Chủ Nhật, 19/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 1/3/2015 9:58'(GMT+7)

Đứng trước biển hay Đi ra biển?

Truyền thống văn hóa biển cận duyên

- Thưa giáo sư, theo nhiều ý kiến, cho đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang có những quan điểm khác nhau về truyền thống văn hóa biển Việt Nam?

- Cách đây khoảng hai chục năm, có một chương trình nghiên cứu văn hóa biển và người ta đã tranh luận với nhau khá gay gắt về vấn đề Việt Nam có truyền thống văn hóa biển hay không?

Một số nhà khoa học căn cứ vào các cứ liệu truyền thống về dấu vết văn hóa biển thể hiện trong các di chỉ khảo cổ, các hình vẽ thuyền trên trống đồng Đông Sơn, đội hải quân Đàng trong, đặc biệt là hải quân Tây Sơn... đã khẳng định mạnh mẽ cái gọi là truyền thống biển của người Việt.

Cũng khá đông người căn cứ vào tính chất nông nghiệp, vào chính sách trọng nông của nhà nước phong kiến Đại Việt cũng như sự mờ nhạt các yếu tố văn hóa biển trong văn hóa người Việt... đã phủ nhận cái gọi là truyền thống biển Việt Nam này, cho rằng, người Việt "đứng trước biển hơn là đi ra biển".

Xét về thực chất, hai quan điểm trên đều có phần hợp lý. Song theo tôi, trước khi tranh luận cóhaykhông,cần xác định biển là như thế nào đã...

- Và ông chính là người đầu tiên đưa ra một hướng tiếp cận mới về văn hóa biển?

- Biển nói chung và văn hóa biển không phải là một thực thể đơn nhất và đồng nhất, mà có nhiều dạng văn hóa biển gắn với các dạng môi trường biển khác nhau, như biển đại dương gắn với trình độ đánh bắt hải sản xa bờ, quy mô lớn với các hình thức buôn bán trên biển, kể cả cướp biển. Còn các hình thức khai thác biển gần bờ, gần đảo thì lại là một truyền thống biển khác.

Tôi đã đưa ra một quan niệm Biển cận duyên, và khẳng định: Người Việt có truyền thồng văn hóa biển cận duyên. Đây là một khái niệm mới, xét về phương diện cảnh quan địa lý thì "biển cận duyên" là vùng biển và đất liền chạy dọc bờ biển, ở đó có sự đan kết về các yếu tố địa lý môi trường và phương thức khai thác của cư dân. Ở đó có sự kết hợp của hai truyền thống đánh bắt và trồng trọt. Tính lưỡng nguyên đó tạo nên nét đặc trưng lớn nhất của văn hóa biển ở Việt Nam.

- Trên cơ sở của khái niệm này, ông có thể làm rõ những đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa biển Việt Nam?

- Trong nghiên cứu, nhận diện văn hóa biển, tôi chú ý mấy khía cạnh tổ chức xã hội biển, tri thức về biển và tín ngưỡng thờ cúng. Đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa biển cận duyên là sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt hải sản. Nói cách khác, việc khai thác thủy hải sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, nó đáp ứng nhu cầu tự cấp tự túc mang tính địa phương của người nông dân. Hệ thống thuyền bè của ngư dân Việt đều nhỏ, và ngay chính họ cũng không phải là những ngư dân thuần túy, mà là những người nông dân ra biển để đánh bắt cá mang về đất liền phục vụ cho đời sống tự cấp tự túc. Điều đó giải thích vì sao với trên 2.000 km bờ biển, nhiều thời kỳ Việt Nam vẫn thiếu cá tôm, thiếu muối ăn, vẫn không giàu lên được nhờ biển bạc, rừng vàng. Về góc độ văn hóa, đó là tâm thế "đứng trước biển", chưa thật sự hòa nhập vào biển và khai thác biển.

Xác lập một tâm thế biển mới

- Ông vừa nhắc đến sự thay đổi. Ở thời điểm hiện tại, văn hóa biển Việt Nam được nhận diện như thế nào?

- Từ khi tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là khi có công nghiệp khai thác dầu khí, thì chúng ta đã bước từ văn hóa biển cận duyên sang phạm trù công nghiệp hóa biển, gắn với biển đại dương. Hiện tại, đòi hỏi của thời đại là chúng ta phải vươn ra biển, nhưng văn hóa thì vẫn chưa theo kịp, gây nên nhiều hệ lụy.

- Ông có thể nói rõ hơn?

- Để tạo nên một cuộc cách mạng về nền công nghiệp biển, chúng ta còn đang thiếu những gì? Đó là vốn, thiết bị, kỹ thuật... Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, chúng ta thiếu hụt hẳn một truyền thống văn hóa biển đại dương, với những tri thức, ứng xử, con người và tâm thế. Mà để có một tâm thế, một tri thức, một văn hóa thì phải mất hàng thế hệ. Điều đáng tiếc là vừa qua chúng ta chỉ chú ý đến vốn và kỹ thuật, mà chưa chú ý đúng mức tới việc bồi bổ và hình thành một nền văn hóa biển Việt Nam thật sự. Bài học về chương trình đánh bắt xa bờ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước coi như đổ xuống sông, xuống biển không phải vì chúng ta thiếu tiền, thiếu kỹ thuật, mà là vì chúng ta thiếu con người có tri thức biển, tâm thế biển. Chỉ một việc tưởng như nhỏ thôi, lâu nay ngư dân chúng ta chỉ có kinh nghiệm về thời tiết khí tượng biển cận duyên, thiếu tri thức khí tượng biển đại dương, Biển Đông tuy giàu có, nhưng là biển bão, trong khi phương tiện liên lạc lại thiếu thốn, nên nhiều thuyền bè của ngư dân vẫn bị chôn vùi dưới biển mỗi mùa bão nổi.

- Không dễ để từ bỏ một truyền thống, và bắt đầu một truyền thống mới, thưa ông?

- Phải bắt đầu từ đào tạo. Có thể vừa làm, vừa học, nhưng phải làm, nếu không thì sẽ trả giá quá lớn. Phải đào tạo những con người của biển thật sự, với đầy đủ kiến thức biển đại dương, để có thể tung hoành trên biển.

Ngày trước, khi chúng ta tiến hành chương trình khai thác rừng, đã có những nghiên cứu tôi có tham gia, nghiên cứu sâu về tổ chức xã hội rừng.

Đấy, phải đi một cách bài bản như thế, đi từ gốc. Phải tìm hiểu rõ xem con người khai thác rừng, thì xã hội phải tổ chức như thế nào, cần những cái gì... để từ đó có chương trình trang bị kiến thức cho những người sẽ tham gia khai thác rừng. Như thế, rừng mới mang lại nguồn lợi lớn.

Với biển, chúng ta cũng cần phải làm như vậy. Lâu nay, cũng có những nghiên cứu về biển, nhưng lặt vặt, không thành hệ thống, ai thích thì làm chứ không có sự tập trung tiềm lực. Tôi đề nghị thành lập viện nghiên cứu về biển, phải tiến hành nghiên cứu sâu về biển, về tất cả các phương diện tự nhiên, xã hội... Trên cơ sở đó, Nhà nước mới đưa ra được chiến lược, mà tôi gọi là công nghiệp hóa biển.

- Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của Giáo sư trong ngày đầu năm mới, và xin chúc ông sẽ có thêm nhiều đóng góp giá trị cho văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa biển nói riêng.

Ngô Phương Thảo thực hiện - Nguồn: Nhân Dân



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất