Thứ Tư, 11/9/2024
Thế giới
Thứ Tư, 10/8/2022 14:38'(GMT+7)

Giá trị địa - chiến lược của Tiểu vùng sông Mekong

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Triển lãm ảnh thành tựu Mê Kông - Lan Thương bên lề Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ hai, với chủ đề “Dòng sông hoà bình và phát triển bền vững của chúng ta” tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Triển lãm ảnh thành tựu Mê Kông - Lan Thương bên lề Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ hai, với chủ đề “Dòng sông hoà bình và phát triển bền vững của chúng ta” tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

GIÁ TRỊ ĐỊA - CHIẾN LƯỢC CỦA TIỂU VÙNG SÔNG MEKONG

Khái niệm địa - chiến lược (geostrategics) được hình thành và sử dụng khá sớm, phổ biến ở cả phương Tây và phương Đông nhằm phản ánh những luận thuyết liên quan đến quân sự và chiến tranh từ thời xa xưa. Song thuật ngữ “địa - chiến lược” bắt đầu được sử dụng từ năm 1942 trong bài báo “Cùng tìm hiểu về địa chính trị” của Lewis Schuman - nhà sử học và nhà nghiên cứu chính trị quốc tế người Mỹ(1). Tuy đã có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm, nhưng cho tới nay, vẫn chưa có một định nghĩa mang tính thống nhất về “địa - chiến lược”, bởi đây là một đối tượng nghiên cứu rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đan xen cũng như dựa trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn khác nhau, như giá trị chiến lược của các nhân tố địa lý, các yếu tố về bối cảnh, thời cơ quốc tế, lợi ích, mục tiêu kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng và chính sách đối ngoại của quốc gia - dân tộc… Những yếu tố này chính là cơ sở quan trọng để xác định và xây dựng chiến lược, kế hoạch cho một không gian an ninh, hội nhập và phát triển của một quốc gia(2).

Là một quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam có nhiều lợi thế về địa - chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, tận dụng được những lợi thế sẵn có này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực trong tương lai. Do vậy, cần có một cái nhìn tổng quát về giá trị địa - chiến lược của Tiểu vùng sông Mekong, dựa trên các yếu tố cấu thành cơ bản là giá trị địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - an ninh.

Thứ nhất, giá trị địa - chính trị.

Tiểu vùng sông Mekong với địa thế là bản lề giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ; kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển, với những nền kinh tế năng động và nhu cầu cao về đầu tư, thương mại, phát triển kết cấu hạ tầng. Tiểu vùng sông Mekong là “giao điểm” của một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, kết nối lục địa châu Á với châu Đại Dương theo hướng bắc - nam; Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương theo hướng đông - tây. Vì vậy, Tiểu vùng sông Mekong luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tương quan lực lượng của thế giới và vị trí quan trọng trong chiến lược, chính sách đối ngoại của các cường quốc.

Các nước thuộc Tiểu vùng không chỉ chia sẻ chung dòng sông Mekong mà còn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và lịch sử. Đây chính là nền tảng, cơ sở hình thành một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước ở Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong Tiểu vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế ở giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai. Dưới góc độ văn hóa, xã hội, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong chủ yếu chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là Trung Hoa và Ấn Độ. Do nền tảng văn hóa của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mang những giá trị chung, có nhiều nét tương đồng nên quá trình thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa luôn được duy trì mặc dù mỗi nước vẫn có những bản sắc riêng. Quá trình này giúp tăng cường đối thoại, giao lưu và hợp tác giữa các nền văn hóa, góp phần xây dựng Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng sông Mekong nói riêng trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nhà nghiên cứu chiến lược nổi tiếng người Mỹ Alfred Thayer Mahan (1840 - 1914) đã đánh giá cao về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực được coi là “cầu nối” của Tiểu vùng sông Mekong, khi cho rằng “trái với ý kiến cho rằng Heartland (vùng đất trung tâm lục địa Á - Âu) giữ vai trò xoay trục địa lý của các đế chế, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mới là những bản lề của địa - chính trị thế giới. Bởi vì các đại dương này có thể cho phép một quốc gia chuyển dịch lực lượng của mình từ nơi này tới khu vực xung quanh Rimland (vùng biên) của Á - Âu để gây ảnh hưởng lên sự phát triển địa - chính trị trong nội địa, sâu vào tận Trung Á”(3). Chính vì vậy, có thể nói rằng, bất kỳ một cường quốc nào muốn chi phối, tạo sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trước hết phải “kiểm soát” được Đông Nam Á nói chung hay Tiểu vùng sông Mekong nói riêng.

Thứ hai, giá trị địa - kinh tế.              

Với dân số khoảng 334 triệu người, trong đó 40% dân số thuộc độ tuổi dưới 25, Tiểu vùng sông Mekong được xem là một thị trường tiềm năng. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự mở rộng của các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ đang đưa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đến gần hơn với trung tâm của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu(4). Tiểu vùng sông Mekong có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ tài nguyên khoáng sản đến năng lượng… Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800km - dài nhất khu vực Đông Nam Á - là con sông đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân sinh sống quanh khu vực lưu vực sông, nhất là nguồn lợi về thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy. Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Theo ước tính, ngư trường ở khu vực hạ lưu sông Mekong đem lại giá trị kinh tế khoảng 17 tỷ USD/năm.

Thu hoạch cá tra xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN)

Từ thế kỷ VII, eo biển Malacca đã vươn lên trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á, nắm giữ vị trí trọng yếu trong hệ thống thương mại Đông - Tây. Hằng năm, khoảng 1/3 số lượng hàng vận chuyển trên toàn thế giới đi qua eo biển này. Mỗi ngày, có hơn 10 triệu thùng dầu thô chở từ Trung Đông đi qua eo biển Malacca tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ước tính có khoảng 70% - 80% sản lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc đi qua tuyến đường này. Bên cạnh đó, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều xuất khẩu các sản phẩm dệt may, quần áo, đồ điện tử, ô tô và thực phẩm... qua eo biển Malacca. Do vậy, các cường quốc trên thế giới đều đặc biệt coi trọng giá trị địa - kinh tế của Tiểu vùng sông Mekong, cũng như vị trí chiến lược của eo biển này.

Ngoài ra, Biển Đông là trọng điểm chiến lược, không gian phát triển và an ninh, chiếm vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực. Biển Đông nằm ở tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, đóng vai trò quan trọng trong thương mại đường biển toàn cầu. Hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông mỗi năm với giá trị ước tính khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 sản lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được trung chuyển qua Biển Đông. Biển Đông còn là một trong những trung tâm đa dạng sinh học biển hàng đầu thế giới. Theo thống kê của các tổ chức môi trường thế giới, Biển Đông tập trung 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của châu Á. Biển Đông chiếm tới 20% tổng diện tích rạn san hô của Đông Nam Á và chiếm 34% tổng diện tích rạn san hô của thế giới. Về nguồn lợi hải sản, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Biển Đông đứng thứ 4 trong số 19 khu vực có sản lượng đánh bắt cá hằng năm cao nhất thế giới.

Bước sang thế kỷ XXI, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, liên kết hóa và đổi mới kinh tế, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đã đạt được nhiều thành tựu phát triển và trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, không chỉ là các dự án đầu tư mang hướng xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là các dự án mang tính chất thay thế nhập khẩu, nhằm khai thác tại chính các thị trường đầy tiềm năng ở những nước này.

Thứ ba, giá trị địa - an ninh.

Có thể nói, khu vực Đông Nam Á nói chung và Tiểu vùng sông Mekong nói riêng chính là “vùng đệm” quan trọng để các nước lớn thiết lập ảnh hưởng và triển khai chiến lược của mình tại khu vực. Khu vực Đông Nam Á “lục địa” (AM-5) gồm các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đều mang những giá trị, lợi ích chiến lược riêng mà hầu hết các nước lớn đều đặc biệt quan tâm. Đông Nam Á “lục địa” lại là địa bàn “tiền tiêu” của Đông Nam Á, có giá trị địa - chiến lược nối liền Đông và Tây, chi phối cục diện chung toàn khu vực. Tùy vào mục tiêu chiến lược của mỗi nước trong từng thời kỳ cụ thể mà các cường quốc có những ưu tiên khác nhau trong chính sách đối với từng nước thuộc Tiểu vùng.

MỘT SỐ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIÁ TRỊ ĐỊA - CHIẾN LƯỢC CỦA TIỂU VÙNG

Hiện Tiểu vùng sông Mekong đang chịu nhiều tác động đan xen giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị địa - chiến lược của khu vực.

Một là, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đây là những yếu tố khách quan mà Tiểu vùng đang phải đối diện. Tình trạng hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng cao cũng là những mối đe dọa trực tiếp tới vấn đề an ninh nguồn nước và an ninh lương thực của các quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Theo dự báo của Trung tâm quản lý Môi trường quốc tế (ICEM), vào cuối thế kỷ XXI, mực nước biển ở khu vực sẽ tăng từ 60cm - 100cm và thời gian hạn hán kéo dài trong năm có thể tăng từ 10% - 100%. Đến năm 2100, mực nước biển dâng cao sẽ làm mất đi 70% diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long và khiến 5 triệu người phải tìm nơi khác để sinh sống(5). Nguy cơ này đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo đảm an ninh của Việt Nam, khi cả Tiểu vùng đang cùng chịu tác động kép của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới cả các công trình đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh ở Tiểu vùng ngày càng phụ thuộc vào xu hướng sử dụng, khai thác nguồn nước sông Mekong ở mỗi quốc gia.

Hai là, sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch COVID-19 cho thấy rõ mức độ nguy hiểm và tác động nghiêm trọng  từ những thách thức an ninh phi truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Đó là những thách thức không mang tính quy luật, khó dự báo và thậm chí ngoài khả năng chống đỡ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong, cũng đứng trước nguy cơ xuất hiện những dịch bệnh lớn tương tự đại dịch COVID-19. Cho đến nay, về cơ bản có thể nhận định, một số nước ASEAN đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 nhưng những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội, kéo theo nguy cơ gia tăng xung đột xã hội và bất ổn chính trị do đại dịch gây ra vẫn chưa thể đánh giá được hết. Điều này cũng làm gia tăng sự chênh lệch giữa các nước ASEAN “lục địa” và các nước ASEAN “biển đảo”, giữa các nước đang phát triển và chậm phát triển hơn, giữa các nước theo các mô hình chính trị, văn hóa - xã hội khác nhau ở Đông Nam Á(6). Hơn nữa, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cùng các xu thế chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân túy, các hoạt động tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, một số nước ở Tiểu vùng sông Mekong dường như đã thay đổi chính sách, ưu tiên lợi ích quốc gia và có tầm nhìn ngắn hạn hơn, điều này sẽ tác động không nhỏ tới hợp tác trong Tiểu vùng nói riêng và lợi ích của cả Tiểu vùng nói chung.

Ba là, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực. Từ trước đến nay, khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN “biển đảo” với các nước ASEAN “lục địa” vẫn rất lớn. Các nước ASEAN “lục địa” chủ yếu là các quốc gia nhỏ, có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài nên nguy cơ bị tổn thương trong các hoạt động hợp tác, đầu tư cũng tương đối cao. Đặc biệt, các nước ở Tiểu vùng sông Mekong luôn phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy” của các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nguyên liệu; trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và công nghệ lạc hậu với nhiều hệ lụy về an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực… Sự khác biệt về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế vốn là đặc thù của ASEAN nói chung, nên không thể dễ dàng thay đổi trong tương lai gần. Trong giai đoạn trước mắt, sự khác biệt này sẽ dẫn đến những khác biệt về cách nhìn nhận và khác biệt trong cách thức theo đuổi lợi ích quốc gia giữa các thành viên, điều này sẽ dẫn đến các nước trong Tiểu vùng sẽ có các mức độ cam kết khác nhau về khả năng ứng phó với các nguy cơ, thách thức an ninh ở khu vực.

Bốn là, sự khác biệt về lợi ích, sự tương tác và tác động đa chiều ở những mức độ khác nhau đến từ các cường quốc trên nhiều vấn đề của khu vực sẽ gây ra những khó khăn cho việc định hình một quan điểm chung, thống nhất giữa các nước trong Tiểu vùng. Thời gian gần đây, trước những chuyển dịch địa - kinh tế, địa - chính trị và địa - an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đang phần nào khiến các nước ASEAN, nhất là các nước ASEAN “lục địa” đứng trước những quyết định khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi cho riêng mình. Đặc biệt, trong giải quyết vấn đề an ninh khu vực, các nước ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn bởi sự chia rẽ quan điểm nội khối do nguyên tắc đồng thuận, thống nhất trong đa dạng. Đây được coi là khó khăn lớn nhất đối với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong việc bảo đảm các giá trị địa - chiến lược của khu vực. Sự đối đầu leo thang và những cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang khiến nhiều nước ASEAN, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong phải đứng trước bài toán “chọn bên” hoặc phải tìm cách để cân bằng mối quan hệ. Cùng với đó, Cộng đồng ASEAN tiếp tục đứng trước khó khăn trong thực thi hiệu quả giá trị đồng thuận, thống nhất trong đa dạng và con đường hướng tới sự hội nhập sâu sắc hơn nữa có thể sẽ bị chậm lại.

Năm là, trước tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm buôn bán người nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, trở thành vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các khu vực và quốc gia, trong đó có cả Tiểu vùng. Tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, suy thoái sau đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhanh chóng các hoạt động tội phạm, nhất tội phạm mua bán người. Qua các vụ, việc được phát hiện cho thấy, số lượng tội phạm buôn bán người tại Đông Nam Á, nhất là Tiểu vùng sông Mekong diễn ra khá nghiêm trọng. Số lượng nạn nhân bị mua bán tại khu vực này chiếm tỷ lệ trung bình là 3/1.000 người, trong khi thế giới chỉ là 1,8/1.000 người. Có tới 1/3 nạn nhân trên thế giới là phụ nữ và trẻ em đến từ các nước Đông Nam Á. Đây chính là một vấn nạn tác động mạnh mẽ tới an ninh chung toàn khu vực, ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị địa - chiến lược của Tiểu vùng.

Sáu là, những năm gần đây, trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề của tội phạm sản xuất, mua bán và vận chuyển bất hợp pháp chất ma túy. Những số liệu về các vụ bắt giữ, tình trạng sử dụng chất cấm đều cho thấy, thị trường ma túy tổng hợp tại Đông Nam Á đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng liên khu vực. Các băng, nhóm tội phạm có tổ chức đang tham gia ngày càng sâu vào các hoạt động điều chế, vận chuyển ma túy tổng hợp cùng các chất ma túy khác trong mạng lưới toàn cầu, lấy khu Tam giác Vàng làm trung tâm.

Lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia - dân tộc là quá trình xác lập một cách tương đối ổn định về lãnh thổ, địa lý, cùng các mặt của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối nội - đối ngoại…; những lĩnh vực này đều sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Hiểu được những lợi thế, giá trị địa - chiến lược cũng như những thách thức đối với giá trị địa - chiến lược đó sẽ góp phần xây dựng tốt chiến lược, kế hoạch cho một không gian an ninh, hội nhập và phát triển của các nước Tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam./.

TS. Bùi Thanh Tuấn
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an

__________________

(1) Frederick Lewis Schuman: Let us learn our geopolitics (Tạm dịch: “Cùng tìm hiểu về địa - chính trị”), Current History, No. 2, 1941, tr.161-165.

(2) Trần Khánh: Bàn về phạm trù và định nghĩa về địa chiến lược, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 4 (119), tháng 12/2019, tr.199-224.

(3) Robert D. Kaplan: Sự minh định của địa lý, Đào Đình Bắc dịch, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017, tr.163.

(4) East - West Center: The Mekong Matters for America (Tạm dịch: “Các vấn đề của sông Mekong đối với Mỹ”), https//www.jstor.org/stable/resrep25016, ngày 1/1/2020.

(5) International Centre for Environmental Management: Mekong Delta Climate Change Forum 2009 (Tạm dịch: “Diễn đàn Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long 2009”), tháng 11/2009.

(6) Marty Natalegawa: Does ASEAN Matter? A View from Within (Tạm dịch: “ASEAN có quan trọng không? Một cái nhìn từ bên trong”), ISEAS - Yusof Ishak Institute, 2018, tr.148.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất