Chủ Nhật, 19/5/2024
Dân số và phát triển
Thứ Tư, 17/10/2018 9:34'(GMT+7)

Điểm sáng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Ảnh: Đình Nam

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Ảnh: Đình Nam

Mô hình giúp nâng cao quyền của phụ nữ

Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên... Như vậy, giảm dần tình trạng MCBGTKS là việc làm cấp bách để đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 109 bé trai/100 bé gái.

Theo các nhà nhân khẩu học, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề MCBGTKS là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, hay nói cách khác, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái vẫn còn nặng nề trong một bộ phận không nhỏ người dân. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, nâng cao vai trò của người phụ nữ, giúp họ được nhìn nhận và đối xử một cách công bằng là việc làm vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh.

Ngày 20/7/2015, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã có Quyết định 178/QĐ-TCDS về việc phê duyệt mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Qua thực tiễn triển khai, mô hình này đã và đang đem lại những kết quả đáng ghi nhận và được xem là một trong những giải pháp tích cực trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới và đẩy lùi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Gia đình anh Nguyễn Như Thiềng (trú tại xã Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình) có hai con đều là con gái. Anh Thiềng chia sẻ, sinh hai con gái, anh cũng từng bị áp lực từ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, từ khi xã triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu MCBGTKS và mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”, anh không còn cảm thấy nặng nề việc phải có con trai, bởi ý thức con nào cũng là con. Theo đó, anh Thiềng rất ủng hộ việc triển khai mô hình và gương mẫu đi đầu thực hiện. Vợ chồng anh bàn nhau dừng lại ở 2 con thôi để tập trung nuôi dạy con cho tốt và tập trung phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hai cô con gái của gia đình anh đều chăm ngoan, học giỏi, gia đình anh luôn thuộc diện gia đình tiêu biểu trong toàn xã.

Hiện tại, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” đang được triển khai tại 30 xã trong toàn tỉnh Thái Bình với mục tiêu nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới MCBGTKS cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, giáo viên và học sinh các trường THCS, THPT. Theo đó, các xã được chọn đã thành lập 30 câu lạc bộ “Các bạn gái tiêu biểu”, mỗi câu lạc bộ khoảng 70 thành viên, ưu tiên các bạn gái là con của gia đình sinh con một bề là gái và có thành tích xuất sắc trong học tập; xây dựng 30 góc sinh hoạt về bình đẳng giới, MCBGTKS tại các trường THCS, THPT.

Tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình

Trong khuôn khổ mô hình, các địa phương đã triển khai đa dạng các hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực như: Tổ chức hội nghị gặp mặt, nêu gương các gia đình sinh con một bề là gái có con thành đạt, nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ già; tổ chức hội thảo ký cam kết thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam nông dân, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng về bình đẳng giới và vấn đề giới tính khi sinh tại cộng đồng; tổ chức phối hợp truyền thông trực tiếp trong các buổi họp của xã như họp ban, ngành, đoàn thể...

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề thực trạng giới tính khi sinh, nguyên nhân và hệ lụy của MCBGTKS và thảo luận một số giải pháp khắc phục tình trạngMCBGTKS; các quy định của pháp luật và việc xử lý các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cung cấp tờ rơi các loại tuyên truyền về MCBGTKS và hệ lụy trong tương lai cùng các nội dung liên quan đến bình đẳng giới đến người dân.

Qua thực tiễn, các cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số nhận định, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người dân trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng; tâm lý ưa thích con trai cùng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã có chiều hướng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều chị em, học sinh, sinh viên nữ quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tích cực tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ và các hoạt động trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục nhân rộng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” tại nhiều địa phương hơn nữa, nhất là những nơi có tỷ số giới tính khi sinh cao để góp phần đẩy lùi, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên cả nước.

Ngoài tỉnh Thái Bình, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” đang được triển khai có hiệu quả tại một số tỉnh, thành như: Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ… Ngay từ năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho triển khai mô hình này tại 4 huyện, thị (Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch, Phúc Yên) với 25% số xã, số trường THCS, THPT, tương đương 15 xã, 15 trường THCS và 4 trường THPT. Trong đó, huyện Lập Thạch đã chọn 5 xã, thị trấn làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình. Theo bà Nguyễn Phương Lê, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các CLB tại các thôn, làng, trường học, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thường xuyên tổ chức trao quà cho trẻ em trong các gia đình sinh 2 con một bề là gái có thành tích cao trong học tập; trao quà cho các gia đình sinh 2 con gái thực hiện có hiệu quả mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”. Qua đó, khích lệ, động viên các gia đình và nêu gương cho các gia đình khác trong thôn, xóm./.

Theo giadinh.net.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất