Thứ Năm, 2/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 26/12/2018 9:20'(GMT+7)

Công tác quy hoạch cán bộ: Triển khai đồng bộ các giải pháp hiện thực hóa quy hoạch

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhất là “các anh” cơ hội chính trị như con lươn, con chạch…”.

Thực tế thời gian qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển ở nhiều nơi vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, cả nhà làm quan, cả sở làm lãnh đạo xảy ra ở một số địa phương, như: Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… là những bài học đắt giá trong công tác cán bộ. Đặc biệt, một số vụ việc cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật càng làm cho chúng ta thấm thía những bài học sâu sắc trong công tác tuyển chọn và giới thiệu cán bộ, tránh để cán bộ xấu có cơ hội leo cao, chui sâu vào bộ máy công quyền. Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên (Yên Bái) nêu ý kiến: "Thời gian qua, mặc dù Trung ương và các cấp tập trung lãnh đạo, quyết liệt khắc phục, đẩy lùi, nhưng trên thực tế, tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra âm ỉ. Trong thời điểm giới thiệu QHCB hiện nay thì nguy cơ của tệ chạy quy hoạch là khó tránh khỏi; đòi hỏi các cấp, các ngành phải đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, quyết liệt đẩy lùi”.

Còn nhớ, tại HNTƯ 6, khóa XI, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt nêu rõ quan điểm: “Không để "lọt" vào Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”. Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng đã được thực hiện rất bài bản, thận trọng, quyết liệt, nhưng sau Đại hội XII vẫn có cán bộ vi phạm, kể cả ở cấp Trung ương và địa phương. Điều đó cho thấy nạn chạy chức, chạy quyền là hết sức tinh vi, rất khó nhận diện, đấu tranh. Do đó, chỉ đạo công tác giới thiệu QHCB cấp chiến lược giai đoạn 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, tập trung, nhưng dân chủ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được mang tính lợi ích”.

Để hạn chế, chống việc chạy quy hoạch, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng-nơi lựa chọn, giới thiệu QHCB cấp chiến lược phải là tập thể thật sự đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, quy định của Trung ương, nhất là làm tốt công tác thẩm định về lý lịch, nhân thân; thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, rà soát, theo dõi cán bộ được quy hoạch. Cần kết hợp đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, với chức năng của mình, cơ quan Trung ương cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, QHCB. “Chỗ nào làm sai, có vấn đề thì chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc; đồng thời phải có cơ chế cấp trên lắng nghe cấp dưới để không ngừng bổ sung, hoàn thiện quy hoạch”, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Cùng với phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lựa chọn kỹ, cơ quan chức năng của Đảng cần tập trung làm tốt công tác giám sát, thẩm tra chất lượng cán bộ được giới thiệu quy hoạch của cấp ủy và được Trung ương quy hoạch. Cần chú ý trình độ, năng lực những cán bộ xuất thân là con em cán bộ cấp cao; công tác ở những nơi dễ nảy sinh tư tưởng, tâm lý cục bộ dòng họ, bè cánh trong công tác nhân sự; tăng cường kiểm tra, giám sát ở những cơ quan, tổ chức, địa phương có dấu hiệu mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, thực hiện chưa đúng quy định, quy trình giới thiệu nhân sự... để có hướng xử lý, giải quyết triệt để. Quá trình thực hiện giới thiệu quy hoạch, thẩm định, rà soát quy hoạch, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Theo đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thì việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược không nên theo trình tự, mà cần có bước đột phá, tránh tình trạng “xếp hàng". Người nào nếu đủ trình độ, có tài, uy tín, đủ tiêu chuẩn thì đề nghị lựa chọn. Cùng với đó, nên có hình thức thảo luận và có số “dư” để tạo cơ hội cho nhiều cán bộ có trình độ, năng lực tương đương. Tiêu chuẩn, điều kiện như nhau thì cùng có cơ hội như nhau. Đó chính là cách tạo điều kiện, môi trường thực sự thuận lợi để cán bộ phấn đấu, cống hiến; hạn chế thấp nhất tiêu cực nảy sinh”.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến của các chuyên gia xã hội học cho rằng, Trung ương cần phát động một cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp vào các dịp trước, trong và sau khi tiến hành công tác QHCB các cấp nói chung, QHCB cấp chiến lược nói riêng; giáo dục nâng cao nhận thức, chú trọng khắc phục tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; kịp thời phát hiện, mạnh mẽ đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; bảo vệ nhân tố mới, tích cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.

Những đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn

Đề cập đến những việc cần hoàn thành trước mắt trong công tác QHCB cấp chiến lược nói chung, QHCB nói riêng, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, sắp tới trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị khóa XI, đúc rút bài học kinh nghiệm trong công tác QHCB cấp chiến lược khóa XII, BCH Trung ương khóa XII sẽ ban hành chỉ thị lãnh đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cũng chủ trương đưa các tiểu ban phục vụ đại hội đi vào nền nếp, hiệu quả, nhất là tiểu ban nhân sự; đồng thời phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

Trung ương, mà trực tiếp là ngành tổ chức xây dựng Đảng xác định việc chuẩn bị nhận sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với dự báo phát triển trong tương lai của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ. Đợt kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua được xác định là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn diện cán bộ, làm căn cứ cho việc QHCB cấp chiến lược Đại hội khóa XII; nhất là việc lựa chọn, tiếp tục quy hoạch các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII vào các vị trí công tác phù hợp và cao hơn trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho rằng: Việc thẩm định, lựa chọn và công khai danh sách Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục tham gia Trung ương khóa XIII cần được tiến hành sớm; xác định rõ số lượng, chất lượng gắn với quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp ủy, BCH các cấp để lựa chọn được các đồng chí xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc. Đây cũng là cơ sở để lựa chọn số lượng, tỷ lệ, thành phần, độ tuổi, năng lực, sở trường, đối với các đồng chí quy hoạch lần đầu tham gia Ủy viên BCH Trung ương. Đặc biệt, trong các HNTƯ từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XII, BCH Trung ương, Bộ Chính trị tiếp tục quan tâm toàn diện, làm tốt công tác quy hoạch các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; có kế hoạch bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư... đối với những cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đạo đức; có tiềm năng, khả năng cáng đáng các vị trí quan trọng, được quy hoạch phát triển lên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, phần việc này cần có lộ trình phù hợp, làm từng bước cẩn trọng, nhưng phải chủ động về tính kế hoạch, tính dự báo để lựa chọn, thực hiện phương án tốt nhất.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương nêu quan điểm: Nhân sự quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ mới là do cấp ủy, tổ chức đảng lựa chọn, giới thiệu quy hoạch, song Trung ương cần định hướng kịp thời hơn nữa để bảo đảm việc quy hoạch sát với chủ trương “bí thư cấp ủy, nhất là bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải là người địa phương” được xác định, triển khai thực hiện từ sau HNTƯ 7, khóa XII. Điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa cơ quan, ban, ngành Trung ương với ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy; bởi lẽ, địa phương sẽ rất khó tự quy hoạch nếu chưa có nguồn nhân sự không phải ở địa phương đang công tác tại chỗ. Do vậy, Trung ương cần làm tốt công tác định hướng, giới thiệu nhân sự quy hoạch cho cơ sở; hoặc có những điều chỉnh công khai nhân sự sau giới thiệu quy hoạch của địa phương. Lãnh đạo các địa phương kiến nghị: Nội dung này cần được chủ động làm sớm, không nên quy hoạch BCH Trung ương rồi mới phân công, chỉ định các vị trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả nguyên tắc bầu cử bí thư, cấp ủy tại đại hội đảng bộ địa phương, vô hình trung gây khó cho cán bộ được tiến cử và ít nhiều chi phối đến tâm lý đội ngũ cán bộ địa phương cơ sở, dễ nảy sinh mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, bè cánh, cục bộ địa phương...

Ý kiến của một số chuyên gia ở các viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo cán bộ cho rằng: Trung ương cần thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của các đồng chí Ủy viên Trung ương dự khuyết. Đồng thuận cao với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026: “Đối với Ủy viên dự khuyết, không chỉ chú ý về độ tuổi trẻ, mà trình độ, tiêu chuẩn mới là chính”, các chuyên gia cho rằng, sắp tới cần có giải pháp để nâng cao hơn nữa việc lựa chọn, giới thiệu quy hoạch Ủy viên Trung ương dự khuyết; cần cân nhắc kỹ việc nên hay không nên bầu Ủy viên Trung ương dự khuyết; cần xóa bỏ tư duy cho rằng Ủy viên dự khuyết là các “suất” dành cho cán bộ trẻ, một bước chuẩn bị dự nguồn Ủy viên Trung ương chính thức ở các khóa sau. Có quan điểm thẳng thắn đề nghị: Để phát huy đầy đủ hơn vai trò, vị trí các đồng chí Ủy viên Trung ương dự khuyết, nên chăng khi có các vị trí Ủy viên Trung ương chính thức bị khuyết thiếu, kỷ luật, cách chức... thì cần có những lựa chọn, quyết định bổ sung các vị trí này từ nguồn Ủy viên Trung ương dự khuyết mà Đảng đã chuẩn bị. 

Từ nay đến Đại hội XIII của Đảng (quý I năm 2021), Trung ương và cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, theo dõi để có thể đưa ra hoặc bổ sung quy hoạch trước những điều kiện thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn mới. Cần có cơ chế tạo điều kiện tốt nhất để phát huy vai trò của truyền thông và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội để sáng suốt lựa chọn những đồng chí cán bộ cấp chiến lược đủ đức, đủ tài.

Đối với đội ngũ cán bộ được giới thiệu để QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, người dân mong muốn, khi đã được cấp ủy, tổ chức đảng tin tưởng giới thiệu, đội ngũ này cần nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí và vinh dự của mình. Mỗi người phải biết gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để làm nên sự nghiệp lớn. Đã là cán bộ được giới thiệu quy hoạch BCH Trung ương, nhất thiết phải lo cho sự nghiệp lớn của Đảng, chứ không thể chỉ chăm chăm lo cho sự nghiệp của gia đình, dòng họ và lợi ích riêng.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất