Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 25/4/2022 9:5'(GMT+7)

Giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo rà soát của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, nếu tính theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao thì toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 16.000 giáo viên. Nếu tính theo định mức và thực tế của tỉnh thì Thanh Hóa thiếu khoảng 9.000 giáo viên ở cả 3 cấp học.

Tình trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên không chỉ diễn ra tại Thanh Hóa. Theo báo cáo mới đây của Bộ GD&ĐT tại phiên giải trình Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, toàn ngành giáo dục hiện thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT). Cũng tại phiên giải trình, Bộ Nội vụ đã đề xuất bổ sung 27.850 biên chế cho viên chức giáo dục, trong đó ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị trong năm học 2022-2023. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do số học sinh có xu hướng tăng nhanh, kết hợp với tác động trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến hai năm qua, nhiều cơ sở giáo dục tư thục đóng cửa, đặc biệt là khối mầm non. Vì vậy, một số giáo viên không thể chờ đợi để quay lại trường, buộc phải tìm nghề khác. Tại một số địa phương, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều giáo viên bị cắt giảm các khoản phụ cấp vùng đặc biệt, khó khăn khiến họ không thể theo nghề.

Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bổ sung những môn học mới vào chương trình tiểu học, hay quy định học sinh tiểu học học hai buổi trong ngày dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên của địa phương ngày càng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng trên, các trường học tại nhiều địa phương đề ra các giải pháp trước mắt như: Giảm số lớp, tăng sĩ số học sinh mỗi lớp, tổ chức để thầy cô dạy tăng giờ... Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Để giải quyết căn cơ, bài bản tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, rất cần sự chung tay của cả xã hội để tìm một nhóm giải pháp tổng thể, từ công tác dự báo, đánh giá đến chiến lược lâu dài, xem xét nhiều góc độ từ Trung ương đến từng địa phương và các bộ, ngành có liên quan. 

Trước hết, ngành giáo dục phải quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; các địa phương theo phân cấp cần chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học; tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hệ thống bài giảng điện tử, nhất là đối với các môn học đặc thù như Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật...; đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có điều kiện...

Từ đó rà soát, sửa đổi định mức giáo viên/lớp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời phải có cơ chế, hướng dẫn việc thực hiện xã hội hóa buổi học thứ hai trong ngày với cấp tiểu học, để các địa phương kịp thời triển khai thực hiện... 

Đối với ngành nội vụ cần tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách, quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, quản lý, biên chế, trong đó có biên chế của ngành giáo dục, giúp các địa phương có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục bảo đảm giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng; các địa phương phải có cơ chế để trả lương cho giáo viên hợp đồng...

Cùng với đó, các địa phương phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tổ chức tốt việc bố trí, điều động, phân công giáo viên bảo đảm sát với nhu cầu thực tế của từng trường tránh dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục, đồng thời các địa phương phải có cơ chế để trả lương cho giáo viên hợp đồng... Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học./.

Hoàng Khánh Trình (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất