặt nguồn lực cho các cơ quan báo chí chuyển đổi số, nguồn tài chính hỗ trợ có thể bằng cơ chế cho vay vốn rẻ lãi suất bằng 0% trong thời gian dài khoảng 20 năm, thông qua các tổ chức tín dụng, định chế tài chính do Thành phố chỉ định.

Bốn là, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí; xử phạt nghiêm minh những tổ chức, cá nhân ăn cắp bản quyền, cụ thể là khai thác trái phép nội dung từ các báo để kiếm lợi ích riêng trên công sức của các cơ quan báo chí.

Đỗ Quyết Thắng
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

----------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 213.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất