Thứ Ba, 7/5/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 26/12/2022 10:45'(GMT+7)

Đề xuất giải pháp quản lý nội dung báo chí đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ ĐA NỀN TẢNG Ở VIỆT NAM

Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đã tác động và làm thay đổi đáng kể nhu cầu lẫn hành vi tiếp cận thông tin của người Việt Nam. Và chính điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tự chuyển mình theo hướng đổi mới mô hình hoạt động, đổi mới phương thức phát hành thông tin, tối ưu hóa nguồn lực tại chỗ, đa dạng hóa các nền tảng kỹ thuật và cập nhật các xu hướng công nghệ.

Trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay, nhiều tờ báo in truyền thống như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Nông thôn Ngày nay… đã có những bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống. Đa số các báo đều bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ và xây dựng các chiến lược mang tính dài hơi để mở rộng lĩnh vực phát hành thông tin trên cả báo in, báo điện tử, ứng dụng đọc báo trên thiết bị di động (mobile app), trên mạng xã hội Facebook, Twitter (Fanpage, Page), các kênh Youtube, Tik Tok… Thậm chí, vào 5/1/2021, báo Thanh Niên đã đi đầu khi ra mắt dự án “Báo thông minh – Thanh Niên Online” với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trên nền tảng báo điện tử Thanhnien.vn, mở ra những xu hướng mới trong việc phát hành thông tin báo chí đa nền tảng.

Nhiều tờ báo điện tử ở Việt Nam như: VnExpress, VienamPlus, Dantri, Zing, VietnamNet… đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát hành thông tin trên nhiều nền tảng công nghệ từ rất sớm. Tạp chí điện tử Zing được coi là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam phát hành ứng dụng đọc báo trên thiết bị di động, phát hành thông tin qua cả ứng dụng điện tử Zalo.

Trong Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ có đề ra mục tiêu tới năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

Như vậy, xu hướng “đa nền tảng” đã không còn là khái niệm mơ hồ mà đã được đề ra trong chiến lược định hướng và phát triển báo chí đến năm 2030. Đây là một thực tế tất yếu mà báo chí Việt Nam buộc phải tiệm cận để tiến đến một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa phương tiện, đa nền tảng… phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Vấn đề quản lý nội dung ở các cơ quan báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí đa nền tảng. Đây được xem là khâu then chốt trong việc kiểm duyệt thông điệp của quy trình tạo ra các sản phẩm báo chí phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ số và thị hiếu của độc giả thời kỳ chuyển đổi số.

Vấn đề quản lý nội dung đa nền tảng ở các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện với rất nhiều hình thức khác nhau. Mỗi cơ quan báo chí đều có một quy trình, phương thức quản lý nội dung và được phân cấp theo vị trí tương ứng trong sáng tạo, xuất bản sản phẩm báo chí.

Báo chí đa nền tảng tạo ra nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan báo chí trong việc quản lý nội dung báo chí. Thứ nhất, phải nắm bắt và dự báo được xu thế phát triển của báo chí đa nền tảng, chỉ ra được những thế mạnh lẫn hạn chế ở nền tảng hiện tại và tương lai để xây dựng kế hoạch, lộ trình, mục tiêu cụ thể trong việc thay đổi nội dung và dạng thức phát hành thông tin.

Thứ hai, báo chí đa nền tảng không thể tách rời kế hoạch chuyển đổi số của một số tờ báo, bao gồm khâu quản trị nội bộ, quy trình sản xuất thông tin... Vì thế, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải biết tổ chức và sắp xếp bộ máy một cách đồng bộ, khoa học và tận dụng được tối đa các nguồn lực sẵn có. Bênh cạnh đó cũng phải biết tận dụng tối đa chất liệu làm báo khác nhau để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm báo chí.

Thứ ba, phải có một mô hình tổ chức nhân sự phù hợp để phát triển đa nền tảng, nhất là xây dựng các tổ có kiến thức về từng nền tảng như Facebook, Youtube, Tik Tok… để có những chiến lược sản xuất tin tức hiệu quả, “kéo” được nhiều tương tác.

Thứ tư, phát triển báo chí đa nền tảng đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm chủ công nghệ nhằm kết hợp các nền tảng trong một chỉnh thể thống nhất. Đây là yêu cầu quan trọng nhất trong phát triển báo chí đa nền tảng và quản lý nội dung báo chí đa nền tảng.

Thứ năm, người làm báo phải thay đổi tư duy về sản xuất sản phẩm báo chí, tức là phải sáng tạo, chọn lọc thông tin để đăng tải trên các nền tảng khác nhau. Cần ý thức sâu sắc việc sử dụng tối đa chất liệu hiện đại trong đó trọng tâm là chất liệu đa phương tiện vì khi hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau đỏi hỏi phải hiểu và sử dụng triệt để các thế mạnh của từng nền tảng.

Thứ sáu, những người làm báo cũng nâng cao nhận thức về vai trò của các chất liệu đa phương tiện trong một sản phẩm báo chí phát hành trên các nền tảng số cũng như nắm được nhu cầu của công chúng về các chất liệu đa phương tiện để có kế hoạch sản xuất các tác phẩm đáp ứng nhu cầu.

Thứ bảy, báo chí đa nền tảng đòi hỏi đội ngũ phóng viên, nhà báo phải có sự đầu tư, am hiểu phong phú, đa dạng hơn về kỹ thuật làm báo. Bên cạnh đó, tư duy làm báo cũng cần phải đổi mới. Điều này thể hiện ngay ở khâu thu thập thông tin cho một sản phẩm báo chí.

Ngoài ra, để tổ chức được nội dung báo chí trên nền tảng mạng xã hội cần phải có đội ngũ biên tập viên truyền thông xã hội “chắc tay” về kỹ năng mạng xã hội, biết phân tích dữ liệu bạn đọc và xu hướng tiếp cận thông tin báo chí.

GIẢI PHÁP ĐỂ QUẢN LÝ NỘI DUNG BÁO CHÍ ĐA NỀN TẢNG HIỆU QUẢ

Đối với đội ngũ lãnh đạo, để phát triển nền báo chí đa nền tảng tại một cơ quan báo chí thì trước hết phải thực hiện cuộc cách mạng về tư tưởng, nâng cao tư duy thực hiện báo chí đa nền tảng. Những người lãnh đạo trực tiếp quản lý nội dung đa nền tảng và những người trực tiếp thực hiện nội dung đa nền tảng chính là cốt lõi của nền báo chí, họ cần phải hiểu được báo chí đa nền tảng là một trong những xu hướng của báo chí thời đại, bắt buộc phải chuyển đổi được để bắt kịp với thế giới truyền thông số đang “phi nước đại”.

Những người lãnh đạo, trực tiếp quản lý nội dung báo chí đa nền tảng như Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn, Trưởng/Phó Ban, Phòng là những người nắm giữ vai trò là người chèo lái con thuyền, định hướng lối phát triển báo chí đa nền tảng của tòa soạn. Do đó, đòi hỏi phải có tư duy chiến lược, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để định hướng thông tin, dẫn dắt và quản lý quy trình xây dựng thông tin báo chí đa nền tảng.

Ban lãnh đạo cơ quan báo chí cần có có các giải pháp thích ứng phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là có các kịch bản, dự báo khác nhau để đề ra các chỉ tiêu (KPI) và xây dựng kế hoạch cho tờ báo trong từng năm.

Xác định rõ thế mạnh của tòa soạn để từ đó tập trung đầu tư theo hướng chuyên sâu, không dàn trải, mở ra quá nhiều chuyên mục không có hiệu quả (không view, không quảng cáo). Với quan điểm báo chí như một sản phẩm hàng hóa, tờ báo như một doanh nghiệp nên cơ quan báo chí cần mạnh dụng áp dụng theo hướng cái nào có lợi, có triển vọng thì làm; cái nào không có triển vọng, hiệu quả thấp thì tạm dừng luôn để tránh sự dàn trải, lỗ vốn.

Phát triển mô hình báo chí đa nền tảng, mô hình nhà báo tích hợp kỹ năng là nội dung quan trọng, vì vậy cần phải xây dựng quy trình sản xuất báo chí đa nền tảng sao cho nhanh, hiệu quả, rút gọn các bước một cách ngắn gọn nhất có thể để đẩy nhanh phương thức sản xuất thông tin.

Cần đẩy mạnh các tổ chức, diễn đàn, hội thảo khoa học, các buổi rèn luyện, học tập cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên để nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về các vấn đề có liên quan đến chính trị, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng lật tung mọi kẻ thù có méo mó về tư tưởng.

Cần xây dựng chiến lược thâu tóm khách hàng, tận dụng quảng cáo sao cho hợp lý để kiếm thêm thu nhập ngoài về cho tòa soạn. Hiện nay, các cơ quan tòa soạn báo chí đều hướng tới tự chủ về tài chính, mở rộng hoạt động tự do, vì thế cần có sự thay đổi trong cách chèn các bài quảng cáo sao cho phù hợp với kích thước của cả màn hình website trên laptop lẫn trên mobile. Lựa chọn quảng cáo sao cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của tòa soạn.

Đối với những người tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí đòi hỏi phải có tư duy hiện đại, cập nhật xu hướng, sáng tạo đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện thông tin sao cho mới mẻ và phù hợp với các nhóm đối tượng công chúng. Nếu như người trực tiếp tạo ra các sản phẩm báo chí không coi báo chí đa nền tảng là xu hướng, là yêu cầu cần phải đổi mới của thời đại, chỉ cố chấp giữ lấy “nét truyền thống” của báo chí thì sẽ không thể nào xâm nhập được vào môi trường báo chí hiện đại, báo chí đa nền tảng.

Song song với nâng cao tư duy chính là nâng cao chất lượng của một người làm báo, đó là có đầy đủ các yếu tố của một nhà báo chuyên nghiệp, đa năng, có đạo đức nhà báo, có trách nhiệm với thông tin và xã hội. Trước khi theo đổi một vấn đề hay, một phóng sự điều tra hấp dẫn thì những người trực tiếp sản xuất các sản phẩm báo chí cần phải làm tốt công tác phản bác các quan điểm, thông tin sai trái. Bởi vì dù báo chí có phát triển theo xu hướng nào thì cốt lõi vẫn phải làm tròn vai trò của một cơ quan ngôn luận của nhà nước, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Phóng là những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng nội dung báo chí đa nền tảng, là người “đi đầu” trong nội dung, đem thông tin về tòa soạn. Ngoài những yếu tố cơ bản của một nhà báo thời đại mới, phóng viên cần vận dụng kỹ năng của mình vào trong mọi quá trình tác nghiệp, bao gồm từ khai thác chủ đề, dẫn tin từ hiện trường.

Đối với các tổ Ảnh, SEO, Mỹ thuật là khối nhân sự tham gia vào quá trình quản lý nội dung báo chí đa nền tảng với vai trò tăng cường hiệu quả của bài viết, tạo ra sự sáng tạo để bù đắp cho các thông tin thô sơ của một bài viết báo chí chính thống từ các phóng viên. Vì vậy, cũng cần có sự học tập và nâng cao tay nghề trong công việc của mình, đẩy mạnh tốc độ để bài viết có thể đăng tải nhanh chóng, đặc biệt không để chậm chễ trong khâu của mình.

Đội ngũ quản lý nền tảng mạng xã hội Facebook cũng cần phải học hỏi thêm kiến thức về quản lý fanpage, các công thức đăng tải bài viết, hình thức đăng tải. Báo chí đa nền tảng yêu cầu về việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong suốt quá trình làm báo. Do đó mà các cơ quan tòa soạn cần xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp phương tiện kỹ thuật để những khách thể trực tiếp sản xuất nội dung báo chí đa nền tảng có nhiều điều kiện hiện đại hơn để thực hiện sản xuất các tin, bài.

Hà Đình Chung

Thư ký tòa soạn Ban Văn hoá - Xã hội

Báo Nông thông ngày nay/Dân Việt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất