(TG)-Ngày 28/10, tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023.
Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh trong nước.
Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc sở hữu những giá trị văn hóa riêng, độc đáo gắn với các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang qua các thời kỳ luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Qua đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng nhiều hơn và ngày một hoàn thiện. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đã nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 31 di tích và danh thắng xếp hạng cấp tỉnh, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ấn tượng nhất, thực hành hát Then của người Tày, Nùng được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ từng bước được nâng cao. Sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị, trực tiếp góp phần bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được gìn giữ, phát huy, trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, đóng góp vào sự phát triển du lịch của tỉnh. Năm 2023, Hà Giang được tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) trao giải là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.
Hà Giang cũng quan tâm đến việc xóa bỏ các hủ tục, ảnh hưởng đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Thực hiện nghị quyết, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tạo sự chuyển biến trong việc đẩy lùi các hủ tục, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học, ngành chuyên môn và các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trao đổi, thảo luận, làm rõ những những khó khăn, vướng mắc gây cản trở đến sự phát triển văn hóa. Đóng góp các ý tưởng, sáng kiến, hiến kế cho tỉnh Hà Giang những giải pháp, cơ chế chính sách để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những cố gắng, nỗ lực và thành tựu mà tỉnh Hà Giang qua các thế hệ đã đạt được, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang.
Đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị, tỉnh nghiên cứu, ban hành nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang để thống nhất ý chí, hành động, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Giang cần nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Xác định rõ việc xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cơ bản mà Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội 13; được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ và chỉ đạo rất sâu sắc tại hội nghị văn hóa toàn quốc. Trong thời gian tới, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh về đất và người Hà Giang.
Tiếp thu ý kiến của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh, hội nghị văn hóa tỉnh là diễn đàn quan trọng để tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định rõ tâm thế và trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và tham luận tại hội nghị, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và chủ động tham vấn các chuyên gia, cơ quan chuyên môn ở trung ương, tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn, tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thời tham mưu những giải pháp cụ thể để sớm đưa nội dung Hội nghị Văn hóa vào cuộc sống.
Giao Tuyến