Thứ Ba, 30/4/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 13/12/2017 21:14'(GMT+7)

Hòa Bình: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài việc cung cấp các thông tin về các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự quốc tế, trong nước nổi bật theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh còn cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên các thông tin nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc phòng - An ninh và xây dựng Đảng của tỉnh và các huyện ủy, thành ủy. Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên chủ động phối hợp với các ngành: Công an, Quân sự, Bảo hiểm xã hội, Thuế, Ban an toàn giao thông, Ủy ban kiểm tra, Nội chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… thông tin các chuyên đề về ngành, lĩnh vực; giới thiệu các gương điển hình tiên tiến,… nhằm cung cấp các thông tin phong phú, đa dạng cho đội ngũ báo cáo viên các cấp để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Về hình thức tuyên truyền đã được đa dạng hóa, kết hợp nhiều hình thức phù hợp, từ tổ chức hội nghị trực tiếp, trực tuyến thông tin thời sự, chính sách đến tuyên truyền lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các buổi mít tinh, gặp mặt; các hoạt động tuyên truyền cổ động; phát trên loa phát thanh của thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân phố. 

Trong những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh thường xuyên được quan tâm xây dựng, kiện toàn đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền miệng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất bổ sung, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên của tỉnh, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo quy định; thường xuyên quản lý, tổ chức hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; theo dõi, tổng hợp, đề xuất kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự báo cáo viên; Hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng, thường xuyên củng cố, kiện toàn, quản lý và tổ chức hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cơ sở.

Ngay đầu mỗi nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo các cấp đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy các cấp thành lập đội ngũ báo cáo viên cấp mình; đồng thời tham mưu kiện toàn khi có sự thay đổi. Về cơ bản, số lượng và chất lượng báo cáo viên các cấp đều đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Về số lượng đội ngũ báo cáo viên cấp Trung ương là 04 đến 05 đồng chí, báo cáo viên cấp tỉnh 50 đồng chí; cấp huyện ủy 27 đến 30 đồng chí/đơn vị và báo cáo viên cơ sở là 3 đến 5 đồng chí/đơn vị. 
Về chất lượng, cơ cấu đội ngũ báo cáo viên các cấp được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Báo cáo viên cấp Trung ương và cấp tỉnh, 100% có trình độ đại học chuyên ngành trở lên, cử nhân chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị trở lên; báo cáo viên cấp huyện, hầu hết có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp trở lên; báo cáo viên cơ sở đều có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Cơ cấu đội ngũ báo cáo viên các cấp đều đảm bảo hợp lý, có đại diện lãnh đạo ở các địa bàn, các ngành, các giới, các thành phần tham gia. 

Kết quả, trong 10 năm (2007 - 2017), đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của Đảng bộ tỉnh đã tổ chức được khoảng 6.264 buổi thông tin thời sự, chính sách cho 2.644.093 lượt người nghe.

Việc thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) được thực hiện đúng theo Thông báo số 13-TB/TW ngày 28/3/2011 của Bộ Chính trị “về thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp”. Hằng tháng, báo cáo viên cấp Trung ương được hưởng phụ cấp bằng 0,5% mức lương cơ bản; báo cáo viên cấp tỉnh được hưởng 0,3% mức lương cơ bản; báo cáo viên cấp huyện, cơ sở hưởng 0,2% mức lương cơ bản. Đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở, hiện nay vẫn chưa có chế độ phụ cấp trách nhiệm, tùy theo cấp ủy cơ sở vận dụng trong kinh phí hoạt động của đơn vị để bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Chế độ báo cáo thường xuyên được Ban Tuyên giáo các cấp thực hiện qua phiếu báo cáo viên. Hằng tháng mỗi báo cáo viên đều báo cáo bằng phiếu, trong đó ghi cụ thể số lượng buổi tuyên truyền, số lượng người nghe, hình thức tổ chức và diễn biến tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân… 

Ban Tuyên giáo cũng quy định chế độ báo cáo chuyên đề 6 tháng, năm; báo cáo đột xuất khi có những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của địa phương, những vấn đề mới nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để Ban Tuyên giáo các cấp kịp thời tổng hợp báo cáo Thường trực cấp ủy./.

Phạm Quang Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất