Thứ Tư, 1/5/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 25/3/2018 10:30'(GMT+7)

Có phải “giải cứu sách”?

Hôm nay 25-3 Hội sách TPHCM 2018 khép lại sau 1 tuần diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực. Chắc chắn sẽ còn nhiều phân tích, đánh giá mặt được và chưa được để có cái nhìn tổng thể đưa hoạt động văn hóa này vượt thoát “tầm quốc gia” trở thành tâm điểm chú ý của giới xuất bản quốc tế. Ý tưởng là vậy, là đáng trân trọng. Song làm cách nào để cán đích “vượt tầm” thì quả là khó, nếu không nói là không thể. Chúng ta đã biết Hội sách TPHCM đã là thương hiệu quốc gia, là “đỉnh” của “đỉnh” văn hóa đọc trong nước với sự đón nhận, lượng sách bán ra, xu hướng xuất bản…, nhưng lên đỉnh rồi thì không khéo sẽ chỉ có đi xuống vì sự thỏa mãn, vì đi xuống bao giờ cũng dễ hơn đi lên. Cái chính vẫn là phải có ước mơ, có khát vọng, phải nhìn thấy đỉnh cao hơn để phấn đấu.

Nói thì dễ hơn làm khi nhìn tổng thể cái gì cũng khó: thu nhập đầu người vẫn ở “bẫy trung bình” khoảng 2.300-2.400 USD/năm, rồi sự phát triển như vũ bão của công nghệ thiên về nghe-nhìn, kèm theo giá sách còn ở ngoài tầm với với đông đảo bạn đọc có thu nhập thấp…, và có nói gì thì nói lỗi chính vẫn ở người viết - tác giả - qua nhiều kỳ hội sách vẫn chưa có tác phẩm “đỉnh cao”, tác phẩm để đời tạo điểm nhấn cho phần “hội”. Rất khó tìm một tác giả nổi bật khi quanh quẩn tác giả có sách bán chạy nhất hết kỳ này đến kỳ khác vẫn chỉ là Nguyễn Nhật Ánh và… Nguyễn Nhật Ánh. 
Mà thật ra, nhìn rộng ra thế giới thì tình cảnh cũng giống chúng ta, với cảnh đìu hiu, ảm đạm của thị trường sách. Mùa thu năm ngoái, người viết có dịp kiểm chứng nhận xét này khi tham dự Hội chợ sách quốc tế Moskva lần thứ 30. Ở đó, khu triển lãm, giới thiệu sách là khu liên hợp trong nhà rộng gấp đôi Công viên Lê Văn Tám, có hệ thống sưởi ấm, có máy dò kim loại… và không khí vẫn “man mác buồn mùa thu ơi” không sánh được với sự sôi động của Hội sách TPHCM. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu tác giả và tác phẩm để đời giống như các tác phẩm văn học Nga cổ điển hồi thế kỷ 18-19, càng không sánh được với thời Xô viết khi mỗi tác phẩm ra mắt là một sự kiện văn hóa, được in cả trăm ngàn bản, cả triệu bản và… phải có “tay trong” mới mua được. Giờ đây khi GDP đầu người tăng thì dường như GDP văn hóa sụt giảm. 

 Ít ai ngờ nước Nga từng là một cường quốc đọc. Nhà văn best seller hiện tại chỉ có lượng in trên chục ngàn bản (trong khi dân số khoảng 150 triệu người), còn thường thì tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn chỉ in ra theo kế hoạch B, khoảng 1.000-2.000 bản in. Đấy là đối với các thể loại văn học phổ biến, còn thơ thì ôi thôi, tác giả chỉ dám in dăm ba trăm cuốn, chủ yếu để… ký tặng người quen. Đến mức khi được hỏi ai là nhà văn đương đại nổi tiếng nhất thì đa phần đều nhún vai trả lời rằng “không biết” hoặc “có lẽ là… Lev Tolstoy” (đã mất từ cả trăm năm trước).

Thế thời phải thế khi vị trí và tầm ảnh hưởng của nhà văn đã không còn như xưa. Giờ đây nếu có hỏi ai là fan hâm mộ của công chúng thì không có gì đáng ngạc nhiên với câu trả lời “có lẽ là…” ai đó trong giới chân dài, giới showbiz, cầu thủ, đương nhiên là chẳng nhắc đến tên tuổi các nhà văn, nhà thơ. Cũng đành phải chấp nhận thực trạng này tuy có phần cay đắng. Và trong cái nắng như thiêu như đốt ở TPHCM dịp hội sách, khách mua sách qua lại cảm động khi thấy 2 người phụ nữ trẻ, xinh là giám đốc của 2 NXB Tổng hợp và Văn hóa Văn nghệ TPHCM cả tuần nay bám trụ, đếm từng cuốn sách đã bán và chưa bán… Còn ở gian hàng kế bên, ai đó đang chào bán bộ sách “Sống không cần tiền” với poster in hình một cô hoa hậu đang nhoẻn cười. Có vài người mua, chắc đem về để xếp kế bên cuốn sách “Truyện cổ Grimm” cho đẹp giá sách. 

Có cần “giải cứu” sách như từng giải cứu dưa hấu, su hào, củ cải trắng thời gian gần đây? Thật sự là khó nói vì có người cho rằng sách là vô giá, là sang trọng, đừng đánh đồng theo kiểu bán “ký lô”. Cũng đúng, nhưng cần lưu ý rằng sách phải có sức nặng thật sự, phải nặng về nội dung truyền tải mang hơi thở của thời đại. Để làm được điều này cần sự “giải cứu” chung của toàn xã hội, từ trong trường học, trong mỗi gia đình, trong mỗi cấp quản lý. Phải đưa vào tiêu chí đánh giá “gia đình văn hóa”, tiêu chí thi đua khen thưởng cuối năm nhằm vượt thoát tình trạng mỗi người Việt mỗi năm đọc chưa hết một cuốn sách (theo thống kê, người Việt mỗi năm mua sách chỉ  khoảng 2 USD). Và cần phải hiểu rằng đọc được một cuốn sách là sẽ bớt đi một tội phạm, thêm một nhà sách là bớt đi một nhà tù. 

Trước đây có người hỏi Einstein - cha đẻ của thuyết lượng tử ánh sáng: Làm gì để con mình thông minh? Ông đã trả lời: “Hãy đọc truyện cổ tích”. Lại hỏi: Muốn thông minh hơn nữa?, thì Einstein đáp: “Hãy đọc truyện cổ tích”… Như thế, theo lời nhà bác học đại tài thì chỉ có đọc sách mới thông minh hơn, mới hội nhập được với cuộc cách mạng 4.0 hiện giờ. Không có cách khác.

Theo SGGP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất