Thứ Sáu, 17/5/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Tư, 21/9/2022 15:2'(GMT+7)

Công bố giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022

Đây là sự kiện thường niên của Brand Finance tại Việt Nam nhằm công bố giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời tôn vinh TOP 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2022. Đồng thời trong sự kiện, Mr. Alex Haigh - giám đốc điều hành của Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương trình bày chủ đề tham luận: Phát triển bền vững và vai trò của ESG với doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn lần này, Top 50 doanh nghiệp thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được Brand Finance trao chứng nhận chính thức về thứ hạng, giá trị thương hiệu quốc gia và chỉ số sức khỏe thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Điều này khẳng định sự phát triển và sức mạnh thương hiệu của các Doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022. “Chúng tôi thực sự ấn tượng với tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam vào năm 2022. Nhiều thương hiệu đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng các công ty địa phương hiện có thể nhận ra giá trị của thương hiệu và bắt đầu nỗ lực phát triển thương hiệu. Báo cáo top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance sẽ trở thành thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của các thương hiệu trên toàn quốc cho tất cả các lĩnh vực” - ông Lại Tiến Mạnh – Giám đốc công ty cổ phần Mibrand.

 Cụ thể, sự kiện Brand Finance Forum 2022 ghi nhận những dấu ấn sau:

Viettel là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, thương hiệu được định giá 8,8 tỷ USD

Viettel, được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5%), đã trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ bảy liên tiếp. Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD), là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng. Doanh thu của Tập đoàn viễn thông hàng đầu Viettel đã tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, trong khi thương hiệu này luôn chú trọng đến tính bền vững môi trường và đa dạng sinh học đô thị. Viettel Global, một công ty con của Viễn thông Viettel và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đã báo cáo doanh thu hàng quý cao kỷ lục 237 triệu USD trong quý 1/2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latinh, vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của Viettel Global.

Mr. Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương, nhận xét: “Bất chấp Đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan”

Với tốc độ tăng trưởng chậm hơn một chút, một thương hiệu viễn thông khác, VNPT - Vietnam Posts and Telecommunications Group (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) (tăng 4,2% đạt 2,858 tỷ USD), giữ nguyên vị trí thứ hai trong top thương hiệu giá trị nhất. Trong vòng năm năm trở lại đây, VNPT đã tăng trưởng cả về giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu. 

Mr. Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại buổi lễ.

Mr. Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại buổi lễ.

VNPT đã xếp hạng hai trên bảng xếp hạng quốc gia năm thứ tư liên tiếp và xếp trong top 3 kể từ năm 2017. Những năm gần đây, VNPT đã ký kết những thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam và các đối tác để cải thiện các giải pháp kết nối và mạng lưới truy cập 5G tại Việt Nam. 

Vinamilk (trị giá 2,814 tỷ USD) xếp vị trí thứ ba về giá trị thương hiệu với tăng trưởng 18% so với năm 2021. Năm nay, Vinamilk vinh dự nhận danh hiệu "Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới". Xếp thứ ba trong bốn năm liên tiếp và là thương hiệu thực phẩm giá trị nhất Việt Nam, Vinamilk vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để chinh phục thị trường quốc tế. Công ty đã chọn phát triển bền vững là một trong bốn trụ cột trong chiến lược phát triển của mình trong 5 năm tới.  

Giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng lên 36%. Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng. Tổng giá trị đạt được lên tới 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Đáng chú ý trong TOP 50, Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thương hiệu là 731 triệu USD, xếp thứ 14. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Techcombank có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng khi tăng 5 bậc so với năm 2021, lần đầu tiên lọt vào TOP 10. Ngân hàng Vietinbank xếp ở vị trí thứ 9, tăng 1 bậc so với năm 2021. Agribank vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với giá trị tăng trưởng 22%, duy trì vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam. Một số thương hiệu có giá trị tăng trưởng ổn định trong bảng xếp hạng TOP 50 có thể kể đến VPBank (tăng trương 37% so với 2021), FPT (tăng trưởng 24.5% so với 2021). Giá trị thương hiệu của tập đoàn Hòa Phát tăng lên đến 68% so với 2021. Về lĩnh vực bất động sản,  Giá trị thương hiệu Vinhomes 2022 là 2,383 triệu USD, tăng trưởng đến 99%, đây là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong TOP 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. 

Tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam 2022, đều tăng giá trị từ năm 2021, ngoại trừ MobiFone (-21%). Đáng chú ý, có bốn cái tên mới tham gia Bảng xếp hạng TOP 50, đó là: Nam Long (hạng 34), Vinacomin (hạng 43), Chin-Su (hạng 44) và Masan Consumer (hạng 45).

Thời gian qua, hình ảnh và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, vì vậy Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam cũng ngày càng được khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới việc phát triển thương hiệu quốc gia không chỉ bao hàm trong đó đại diện là sản phẩm hay doanh nghiệp. Thương hiệu quốc gia bao trùm các nội hàm rộng hơn gắn với tất cả các liên tưởng về quốc gia đó bao gồm cả hình ảnh quốc gia, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng, các điểm đến, vị trí địa lý chiến lược, các quan niệm về tài sản, ổn định kinh tế, năng suất, chính sách thu hút, dịch vụ và mạng lưới hỗ trợ, chi phí hiệu quả)  và các yếu tố mềm (chất lượng cuộc sống, năng lực và chuyên môn của lực lượng lao động, văn hóa quốc gia, quan hệ giữa con người, phong cách quản lý, tinh thần kinh doanh, tính chuyên nghiệp khi giao tiếp thị trường và kinh doanh, tinh thần sáng tạo trong kinh doanh, phát triển kinh tế đặc thù…). Cùng với đó, các quốc gia đều cần xây dựng thương hiệu và định vị thương hiệu quốc gia khác biệt hóa so với quốc gia khác trong một không gian toàn cầu để sự khác biệt đủ hấp dẫn và thu hút. 

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất