Thứ Hai, 20/5/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 10/10/2013 21:54'(GMT+7)

Con gái tướng Giáp: “Ba tôi muốn về với mảnh đất miền Trung anh hùng”

Bất ngờ, cảm động trước những tình cảm của nhân dân dành cho Đại tướng

Chia sẻ  về người cha vô cùng vĩ đại mà rất gần gũi, thân yêu, chị Võ Hạnh Phúc, người con gái thứ ba và cũng là con gái út của Đại tướng không giấu khỏi niềm xúc động.  Chị luôn gọi Đại tướng là ông, là ba, với tình cảm thân thương, nghẹn ngào.

Chị tâm sự, sau khi ông ra đi, tối 4/10, khi trở về, gia đình đã thấy nhiều bạn trẻ đứng bên kia đường, bên hàng rào của ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Việc tổ chức tang lễ không thể đáp ứng được hết tình cảm của nhiều thế hệ dành cho ông.  Đến ngày 5/10, khi gia đình lập bàn thờ, đã đề xuất ý kiến để cho nhân dân vào chào ông trước khi tổ chức tang lễ. Tất cả những suy nghĩ đó đến một cách thật ngẫu nhiên.

“Tối 5-10, gia đình chúng tôi đã ra xin lỗi đồng bào, nhân dân, vì chưa thể mở cửa mời mọi người vào viếng ông và đề nghị được mở cửa vào trưa ngày 6-10. Khi bắt đầu mở cửa, gia đình tôi đã thật sự bất ngờ và cảm động trước những  tình cảm của nhân dân dành cho ông. Dòng người xếp hàng ngày càng dài và dài vô tận. Có những bác lão thành cách mạng, các cô chú cựu chiến binh... Gia đình đã đề nghị với các đồng chí bộ đội, các đồng chí công an mở cửa vào viếng ông mỗi ngày sớm lên và mở đến 6-7h tối. Buổi trưa, cả gia đình và văn phòng của ông chỉ nghỉ có 1 tiếng đồng hồ thôi. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ thị cho Đoàn thanh niên cũng như các lực lượng chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vào tưởng niệm ông. Ngày 7/10, gia đình quyết định thời gian viếng kéo dài đến 11h trưa ngày 11/10. Tôi cũng xin được thay mặt mẹ chúng tôi, xin gửi lời cảm ơn các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các cô, các chú và toàn thể nhân dân đã giành tình cảm to lớn cho ba chúng tôi”.

“Ông bà luôn trả lời các câu hỏi nhưng không bao giờ làm”

Khắc sâu trong tâm trí của người con gái út, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một người cha rất hiền hậu nhưng cũng rất nguyên tắc. Trong dạy dỗ con cái, ông và bà rất có ý thức rèn luyện cho tất cả con cái tự lập từ nhỏ và không nhờ vả hay đòi hỏi bất kì sự giúp đỡ, ân huệ gì khi có những khó khăn.

“Tôi nghĩ ông không phải là người cha nghiêm khắc mà là người cha nhân hậu, đôn hậu rất thương các con nhưng không nuông chiều. Ông và bà không bắt buộc ai trong số các con phải lựa chọn ngành nghề theo ý mình mà để tự các con quyết định. Nhưng đã làm việc gì thì phải hết sức” – chị Võ Hạnh Phúc chia sẻ.

Chị Võ Hạnh Phúc nhớ lại hồi con gái của chị - cháu Ngọc Anh điều trị bệnh hiểm nghèo về, trong một lần gia đình tụ họp, quây quần, Đại tướng đã căn dặn các cháu trong gia đình phải học tập thật tốt,  ít nhất từ 7,8/10. Riêng Ngọc Anh chỉ cần 5,5/10.“Khi các cháu khác thắc mắc vì sao Ngọc Anh chỉ cần 5,5/10, ông trả lời vì Ngọc Anh còn nhiệm vụ khác là rèn luyện sức khỏe cho ngày càng tốt lên. Ông nói thêm vì 5,5 đã là điểm trung bình khá. Đối với các cháu, ông yêu thương như nhau. Nhưng các cháu có điều gì hư, ông cũng phê bình ngay.”.

“Tôi nhớ có lần tôi phải vẽ bản đồ lịch sử. Tôi loay hoay mãi chưa vẽ được. Ông hỏi: Con đã đọc lời chỉ dẫn ở dưới chưa? Và ông gợi ý tờ giấy của con cũng phải kẻ ô vuông theo lời chỉ dẫn. Sau khi tôi vẽ ô vuông nhỏ như lời ông đã gợi ý thì bản đồ lịch sử không còn khó nữa. Hay ngay cả việc giải toán số học, ông cũng chỉ gợi ý chứ không giải toán cho tôi”.

Có lần chúng tôi hỏi ông: “Ba có trí nhớ tuyệt vời, ba làm thế nào để có trí nhớ như vậy? Ông bảo: Khi nghe thì phải ghi, khi trình bày việc gì cũng phải ghi chép. Ghi sẽ nhớ được. Tôi đã học được ở ông kỹ năng nghe – ghi. Sau này tôi đi học, kỹ năng đó, lời ông dạy rất hữu ích cho tôi. Ngay bản thân tôi, khi dạy con gái của mình, khi làm một việc gì, dù là việc nhỏ nhất, cũng cần có kế hoạch, ghi chép, dự kiến thời gian”.

“Ông đã rèn cho chúng tôi tính tự lập cao, tự làm mọi việc, luôn tìm hiểu để giải quyết vấn đề khó khăn như thế nào. Những lúc cần, lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được lời khuyên từ ông bà. Hai ông bà luôn trả lời những câu hỏi, thắc mắc của chúng tôi nhưng không bao giờ ông bà làm thay”.

“Đối với tôi, ông là người có tính tổ chức và tính kỷ luật cao. Ông cũng yêu cầu những thành viên trong gia đình có tính tổ chức, tính kỷ luật. Ông không cho phép con cái làm những việc vượt ra khỏi quy định, luật pháp, nội quy trong cơ quan. Dù ông có xe của cơ quan, nhưng  nếu không có ý kiến của ông, không một người con nào được bước lên xe. Chúng tôi đều tự đi bộ đi học, sau này lớn lên có được tập xe đạp. Ông luôn dạy chúng tôi phải tự lập, phải tự học. Đi thi thì phải thi cho tốt, nếu thi không tốt thì phải thi lại. Chỉ cần con cố gắng là được”.

“Khi tôi có cháu ngoại đầu tiên, nhân dịp 60 năm ngày ông được phong quân hàm Đại tướng, tôi có bế cháu về thăm. Gặp chắt, ông nói: Con phải làm người chắt tốt nhé. Với các con, các cháu, ông yêu cầu, phải làm con ngoan trò giỏi. Đến chắt, chắt cũng phải chắt ngoan, làm hết khả năng của mình”.

Người cha bình dị, khiêm tốn

Với chị Võ Hạnh Phúc, người ba thân yêu lúc nào cũng rất  mực giản dị và khiêm tốn. Trong trí nhớ của các con, ông cũng là người rất mực nghiêm chỉnh. Hàng ngày đi làm, ông lúc nào cũng mặc quân phục chỉnh tề. Bao giờ ông cũng kiểm tra trong cặp đã có đủ giấy, bút và đồng hồ chưa? Bởi đó là những vật ông luôn dùng hàng ngày.

Chị Võ Hạnh Phúc kể lại: “Ông là một con người bình dị. Ông có thể tiếp xúc và  nói chuyện mà không có rào cản với bất kỳ ai, bất kỳ một người dân nào. Nếu ông có thời gian, ông đều trò chuyện, hỏi han ân cần mọi người xung quanh. Ông rất yêu các cháu thiếu nhi, bao giờ ông cũng hỏi: các cháu có khỏe không và học có giỏi không? Với tất cả mọi người dân, các tướng lĩnh, hay các chiến sỹ, bao giờ ông cũng là người làm việc trực tiếp, không hề có sự phân biệt tướng-sỹ. Với các bạn bè của con cháu đến nhà chơi, nếu ông có thời gian rảnh, ông cũng luôn quan tâm, hỏi thăm và ân cần chỉ bảo”.

Muốn về với mảnh đất miền Trung anh hùng

Trong những ngày ông nằm trên giường bệnh, gia đình và các bác sỹ ở A11 Bệnh viện 108 luôn có những cuộc trao đổi, phối hợp để việc điều trị cho Đại tướng được tốt nhất.

“Hàng ngày, hàng tuần, mẹ và chúng tôi bất cứ thời gian nào rảnh, luôn vào thăm ông. Ba rất yêu mẹ nên lúc nào ba cũng hỏi mẹ đâu, rồi mới  hỏi đến các con. Sau đó, các con báo cáo tình hình, báo cáo những việc mình đã làm cho ông biết, để ông yên tâm về gia đình, về bản thân các con"

Mỗi khi vào thăm ông, chúng tôi luôn kể cho ông nghe tin tức thời sự, kể cho ông nghe tình cảm của đồng bào dành cho ông. Là một người của công việc, một người của nhân dân, dường như ông lúc nào cũng thấy thiếu thông tin thời sự xảy ra trong nước và trên thế giới.

 Đặc biệt, trong suốt thời gian nằm viện, ông lúc nào cũng rất minh mẫn.  Và ông đã căn dặn chúng tôi và gia đình mọi điều từ trước.

Về nơi an nghỉ của ông, ban đầu, ông có ý định về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên) hoặc ở đâu đó vùng Sơn Tây cho gần Bác Hồ. Tuy nhiên, cuối những năm 1990, sau nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình, ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Khi đó, gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch. Ông đã có bút tích từ năm 2006 về việc này. Nơi an nghỉ của ông nằm ở khu vực đất liền, chứ không phải ngoài đảo, để người dân thuận tiện đến thăm viếng. Suốt đời ông không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Cuối cuộc đời mình, ông muốn về với mảnh đất miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng”.  

Thu Hằng (lược ghi)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất