Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 23/10/2020 9:2'(GMT+7)

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trưởng ban tuyên giáo là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện

Trao quyết định phân công trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An).

Trao quyết định phân công trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An).

TỪ CHỦ TRƯƠNG ĐẾN HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 208-QĐ/TW ngày 8/11/2019 về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện” (Quy định 208). Quy định này thay thế cho Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư khóa X về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.

Theo Quy định 208, trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm, một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 - 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Từ chủ trương của Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy trên cả nước đã tham mưu cho Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Hơn 1 năm qua, các huyện, thành, thị ủy đã hoàn thành việc thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện. Chủ trương này nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương, cũng như sự đánh giá cao về tính hiệu quả trong thực tiễn, nâng cao vai trò cấp ủy đối với công tác bồi dưỡng lý luận chính trị ở cơ sở.

Việc thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện đã tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Việc phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị thuận lợi hơn, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy được phát huy.

Trên cơ sở quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo và trung tâm chính trị, các huyện, thành, thị đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của ban tuyên giáo và trung tâm chính trị cấp huyện, xây dựng vị trí việc làm cho từng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường công tác; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện đảm bảo yêu cầu, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW và Quy định 208; bước đầu mang lại hiệu quả, giảm khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Chủ trương này đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện, thành, thị.

Hiện nay, đồng chí trưởng ban tuyên giáo đều là Ủy viên Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy nên các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị lĩnh hội và triển khai, không phải qua khâu trung gian như trước đây.

Từ đó, cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm chính trị cấp huyện. Việc rà soát giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ của trung tâm thuận lợi hơn. Việc phân bổ, giao nhiệm vụ cho giảng viên kiêm chức cũng ngày càng thuận lợi. Giảng viên được phân công công việc cụ thể hơn, sát với năng lực, sở trường của từng người, giúp mỗi giảng viên thấy được trách nhiệm của mình trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi kiến thức về lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Công tác đôn đốc, kiểm tra quá trình soạn giảng và lên lớp của giảng viên được thường xuyên hơn. Hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện là cơ sở để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở cơ sở trong tình hình mới.

NHIỀU VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện chủ trương này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Việc thực hiện Quy định 208-QĐ/TW của trung tâm chính trị cấp huyện đến nay sau gần 1 năm thực hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn này, các trung tâm chính trị cấp huyện tiếp tục thực hiện tổ chức kế hoạch, chương trình đào tạo và tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp mình. Hiện nay, một số tỉnh đã sáp nhập ban tuyên giáo với trung tâm chính trị cấp huyện.

Theo Quy định 208, trung tâm chính trị cấp huyện giảm biên chế nhưng nhiệm vụ lại tăng lên. Trung tâm được bổ sung thêm 2 nhiệm vụ là: Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; thứ hai, tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của cấp ủy và phục vụ giảng dạy, học tập. Sự mâu thuẫn giữa việc tinh giản biên chế và yêu cầu công việc tăng lên dẫn đến thực tế, có lúc, có nơi, công việc chưa hoàn thành theo đúng tiến độ, chất lượng công việc bị giảm sút.

Số lượng giảng viên chuyên trách tại trung tâm giảm, dẫn tới việc chủ yếu phải sử dụng giảng viên kiêm chức. Trong khi đó, công tác bố trí, sử dụng, quản lý và chế độ cho đội ngũ giảng viên còn hạn chế. Một số giảng viên kiêm chức chưa qua chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định; một số giảng viên kỹ năng giáo dục lý luận chính trị, phương pháp giảng dạy còn nặng về phương pháp thuyết trình, trao đổi, thảo luận chưa nhiều…  Những giảng viên không được hưởng phụ cấp công tác Ðảng, phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên; không có quy định rõ ràng trong thực hiện chế độ vượt giờ, chế độ cho giảng viên kiêm nhiệm...

Tính đến tháng 3/2020, số lượng cán bộ, nhân viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị 24 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh là 138 người (giảm 52 người so với cùng kỳ năm trước).

Đội ngũ giảng viên tại các trung tâm là 326 đồng chí, trong đó có 32 giảng viên chuyên trách và 294 giảng viên kiêm chức là các đồng chí cán bộ trong ban thường vụ, trưởng, phó các ban xây dựng Đảng; cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng, phó phòng một số phòng trực thuộc ủy ban nhân dân của các quận, huyện, có chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến nội dung chương trình giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm chính trị.

Quy định 208 mới chỉ quy định trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm, nhưng đến nay, chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm. Điều này dẫn đến việc lúng túng trong công tác quản lý điều hành, tổ chức hoạt động cho cả 2 đơn vị. Vì thế, trung tâm chính trị cấp huyện bị giảm bớt tính chủ động do phải chờ sự chỉ đạo quyết định của giám đốc kiêm trưởng ban tuyên giáo cấp ủy. Thực tế, việc đảm nhiệm 2 chức danh cùng lúc, điều hành 2 cơ quan khác nhau nên đôi lúc, đồng chí giám đốc trung tâm cấp huyện chưa thực sự sát sao, nắm bắt thông tin của các lớp học, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giảng dạy của trung tâm. Điều này chủ yếu thông qua báo cáo của  đồng chí phó giám đốc phụ trách trung tâm. Một số quy định cụ thể về chế độ và giờ giảng cho đồng chí trưởng ban đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị chưa rõ nên khi triển khai thực hiện còn lúng túng. Cá biệt có những đồng chí đã, đang là giảng viên chuyên trách (15 -20 năm trong nghề) khi nhận thêm nhiệm vụ mới, không còn được hưởng phụ cấp thâm niên trong khi thực tế vẫn điều hành hoạt động của trung tâm và trực tiếp lên lớp. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành đã thay đổi mẫu con dấu nhưng vì chưa có hướng dẫn mẫu bằng, mẫu giấy chứng nhận của Trung ương nên trung tâm chính trị cấp huyện mở lớp mà không được cấp bằng hay giấy chứng nhận.

Đây là những “nút thắt” mà các địa phương trong cả nước đang trăn trở, quan tâm tìm hướng gỡ rối.

TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong quá trình thực hiện chủ trương chung này, vấn đề quan trọng cần lưu ý là cách thức điều hành và phân chia thời gian thực hiện công việc của trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị, cũng như nâng cao chất lượng giảng viên, phát huy vai trò giảng viên kiêm chức.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút thêm giảng viên kiêm nhiệm tham gia truyền đạt các nội dung, Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã đề xuất nâng mức chế độ bồi dưỡng cho giảng viên, từ 400.000/buổi lên 600.000 - 900.000 đồng/buổi, kiện toàn lại đội ngũ giảng viên kiêm chức, mời các ủy viên ban thường vụ, trưởng, phó trưởng các ban Đảng tham gia, phân công lịch dạy cụ thể, rõ ràng.

 Đồng thời, để đảm bảo công việc của cả ban tuyên giáo lẫn trung tâm chính trị, đồng chí trưởng ban đã áp dụng linh hoạt cơ chế phân công, phân nhiệm, ủy quyền.

Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, theo chúng tôi, để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, cần tiếp tục giải quyết những vướng mắc sau:

Thứ nhất, Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện Quy định 208 về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện” để đảm bảo hoạt động của trung tâm chính trị trong cả nước có sự đồng bộ; nghiên cứu mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị huyện phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể.

Cần quy định cụ thể những chính sách cho cán bộ, giảng viên của trung tâm chính trị khi theo Quy định 208-QĐ/TW, trung tâm chính trị trực thuộc cấp ủy cấp huyện; cán bộ của trung tâm là công chức hay viên chức để có chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên trung tâm.

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, chế độ chính sách cho trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện; mối quan hệ công tác giữa trưởng ban tuyên giáo và phó giám đốc trung tâm; có hướng dẫn điều chỉnh mô tả vị trí việc làm của các chức danh để điều chỉnh đề án vị trí việc làm của cả 2 cơ quan. 

Thứ ba, ban hành quy định về xây dựng và công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt các tiêu chí chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm chuẩn hóa về nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy và học ở trung tâm./.

ThS. Mai Yến Nga
Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất