Thứ Bảy, 7/12/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Ba, 17/5/2022 11:19'(GMT+7)

Đường sắt Bắc - Nam được đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để nâng cấp

Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 854 tỷ đồng, qua địa phận các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm (giai đoạn 2022-2025). Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh có địa điểm xây dựng qua địa phận các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Phạm vi thực hiện dự án thuộc khu đoạn đường sắt Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km000+000), điểm cuối tại ga Vinh (Km319+202), với tổng chiều dài khoảng 319 km. Tuy nhiên, phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Quyết định ngày 17/12/2018 của Bộ Giao thông vận tải, sử dụng vốn trung hạn 2016-2020 (thuộc gói 7.000 tỷ đồng).

Về quy mô đầu tư dự án, thực hiện cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn; một số hạng mục công trình bảo đảm khai thác đồng bộ (cống thoát nước …); xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Về công trình cầu, dự án này sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu; công trình tuyến: Cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 8 đoạn, chiều dài khoảng 24 km. Cùng với đó, xây dựng cầu đường bộ trên Quốc lộ 45 vượt đường sắt tại vị trí đường ngang tại km187+950 để xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Riêng phần thông tin, tín hiệu, trên nền tảng hệ thống thông tin, tín hiệu đang khai thác trên tuyến, sẽ tiến hành cải tạo đồng bộ hệ thống thông tin, tín hiệu phù hợp với phương án cải tạo của các công trình: tuyến, cầu đường sắt, cầu đường bộ trong dự án.

Trong khi đó, dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang có điểm đầu tại ga Vinh, điểm cuối tại ga Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 996 km. Phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục thuộc dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2877/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2018 của Bộ Giao thông vận tải, sử dụng vốn trung hạn 2016 - 2020 (thuộc gói 7.000 tỷ đồng).

Theo đó, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp 15 cầu yếu; nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 6 đoạn, tổng chiều dài hơn 57 km; sửa chữa nền đường yếu 2 đoạn, chiều dài khoảng 2,9 km. Cùng với đó, sẽ sửa chữa, cải tạo 4 ga hành khách gồm Đồng Lê, Đông Hà, Huế, Nha Trang; 4 ga hàng hóa gồm Hương Phố, Kim Liên, Quảng Ngãi, Diêu Trì.

Trên nền tảng hệ thống thông tin, tín hiệu đang khai thác, dự án sẽ tiến hành cải tạo đồng bộ hệ thống thông tin, tín hiệu phù hợp với phương án cải tạo của các công trình.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án này có giá trị tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Công nhân Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa (Phú Yên) gạt bỏ lớp đá ba lát cũ thay lớp đá mới trên đường sắt. Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Phạm vi thực hiện dự án thuộc khu đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, có điểm đầu tại ga Nha Trang (Km1314+930), điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km1726+200) với tổng chiều dài khoảng 411 km.

Phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2878/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2018 của Bộ Giao thông vận tải, sử dụng vốn trung hạn 2016-2020 (thuộc gói 7.000 tỷ đồng).

Về quy mô đầu tư, dự án thực hiện cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước…); cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách và hàng hóa.

Cụ thể, về công trình cầu: Cải tạo, nâng cấp 5 cầu yếu. Công trình tuyến: Cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 9 đoạn, tổng chiều dài hơn 87 km.

Cùng với đó sửa chữa, cải tạo ga Sóng Thần (ga hàng); Xây dựng mới, kết hợp cải tạo đường ga và công trình đồng bộ của ga Dĩ An. Tận dụng vật tư thay ra từ chính tuyến để cải tạo, sửa chữa đường ga, ghi, kiến trúc tầng trên một số ga trong phạm vi các khu gian cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên./.

Thành Hiếu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất