Thứ Sáu, 17/5/2024
Xã hội
Thứ Năm, 24/12/2020 15:30'(GMT+7)

Giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

Học viên học nghề may tại trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ.

Học viên học nghề may tại trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn xác định: “Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm hài hòa giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách  bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn… Hình thành Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm hằng năm đào tạo khoảng một triệu lao động nông thôn; phấn đấu đến năm 2020 lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%”(1).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nêu mục tiêu: “Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay”(2); “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn. Tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo cho bộ phận con em nông dân đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ và chuyển nghề; bộ phận nông dân còn tiếp tục sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kiến thức và kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở”(3).

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn”(4).

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, trong những năm qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai khá đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án được ban hành kịp thời, giúp địa phương và cơ sở thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động xây dựng và ban hành chương trình thực hiện của địa phương, triển khai thực hiện Đề án sâu sát, cụ thể đến tận cơ sở. Nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động đã được hình thành. Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được kết quả tích cực. Hầu hết cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong cả nước đã nhận thức được tầm quan trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, trong thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Đề án 1956 vẫn tồn tại khó khăn, bất cập từ chính sách đến tổ chức thực hiện ở các địa phương như:

- Trong chỉ đạo điều hành các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương chưa thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về Đề án xây dựng nông thôn mới. Chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu của Đề án đặt ra. Vì vậy, việc điều tra nhu cầu đào tạo việc lựa chọn nghề để xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn tại địa phương, cơ sở dạy nghề chưa phù hợp với thực tiễn nhu cầu và yêu cầu của của người học.

- Đội ngũ giáo viên, cán bộ hướng dẫn còn thiếu (chủ yếu là thuê, ký hợp đồng thời vụ); giáo trình và chương trình đào tạo chưa được cập nhật và đổi mới; phân bố định mức thời gian cho từng nghề chưa sát (ví dụ: có nghề quy định dạy trong ba tháng, tuy nhiên giáo viên lại điều chỉnh dạy trong một tháng; có nghề người học đề nghị dạy trong một tuần thay vì dạy trong một tháng theo quy định…).

- Sự phối hợp giữa các sở, ngành (lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ…) chưa sâu sát, thiếu cụ thể. Nhiều địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa thực sự vào cuộc, trong khi năng lực dạy nghề của ngành lại có lợi thế để phát triển và huy động người học tham gia.

- Một số nghề phi nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khả năng sản xuất của làng nghề truyền thống và khả năng tiêu thụ hàng tiểu thủ công nghiệp của doanh nghiệp trong khi số lao động sau học nghề có việc làm ổn định không cao; việc xây dựng chính sách và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn kết được với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu thị trường hay dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động đã ảnh hưởng đến hiệu quả dạy nghề ở một số nghề phi nông nghiệp.

- Tại một số địa phương việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 1956 còn dựa trên số lượng người học để giải ngân, thiếu căn cứ dự toán trên cơ sở khoa  học và kinh tế để xác định nghề cần đào tạo cho người dân gắn với giải quyết lao động dư thừa và chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động nhằm phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tạo việc làm bền vững cho nông dân.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, các địa phương thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn tại địa phương và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở xác định ngành nghề cần đào tạo cho nông dân.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, phân định rõ chức năng trong quá trình đào tạo, ngành nông nghiệp thực hiện iệc dạy nghề cho lao động sản xuất nông nghiệp, ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện dạy nghề cho lao động phi nông nghiệp; các cơ quan có liên quan cần phối hợp tốt với ngành nông nghiệp, lao động để tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

Thứ ba, xác định mục tiêu của dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp nông dân có nghề, có việc làm, tự tạo việc làm sau khi học nghề, biết làm kinh tế, tăng thu nhập và thoát nghèo. Do đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện tổ chức dạy nghề cho các chủ thể tham gia vào quá  trình tổ chức học nghề (cơ sở dạy nghề và người học và gia đình học viên) để tránh việc tổ chức học nghề mang tính phong trào, hình thức gây lãng phí, không hiệu quả

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc tham gia vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở trung ương. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên, tổng kết và rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ năm,
đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nhấn mạnh tuyên truyền và biểu dương các điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Chú trọng xây dựng chuyên mục. chuyên trang và tuyên truyền trên đài truyền hình trung ương và địa phương./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn

(2), (3) Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(4) Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, “Quyết định Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

Thanh Duy - Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp                       

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất