Thứ Sáu, 11/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 25/10/2019 8:19'(GMT+7)

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên là việc hệ trọng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

ĐỔI MỚI VÌ NGƯỜI HỌC

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới phương pháp dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Đối với giáo dục mầm non, Bộ đã tổ chức biên soạn và thẩm định bộ tài liệu và hướng dẫn tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục mầm non; hướng dẫn bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện nội dung tích hợp.

Đối với giáo dục phổ thông, các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh đã được thể hiện rõ, xuyên suốt trong chương trình giáo dục tổng thể và chương trình cụ thể của từng môn học. Trong đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung và môn Đạo đức, Giáo dục công dân nói riêng theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tích hợp đối với các môn Đạo đức, Tiếng Việt, Âm nhạc, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Công dân, Mĩ thuật và hoạt động ngoài giờ lên lớp, thông qua giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống.

Các nội dung phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là giáo dục đạo đức liêm chính đã được tích hợp, lồng ghép trong các môn học. Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” đã được hướng dẫn triển khai ở tất cả khối lớp (lớp 2 đến lớp 12) trên toàn quốc, bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” dành cho học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở; bộ sách “Thực hành Giáo dục đạo đức” dành cho học sinh tiểu học... Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy học tích hợp liên môn; tổ chức lao động tập thể chăm sóc các khu di tích lịch sử, nghĩa trang; tổ chức chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức “Hoạt động Tuần đầu năm học” cho học sinh; thực hiện tốt việc đưa nội dung giáo dục lịch sử và truyền thống địa phương vào hệ thống giáo dục phổ thông.

Từ năm học 2017 - 2018, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai thực hiện giáo dục tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó chủ yếu là trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

 Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Một số mô hình triển khai hiệu quả như: “Học kỳ quân đội”, “Học làm người có ích”, “Học kỳ trải nghiệm làm chiến sỹ công an”; Hành trình “Vì Biển đảo quê hương”; Hành trình nhân ái; Sống đẹp vì cộng đồng. Tăng cường đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ theo hướng đáp ứng nhu cầu và sở thích của người học, do học sinh, sinh viên chủ động đề xuất ý tưởng, tổ chức điều hành, thực hiện với sự hỗ trợ của nhà trường. Nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống được triển khai như: Giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng được xác định là phương thức giáo dục trọng tâm trong công tác giáo dục của Đoàn; Giáo dục thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, Giáo dục thông qua hoạt động tuyên truyền trên hệ thống báo chí, xuất bản được chú trọng nhằm lan tỏa những hành động, nghĩa cử, giá trị tốt đẹp, những gương điển hình trong xã hội...

Đến năm 2018, 100% học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên được học tập các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 2015 - 2017, có 455.714 đoàn viên được kết nạp Đảng. 72,8% số lượng trường đã ban hành và thực hiện bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. 85% đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

 Đối với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn và phù hợp với từng cấp học, tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho người dạy và người học. Hiện nay, giáo trình các môn học lý luận chính trị đã được đưa vào sử dụng trong các cơ sở giáo dục đại học từ năm học 2019-2020.

Các cơ sở đào tạo đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên bằng nhiều hoạt động phong phú như: xây dựng chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên trang web của trường, tổ chức thi trực tuyến, thi dưới hình thức sân khấu hóa, thi viết về tấm gương tập thể và cá nhân điển hình học tập và làm theo lời Bác... Cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang tên “Ánh sáng soi đường” tiếp tục được các nhà trường tổ chức, lựa chọn đội tuyển tham gia thi cấp toàn quốc. Nhiều cơ sở đào tạo đã tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội như tham gia xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, chăm sóc bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, trẻ mồ côi, khuyết tật... Một số trường đại học như trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Cần Thơ... đã quy định bắt buộc sinh viên phải tham gia 15 ngày công tác xã hội, coi đó như là một tín chỉ phải hoàn thành để tốt nghiệp. Các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với sinh viên còn được các trường triển khai thông qua Tuần Sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên vào đầu năm, đầu khóa học. Thông qua đó, đã hình thành cho các em ý thức sống và làm theo pháp luật, lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhận biết, cảm nhận được cái đẹp, rèn luyện bản lĩnh, sự kiên trì...

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường, vẫn còn một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa cụ thể hóa chú trọng đến công tác này.

Công tác bố trí cán bộ làm nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số trường chưa đảm bảo, còn phân tán, nhiều đầu mối. Một số nơi còn kiêm nhiệm. Do đó, công tác tham mưu, đề xuất triển khai có lúc, có nơi chưa đảm bảo yêu cầu, chưa nắm bắt kịp thời các nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu niên, học sinh.

Việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên qua môi trường mạng Internet gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính; việc phân loại, xử lý thông tin còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet, games online, mạng xã hội nên ngại tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Ở các trường đại học, mô hình lớp học có sĩ số không ổn định do việc áp dụng học chế tín chỉ đào tạo, sinh hoạt chi đoàn theo lớp gặp khó khăn, nhiều sinh viên lơ là sinh hoạt Đoàn.

Tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tại cộng đồng còn chưa rõ nét. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được cụ thể hóa về nội dung và cơ chế thực hiện.

Nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, đẩy mạnh việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục và đào tạo và các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, lãnh đạo và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục về tầm quan trọng, trách nhiệm, lương tâm đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. Đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để phát huy sự chủ động, tích cực của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia với vai trò vừa là đối tượng tuyên truyền vừa là chủ thể tuyên truyền lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.

Tăng cường tuyên truyền về các tấm gương “người tốt, việc tốt”, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền ở khu dân cư về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục. Trong đó, tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chú trọng xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào, chương trình giáo dục của ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn, hội, đội. Rà soát, đổi mới nội dung, hình thức thực hiện các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, hội, đội theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng.

Thứ tư, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên. Hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, nhà giáo, cộng tác viên, cán bộ Đoàn, hội, đội nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Các bộ, ngành chủ động xây dựng tài liệu phù hợp với cơ sở, nhà trường thuộc phạm vi quản lý và tập huấn, hướng dẫn thực hiện.

Thực hiện các giải pháp nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhà giáo; hoàn thiện chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, hội, đội. Tạo cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của học sinh, sinh viên làm cộng tác viên trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục tổ chức vinh danh, khen thưởng cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên có thành tích tiêu biểu trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, hội, đội.

Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng. Cần tổ chức tuyên truyền cho các bậc cha mẹ về quyền, nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em, học sinh, sinh viên; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; văn hóa ứng xử mẫu mực, trách nhiệm nêu gương trong giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong công tác chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo các thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và thanh thiếu niên, nhi đồng ở cộng đồng dân cư./.

TS. Lê Thị Hằng
TS. Phạm Văn Hoằng

Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh (Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam):

Định hướng lối sống bằng gương người tốt, việc tốt

Chuẩn mực xã hội được hiểu là hệ thống các quy tắc và giá trị chung, được hình thành dựa trên sự cam kết và thừa nhận của đa số các nhóm và cộng đồng trong xã hội, có chức năng gắn kết con người và duy trì trật tự xã hội. Chuẩn mực xã hội thông qua các thiết chế pháp luật, văn hóa, môi trường sống xã hội… tác động trực tiếp đời sống nhận thức, tình cảm, hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội, góp phần giám sát, điều chỉnh, xử phạt các hành vi sai lệch xã hội.

Sai lệch xã hội (hay các hành vi lệch chuẩn) là sự đối lập, luôn tồn tại song hành với chuẩn mực xã hội, biểu hiện ở các mức độ, cấp độ khác nhau trong đời sống con người và xã hội. Phần lớn các hành vi sai lệch mang ý nghĩa tiêu cực đối với một xã hội, ở cấp độ nghiêm trọng nó có thể trở thành các hiện tượng tệ nạn xã hội và tội phạm. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sai lệch xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc xã hội hóa cá nhân không đầy đủ là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hành vi sai lệch xã hội.

Những năm gần đây, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, hiện tượng sai lệch xã hội mang tính tiêu cực trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt là tình hình tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật như: sự gia tăng của con số những vụ vi phạm; sự mở rộng phạm vi của các tội danh; sự tăng về mức độ phức tạp, liên quan đến quy mô, tổ chức, hình thức biểu hiện của các tội danh, xu hướng trẻ hóa độ tuổi của những người vi phạm pháp luật… Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng sai lệch khác như bạo lực đường phố, bạo lực học đường, bạo lực giữa các nữ sinh, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân (trường hợp học sinh bắt quỳ, cắt tóc, lột đồ, quay clip đưa lên mạng…)… đang ở mức báo động, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong một thế giới phát triển truyền thông đa chiều và đa phương tiện mạnh mẽ như hiện nay, việc giáo dục, định hướng các chuẩn mực xã hội lành mạnh cho thanh thiếu niên là khá khó khăn. Chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, coi trọng đồng tiền, tự do cá nhân, phương châm hành xử bạo lực và các khuôn mẫu lệch chuẩn khác tác động khá nhiều đến nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của thanh thiếu niên - lứa tuổi đang trong giai đoạn xã hội hóa quan trọng, cần học hỏi, hoàn thiện nhân cách, lối sống để có thể trở thành một công dân tốt cho xã hội.

Trong thời gian tới, chúng ta không chỉ cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể củng cố môi trường xã hội hóa từ gia đình, nhà trường đến môi trường công việc, giao tiếp xã hội lành mạnh, tích cực cho thanh thiếu niên mà rất cần củng cố hệ thống các chuẩn mực xã hội, đặc biệt là việc giáo dục, tuyên truyền nêu gương giá trị, đạo đức xã hội. Thực tế là trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, những tấm gương “người tốt, việc tốt” còn quá ít và chưa được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông để có thể định hướng được lối sống tích cực cho giới trẻ chống lại sự cám dỗ, sa ngã của các hành vi lệch chuẩn./.

 

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh):

Trang bị kỹ năng để giới trẻ miễn nhiễm với thông tin xấu, độc

Việc cấm đoán các bạn trẻ tiếp cận với các nội dung độc, hại trên mạng xã hội là điều rất khó. Với tâm lý của lứa tuổi này, nếu chúng ta càng cấm đoán, càng kiểm soát chặt thì các em càng có xu hướng dễ nảy sinh sự “phản kháng” hoặc tìm cách chống đối. Chính vì vậy, việc trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng để miễn nhiễm với những thông tin xấu trên mạng xã hội và Internet (bao gồm các bài viết, phim ảnh, video clip...) sẽ cần thiết và quan trọng hơn việc đưa ra các biện pháp ngăn cấm.

Những kiến thức và kỹ năng chúng ta có thể trang bị cho các em gồm:

(1) Kỹ năng chặn, lọc, giảm tương tác với những trang mạng xã hội, trang cá nhân thường xuyên đăng tải các thông tin, video clip, hình ảnh, bài viết... mang tính phản động, xuyên tạc, vi phạm thuần phong mĩ tục... (2) Kỹ năng phản hồi, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, bóp méo mang tính tiêu cực. (3) Kỹ năng “Thích và chia sẻ (Like và share)” thông tin trên mạng xã hội và Internet một cách có trách nhiệm, tránh thực hiện hành động này một cách vô thức hay a dua hoặc bị kích động. (4) Thường xuyên chia sẻ về những tấm gương người tốt, việc tốt, việc tử tế... trong xã hội để lan tỏa những giá trị cao đẹp. (5) Khuyến khích các em tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân để tăng cường khả năng chọn lọc và phân loại thông tin đúng - sai, thông tin thật - giả hiện đang tràn lan trên mạng xã hội và Internet. (6) Tăng cường khả năng “tự kiểm soát” của giới trẻ để các em luôn tỉnh táo, bình tĩnh đánh giá thông tin, nhất là những thông tin chưa được xác thực, tránh trường hợp các em bị lôi kéo, kích động, từ đó thực hiện những hành vi mất kiểm soát, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Khi giới trẻ có đủ hiểu biết, lòng tự trọng và tính tự giác của các em sẽ được nâng lên, từ đó khả năng phòng vệ trước những nguy cơ “rủi ro” trên mạng xã hội cũng sẽ mạnh mẽ hơn./.

 

Cô giáo Phạm Thị Mai (Trường THPT Khoa học giáo dục, Hà Nội):

Nắm tâm sinh lý học sinh để tìm biện pháp giáo dục phù hợp

Là giáo viên trung học phổ thông, tôi cho rằng, nếu nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi, tâm sinh lý từng học sinh trong lớp một cách kỹ lưỡng và thấu đáo, thì sẽ tìm ra được cách để giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả.

Dĩ nhiên, các em cần một khung nền chung với những phẩm chất đạo đức, lối sống cơ bản nhưng với mỗi em học sinh, lại mang những đặc điểm khác nhau. Chính vì vậy, giáo viên cần áp dụng các biện pháp khác nhau để việc giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

Với học sinh bướng bỉnh, thích khẳng định cái tôi không thể mang sự áp đặt một phía để trấn áp mà cần “mưa dầm, thấm lâu”, tăng cường trao đổi, tương tác cô trò để cảm hóa. Với những học sinh có hoàn cảnh riêng gia đình đặc biệt, lại cần sự phối hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường trong việc khỏa lấp những khoảng trống, tránh việc để học sinh đó chọn lối sống khép kín, thậm chí tiêu cực. Với những học sinh được cho là “cá biệt”, quay lưng với các biện pháp giáo dục thông thường, giáo viên lại cần phải tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân hiện tượng, tìm ra bản chất để có biện pháp phù hợp. Chưa kể, hiện nay không ít những học sinh có tâm sinh lí bất thường, thiếu ổn định, dễ bị kích động, giáo viên phải có nghệ thuật sư phạm để “khơi trong”, định hướng lại giá trị, vừa là người bạn, vừa là người nâng đỡ tinh thần các em để vững tâm học tập…

Song song với đó, đội ngũ giáo viên vẫn luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; giáo viên phải kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trong theo dõi tâm sinh lý, tư tưởng của học sinh để kịp thời uốn nắn lệch lạc (nếu có) và giúp các em đến với những giá trị sống tốt. Những bài học trong sách giáo khoa vô cùng cần thiết, nhất là những môn khoa học xã hội như Giáo dục Công dân, Văn học… cần lồng ghép với thực tiễn cuộc sống để giáo dục, thuyết phục. Những bài học từ những ứng xử hàng ngày giữa cô - trò, trò - trò, bố mẹ - con cái; bài học về tình người, về đạo đức trong những bài báo hay trên mạng Internet, từ những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật đích thực… cũng sẽ mang lại những giá trị tốt với mỗi học sinh nếu người giáo viên biết tận dụng, và làm chủ trong môi trường giáo dục tương tác./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất