Thứ Bảy, 18/5/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 25/3/2023 16:0'(GMT+7)

Chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 17 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng; xử phạt 2 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí. 

Các cơ quan cơ quan báo chí đã nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.  Các tạp chí thể hiện cụm từ “tạp chí” hoặc “tạp chí điện tử” trên giao diện trang chủ bảo đảm phù hợp với quy định tại Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tránh gây nhầm lẫn giữa tạp chí và báo. Các cơ quan báo chí đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích. 4 cơ quan báo chí tạm dừng hoạt động 5 chuyên trang để rà soát, chấn chỉnh hoạt động.  

Cơ quan chủ quản báo chí cũng nhận thấy có những buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các tạp chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã chỉ ra và thực hiện đúng các quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát, đánh giá, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 57 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc; chỉ rõ các biểu hiện, hành vi “báo hóa” của nhóm đối tượng này để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng, chủ động khắc phục các sai phạm, tuân thủ các quy định pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe.  Kết quả, đã xử phạt 9 trường hợp liên quan đến hành vi vi phạm về “báo hóa” với tổng số tiền là 140 triệu đồng.; Các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa”. Năm 2022, tổng số vụ xử phạt vi phạm hành chính là 11 vụ với tổng số tiền xử phạt là 170 triệu đồng.  

Năm 2022, có 5 trường hợp bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo do bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả trong việc xử lý “báo hoá” tạp chí, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong ngành, đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí trung ương. Tiếp tục triển khai xử lý dứt điểm tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Rà soát biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ nước ngoài để tác động vào báo chí truyền thông.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với công cuộc chuyển đổi số. Tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí với phương châm “chủ động thông tin tích cực”.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.

Bùi Chí Tuệ


 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất