Chủ Nhật, 19/5/2024
Xã hội
Thứ Ba, 9/7/2019 14:26'(GMT+7)

Đồng Nai: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sơn Hà (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa)

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sơn Hà (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa)

1. Do điều kiện thuận lợi về địa lý cùng với chính sách năng động đã thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp tập trung được cấp phép hoạt động, với tổng diện tích hơn 12.055 ha, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với 1.218 dự án của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ; có 1.112 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 21.360,22 triệu USD, thu hút 512.700 lao động trong nước và 5.800 lao động nước ngoài.

Lợi thế lớn nhất của Đồng Nai là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 65% trong tổng dân số của tỉnh. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 22,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng 43,7%; khu vực dịch vụ là 33,7%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45% lên 78% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 59,09%; góp phần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Đồng Nai đã từng bước làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được nhiều vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài. 

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích tự nhiên là 5.907,2 km2, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước. Đồng Nai có 09 huyện, và 02 thành phố, với dân số trên 3 triệu người, là tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, nằm trong vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 

Trong những năm qua, song song với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và huy động mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế; tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng (Kế hoạch số 217-KH-TU ngày 18/12/2014 của Tỉnh ủy Đồng Nai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng - Khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 4698/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020…).

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 33.654 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động với số lao động trên 1.2 triệu người, hàng năm cần bổ sung thêm khoảng từ 80.000 đến 85.000 lao động, trong đó trên 17.000 lao động kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác giáo dục nghề nghiệp để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường sử dụng lao động. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn về nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh; do đó, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, trong đó tập trung đào tạo nghề chất lượng cao chính là khâu đột phá để Đồng Nai sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công tác giáo dục nghề nghiệp ở thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bao gồm: 12 Trường Cao đẳng, 5 Trường Trung cấp, 23 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 20 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các trường Cao đẳng đều được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm định chất lượng đào tạo nghề và công nhận đạt cấp độ 3. 

Trong đó, có 3 trường Cao đẳng được chọn là Trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai có 11 trường được lựa chọn, trong đó có 7 trường Cao đẳng và 4 trường Trung cấp. Có 2 Trường Cao đẳng được Chính phủ Đức chọn đầu tư thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao chuẩn quốc tế là Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, trong đó Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã hoàn thành và có khả năng đào tạo 9 nghề chuẩn quốc tế, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đang trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.

Việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp luôn được quan tâm; trong đó công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề, việc quản lý và sử dụng kinh phí luôn đặt lên hàng đầu, đảm bảo không để xảy ra tiêu cực. Định kỳ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành có liên quan như: Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; qua đó, đánh giá các hoạt động đào tạo nghề tại cơ sở, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tránh sai phạm trong quá trình hoạt động dạy và học nghề.

Đồng Nai luôn xây dựng chiến lược hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng Nai luôn xây dựng chiến lược hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020 gắn với các mục tiêu Kế hoạch số 217-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, học nghề gắn với giải quyết việc làm để thu hút nhiều học viên tham gia học nghề; đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong vấn đề thực tập, đào tạo và tiếp nhận học sinh sau học nghề. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế để đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Số lượng học sinh và sinh viên tham gia các khóa đào tạo nghề tăng đều theo từng năm: Năm 2014 số tuyển mới là 65.347 người, trong đó trình độ từ trung cấp trở lên là 7.521 người, chiếm tỷ lệ 11,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 48,19% đến cuối năm 2018 số tuyển mới là 75.882 người, trong đó trình độ từ trung cấp trở lên là 18.273 người, chiếm tỷ lệ 24,08%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 59,09%. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề cũng như cơ cấu ngành nghề dần đáp ứng theo nhu cầu thị trường lao động, điều này giúp cho người học nghề dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và các doanh nghiệp không phải đào tạo lại cho người lao động mới được tuyển dụng.

Từ năm 2014 đến năm 2018 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 triển khai đào tạo hệ cao đẳng trình độ quốc tế theo chuẩn City & Guilds (Anh Quốc) cho 602 học viên với các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí, Điện tử công nghiệp, Công nghệ hàn, Kỹ thuật Cơ khí ứng dụng CNC, Điện công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật lắp đặt đài trạm viễn thong, Kỹ thuật lắp đặt triền dẫn quang vô tuyến. Thông qua các lớp đào tạo này, các học viên đã tiếp cận được với chuẩn quốc tế với các yêu cầu chuẩn đầu ra cụ thể sát với doanh nghiệp; đội ngũ giáo viên bước đầu làm quen cách đào tạo của các chương trình tiên tiến. Học viên được các tổ chức Quốc tế kiểm tra, sát hạch và cấp bằng theo chuẩn quốc tế. 

Để đạt được những kết quả như trên là nhờ sự quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên về công tác giáo dục nghề nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển dạy nghề, trong đó phải kể đến nguồn lực xã hội hóa; hiện nay trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, chiếm 55% trên tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Nai khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng có những bước đi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động, đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; do vậy cần mạnh dạng đổi mới cơ chế hoạt động, qua đó tăng cường mối liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chủ động trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính như: Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tự chủ 100%); các cơ sở khác đang tiến hành có lộ trình thực hiện để tiến tới việc tự chủ trong tương lai.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được xác định là khâu quan trọng trong việc góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thay đổi suy nghĩ trọng bằng cấp, bằng mọi giá phải vào đại học như trước đây. Hình thức tuyên truyền đã được thực hiện đa dạng thông qua nhiều kênh như: qua ti vi, radio, phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh tại các trường ... nhằm thu hút mọi tầng lớp trong xã hội thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục nghề nghiệp phục vụ thị trường lao động.

Tỉnh luôn ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Tỉnh luôn ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện việc thông tin, truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các ngày hội tư vấn, tuyển sinh trực tiếp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, qua đó tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp trung học cơ sở giao lưu, trao đổi các thông tin về nghề nghiệp, hướng nghiệp, đào tạo và việc làm sau đào tạo nhằm định hướng và thu hút các em học nghề. Bên cạnh đó, phổ biến các chế độ, chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ, khuyến khích học nghề.

3. Xác định việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhất là đào tạo nghề chất lượng cao; do vậy trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng (trong và ngoài nước) theo hướng chuẩn, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo nghề; từng bước ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy mới đạt trình độ khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo công tác giáo dục nghề nghiệp phục vụ cho nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh; trong 5 năm (2014-2018), đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho 748 lượt giáo viên giáo dục nghề nghiệp (kỹ năng nghề, quản lý, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học…).

Việc đầu tư kinh phí của Trung ương, của tỉnh cho giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua đã góp phần phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cả về chất lượng và số lượng, nhất là về chất lượng; cán bộ và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước về kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học… Trang thiết bị dạy nghề được đầu tư hiện đại, đa chủng loại đáp ứng được phần nào nhu cầu đào tạo cho thị trường lao động theo xu thế hội nhập quốc tế; một số chương trình đào tạo được cập nhật và điều chỉnh, gần đây đã nhận được chương trình đào tạo chuyển giao từ nước ngoài. 

Hợp tác, hội nhập quốc tế đối trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; trong những năm gần đây các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác, tổ chức giáo dục nghề nghiệp nước ngoài (các nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…) để hợp tác, liên kết về đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giải quyết việc làm cho người học. 

Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã liên kết với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp như: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đào tạo sinh viên chất lượng cao; hỗ trợ trang thiết bị dạy nghề… Đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trường về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi hiện đang hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) để triển khai thực hiện Chương trình Đào tạo nghề xanh, dự kiến đến năm 2020 sẽ tiến hành tuyển sinh đào tạo một số nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh hiện đang tiến hành các thủ tục ký kết “Biên bản ghi nhớ” với Công ty TNHH Bosch Việt Nam về việc hợp tác trong quá trình đào tạo nghề nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị các bước tiến đến việc tự chủ về các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các trường huy động một số kinh phí từ các nguồn trong xã hội, trong đó có nguồn từ việc thu học phí của học sinh và các nguồn khác để đầu tư cho việc phát triển dạy nghề. Trong 05 năm qua, công tác xã hội hóa về dạy nghề đã có một số chuyển biến tích cực, thông qua việc thu học phí từ người học các đơn vị dạy nghề có thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển. Hiện nay tỉ lệ huy động nguồn xã hội hóa so với tổng mức đầu tư của ngân sách Nhà nước là 35,2% (chủ yếu là nguồn thu học phí của học sinh). Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đang thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mức quy định của tỉnh đối với các ngành nghề mũi nhọn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm và ưu tiên tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em tham gia các khóa đào tạo nghề nghiệp theo các quy định của Trung ương và địa phương như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm, học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; Quyết định số 4122/QĐ.CT.UBT ngày 28/10/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc trợ cấp học nghề đối với học sinh các dân tộc thiểu số, học sinh mồ côi đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội và học sinh đang học tại các trường Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Với các chế độ, chính sách nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các em thuộc đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, các em có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện học đại học… tham gia giáo dục nghề nghiệp; trong những năm gần đây số lượng các em tham gia học nghề ngày càng nhiều góp phần đáng kể vào lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. 

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Đồng Nai mong muốn sớm trở thành tỉnh có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế./.

Huỳnh Văn Tịnh
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất