Thứ Ba, 30/4/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 10/10/2019 10:51'(GMT+7)

Dũng khí ở đâu?

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Thường lệ vào sáng cuối tuần, hai ông bạn già hưu trí lại ngồi bàn luận với nhau về chuyện chính trường, thế sự. Liên quan đến chuyện mới đây, một cán bộ đứng đầu cấp ủy của một tỉnh viết đơn xin từ chức, một ông khơi mào:

- Theo ông, cán bộ lãnh đạo xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe, liệu có nên chăng?

- Các cụ ta có câu “Ốm tha già thải”. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Khi cán bộ biết mình không còn đủ sức khỏe để tiếp tục đảm đương công việc, chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, họ đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và xin rời nhiệm sở trước thời hạn, lẽ nào tổ chức lại không xem xét, giải quyết?

- Nhưng sự thật đâu phải thế. Tôi cảm thấy việc xin nghỉ hưu sớm của quan chức này cũng như một số quan chức khác trong thời gian gần đây vì “lý do sức khỏe” không thuyết phục được lòng dân. Vì họ xin nghỉ hưu sớm, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội không hẳn vì “lý do sức khỏe”, mà căn nguyên chủ yếu là họ đã bị phanh phui những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng trong thời gian đương chức và chắc chắn sẽ bị cấp trên xử lý kỷ luật.  

- Nhìn ở một khía cạnh nào đó, những quan chức khi biết mình đã “nhúng chàm” chí ít cũng còn chút tự trọng nên đã chủ động viết đơn xin rời nhiệm sở trước tuổi. Họ đã phần nào chấp hành đúng Quy định: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.

- Nhưng nghiêm khắc mà nói, khi các quan chức nêu trên làm đơn xin nghỉ hưu sớm hay xin thôi làm nhiệm vụ cao quý của người đại biểu nhân dân vì “lý do sức khỏe”, dư luận vừa cảm thấy lý do họ đưa ra… lãng xẹt, vừa không khỏi buồn lòng vì một bộ phận quan chức thời nay không đủ dũng khí để đối diện với những sai phạm, khuyết điểm của chính mình.

- Người xưa đúc kết “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. “Có chí” nghĩa là có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng, thái độ cương quyết, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, không nề hà gian khổ, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ phức tạp, nặng nề mà người bình thường khó đảm đương nổi. Cái “chí” ở đây còn được hiểu là tinh thần khảng khái, dũng khí dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

- Dân gian còn có câu “Miệng nhà quan có gang có thép”. Khi đứng trên đỉnh cao quyền lực, danh vọng, không ít quan chức miệng hét “ra lửa” khiến nhân viên cấp dưới và người dân phải rát mặt nể sợ. Nhưng đáng buồn thay, thời gian qua một bộ phận quan chức tuy dám nói - mà toàn nói hay, diễn thuyết giỏi trước đám đông, và dám làm - mà lại làm những việc thiếu minh bạch, sai đạo lý, trái pháp luật, để rồi khi cái sai đã rành rành như “hai năm rõ mười”, thế mà vẫn tìm cách uốn éo, lươn lẹo để chối bỏ trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể, thậm chí đổ lỗi cho cả… cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ, hoàn thiện!

- Chả nói đâu xa, tự thân cái việc viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, xin rời nhiệm sở trước thời hạn vì “lý do sức khỏe” đã phần nào bộc lộ rõ “chân tướng” của những người trong cuộc. Nếu đủ dũng khí viết đơn từ nhiệm, sao không nêu rõ lý do là bản thân không còn đủ tư cách, uy tín để xứng đáng với vị trí đảm nhiệm, mà lại đưa ra cái gọi là “vì lý do sức khỏe”?

- Xét về mặt tâm lý, khi ai đó cảm thấy mình không còn xứng đáng với trọng trách được giao thì tự nguyện xin rút lui để trao, nhường vị trí cho người xứng đáng hơn mình cũng là điều dễ cảm thông, chia sẻ. Biết từ chức đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực là góp phần làm cho từ chức dần trở thành một điều bình thường, hiển nhiên trong bộ máy công quyền.

- Nhưng xin từ chức mà lại thiếu dũng khí chân chính, thiếu tâm thế đàng hoàng của người cán bộ lãnh đạo - với tư cách từng là đại diện hình ảnh của một cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và từng được “quan trên nhắm xuống, người ta trông vào” - thì lại là biểu hiện chưa chuẩn mực của văn hóa từ chức. /.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất