Thứ Bảy, 18/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 31/7/2019 10:59'(GMT+7)

Bộ Y tế giám sát triển khai thực hiện các mục tiêu Y tế - Dân số tại Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm viêc, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đa số các bệnh truyền nhiễm ghi nhận trên địa bàn có xu hướng giảm trong những năm gần đây, không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm... Tuy nhiên, một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư...làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí xã hội để phòng, điều trị cho nhóm bệnh này.

Lý giải về việc các năm 2017, 2018, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều đạt trên 98%, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin, chỉ đạt mức thấp 35,4%, đại diện Sở chỉ ra nguyên nhân là do việc chuyển đổi vắc xin 5 in 1 ComBe Five trong thời gian đầu năm, dẫn tới thiếu hụt vaccine tiêm cho trẻ. Mặt khác do tâm lý người dân vẫn còn e ngại khi triển khai tiêm vắc xin mới.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, nhiều trạm y tế còn thiếu thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có không thường xuyên, ảnh hưởng đến công tác điều trị. Nhiều trạm y tế cũng thiếu cân, thước, máy đo huyết áp, máy tiểu đường... phục vụ chữa bệnh. Hiện, tỉnh đã triển khai thí điểm quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp tại 4 xã thuộc 2 huyện trên địa bàn.

Về cơ cấu các bệnh truyền nhiễm gây dịch, hiện tỉnh có 23/44 loại bệnh truyền nhiễm gây dịch phải báo cáo, hầu hết các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận có xu hướng giảm về số mắc so với năm trước, không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm.

Về tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin là 98,9%, cao hơn trung bình của toàn quốc và chỉ tiêu là 95%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin Viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là 85%, đạt chỉ tiêu giao. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng UV2+ là 98%, đạt chỉ tiêu giao.

Về dự án dân số và phát triển, Sở tập trung vào công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Riêng dự án phòng chống HIV/AIDS thì hàng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động thuộc dự án này, tập trung vào việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Tính đến hết tháng 6/2019, 5 Cơ sở điều trị Methadone đã tiếp nhận và hiện đang điều trị cho 623 bệnh nhân đạt 77,8% chỉ tiêu Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, các chỉ số chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu y tế tại Vĩnh Phúc thực hiện đầy đủ, các chỉ tiêu của năm sau đều tốt hơn năm trước. Tuy nhiên Vĩnh Phúc cần xác định trọng tâm đầu tư trong năm 2019-2020 để hoàn thành các mục tiêu được giao, vì chỉ còn hơn 1 năm thực hiện.

Ông Nguyễn Công Sinh lưu ý do nguồn kinh phí hạn hẹp nên Sở Y tế Vĩnh Phúc cần lồng ghép có hiệu quả các hoạt động y tế vào chương trình mục tiêu y tế tại các Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Qua đó đạt được mục tiêu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; công tác dân số trong tình hình mới.

Phương Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất