Thứ Tư, 8/5/2024
Khoa giáo
Thứ Năm, 2/3/2023 14:44'(GMT+7)

Kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Cần Thơ hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐÚNG VÀ TRÚNG

Trước hết, trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Công văn số 3237-CV/BTGTW ngày 28/6/2022 “Về việc tăng cường sự chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Công văn số 541-CV/TU ngày 15/7/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu đã phát huy vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Trung ương và của thành phố một cách sâu rộng, thực chất để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu và nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, các địa phương, đơn vị đã có nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực trên hệ thống truyền thanh các cấp, sử dụng hình thức tuyên truyền trên không gian mạng, công nghệ số trong tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền theo hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua hoạt động sinh hoạt lệ Chi bộ, đoàn thể; có địa phương, đơn vị hướng dẫn chi tiết, cụ thể công tác thông tin tuyên truyền[1]; 9/9 quận, huyện Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền các sự kiện, các hoạt động dịp lễ Tết, đặc biệt là tuyên truyền với chủ đề trong năm 2022: “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai, lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh trong các hoạt động chuyên môn của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương; tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức truyền thông rộng rãi, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn; củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế để kịp thời xác định các điểm nguy cơ và đề xuất các biện pháp xử trí phù hợp. Bên cạnh đó, Ngành Y tế thành phố còn thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, như trang Website của Sở Y tế, Website của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, Bản tin Y tế hàng tháng; hàng tuần thực hiện cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; đẩy mạnh việc giao lưu với các độc giả trên các báo giấy, báo điện tử để chia sẻ thông tin và giải đáp các thắc mắc của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về vệ sinh cá nhân cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, lồng ghép và các đợt tiêm chủng thường xuyên và cân trẻ hàng tháng tại Trạm y tế; tiếp tục tuyên truyền người dân về lợi ích của vắc xin phòng Covid-19, đồng thời tiến hành rà soát các mũi tiêm trên cổng thông tin Covid-19, lọc các trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, từ đó làm tham mưu Ủy ban nhân dân phát hành thư mời, mời người dân đến điểm tiêm. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhất là người đứng đầu cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt, là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà…; tuyệt đối không được chủ quan lơ là đối với nguy cơ dịch bệnh; chú trọng đầy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tăng cường vận động Nhân dân nâng cao ý thức, tự giác, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện; phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân và huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp thống nhất trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tinh hình thực tế, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh phù hợp với địa bàn từng địa phương, đơn vị.

MỘT SỐ KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ và bệnh do Adenovirus gây ra; ca mắc Sốt xuất huyết và Tay chân miệng có chiều hướng giảm rõ rệt so với trung bình 3 tháng cuối năm 2022…; cụ thể, đạt được một số kết quả tích cực như:

Thứ nhất, phát huy tối đa vai trò của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động. Nhằm kịp thời rà soát, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngành y tế các cấp đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể các phường triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, đáp ứng ngay, tiến hành điều tra các chỉ số muỗi, chỉ số bọ gậy và xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; thường xuyên tăng cường, củng cố các đội phòng chống dịch, đội cấp cứu lưu động[2]. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế dịch hiệu quả; báo cáo thường xuyên về diễn biến dịch bệnh, tham mưu chính quyền địa phương các cấp kịp thời huy động nguồn lực, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Thứ hai, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở các tuyến, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.  Để triển khai nhiệm vụ về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở các tuyến, ở hầu hết các Trung tâm Y tế quận, huyện đều cử nhiều lượt cán bộ y tế ở trung tâm, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn đi tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị để nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; triển khai Quyết định 458/QĐ-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Y nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế[3]. Thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế các cấp, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”... hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thứ ba, thực hiện tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét đối với các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh. Theo đó, có 100% Trung tâm y tế các quận, huyện xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng hàng năm theo thường quy và triến hành kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động, nhất là khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp. 100% Chương trình tiêm chủng mở rộng được duy trì tốt tại các xã, phường, thị trấn; không có tai biến xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện; thời gian tổ chức thực hiện từ ngày 01 đến ngày 05 hàng tháng theo quy định. Kết quả, mũi Sởi thứ 1 đạt 77%, TCĐĐ đạt 77%, Sởi - Rubella đạt 84%, DPT4 đạt 74%. Các địa phương, đơn vị tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét cho các trường học, doanh nghiệp, công ty, nhà máy,… để không bỏ sót đối tượng nguy cơ bệnh nặng theo quy định; thường xuyên báo cáo số lượng tiêm vắc xin, số tồn và hạn sử dụng về chính quyền địa phương cùng cấp và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố để kịp thời chỉ đạo sử dụng hết số lượng vắc xin được cấp hoặc điều chuyển cho các quận/huyện, không để xảy ra tình trạng tồn vắc xin hết hạn sử dụng.

Riêng công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng tập trung rà soát đối tượng thuộc diện phải tiêm chủng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tại từng quận, huyện. Tăng cường thông tin, truyền thông nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tính đến hết tháng 01/2023 thành phố đã tiếp nhận: 3.441.075 liều vắc xin các loại; tổng số liều vắc xin đã tiêm 3.587.485. Hiện tại thành phố tiếp tục được Bộ Y tế phân bổ 31.900 liều vắc xin phòng Covid-19, Trung tâm đã trình phân bổ để phê duyệt vắc xin cho địa phương và bắt đầu thực hiện ở tuần thứ 3 của tháng 2 năm 2023.

Thứ tư, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được quan tâm tổ chức thường xuyên. Lực lượng chức năng ngành Y tế thành phố thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận, huyện; triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm các dịp lễ, tết năm 2022 và 2023. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, giám sát các hoạt động An toàn vệ sinh thực phẩm trong đợt giao nhận quân năm 2023 đảm bảo sức khoẻ cho các tân binh nhập ngũ; truyền thông mạnh mẽ các thông điệp về phòng, chống dịch Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Covid-19, công tác tiêm ngừa Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và trẻ em từ 5 dến 11 tuổi… Cùng với đó, thành phố thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại các phường. Điều tra, xử lý các ca sốt xuất huyết, tay - chân - miệng mắc mới xử lý môi trường diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi; chủ động giám sát các ổ dịch cũ tại cộng đồng.

Thứ năm, thành phố chuẩn bị chu đáo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Với tinh thần “nguồn lực tại chỗ, con người tại chỗ”, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm chỉ đạo việc triển khai tăng cường nguồn lực, nhân lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở; y tế dự phòng; quan tâm và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân lực có chuyên môn giỏi về công tác y tế cơ sở; quan tâm công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người bị tổn thương do dịch bệnh, đặc biệt là chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Từ đó, 9/9 quận, huyện và 100% các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, thời gian qua luôn đảm bảo các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thống nhất trong hệ thống chính trị từ cấp quận, huyện đến cơ sở, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Cụ thể: Trung tâm Y tế các quận, huyện xây đựng định mức máy móc, trang thiết bị y tế giai đoạn 2022-2024 theo Thông tư 08/TT-BYT ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ y tế trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho việc mua sắm, tài trợ, viện trợ cho các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn; đảm bảo tốt việc cung cấp thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, sử dụng hợp lý, an toàn về thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc nội, quản lý chặt thuốc độc, thuốc gây nghiện, không để tình trạng thiếu các mặt hàng thuốc thiết phục vụ cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ phương tiện hóa chất, trang phục bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch, duy trì đội chống dịch cơ động, thực hiện tốt các hướng dẫn về phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị dự trù dịch truyền cao phân tử để cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Không những vậy, thành phố triển khai các phương án, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ vào thành phố theo quy định, với 100% các địa phương, đơn vị chuyên môn triển khai Công văn số 216/SYT-NVY ngày 17/01/2023 của Sở Y tế Thành phố Cần Thơ về việc tổ chức thực hiện các quy trình báo động đỏ trong phối hợp cấp cứu, xử trí các tình huống cấp cứu, khẩn cấp tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp cách ly tập trung ở Cần Thơ. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp cách ly tập trung ở Cần Thơ. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRONG THỜI GIAN TỚI

Mặc dù thành phố đã và đang chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như: Công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng chưa đạt hiệu quả cao do một số lý do: thiếu nguồn lực cộng tác viên tham gia thực hiện vãng gia giám sát vật chứa nước có lăng quăng tại các hộ gia đình; do thiếu nhân lực y tế cơ sở nên hoạt động giám sát côn trùng tại các địa phương thực hiện không thường xuyên, liên tục dẫn đến việc không cảnh báo trước được khả năng bùng phát dịch tại các địa phương; cán bộ chuyên trách tuyến huyện, tuyến xã phải đảm nhận nhiều chương trình, áp lực công việc lớn; kinh phí hỗ trợ dành cho cộng tác viên quá ít. Vì vậy không thu hút được nhiều người tham gia; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết tại nhiều địa phương chưa thường xuyên; nhân sự cho công tác phòng chống dịch mỏng; kinh phí cho công tác phòng chống dịch tại các phường trọng điểm, chiến dịch đổ lăng quăng, xử lý ổ dịch còn hạn chế; ý thức của một số hộ dân về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao, một vài hộ gia đình chưa cộng tác tốt với ngành Y tế để thực hiện diệt lăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trong các đợt chiến dịch; vẫn còn tư tưởng xem việc phòng chống sốt xuất huyết là nhiệm vụ mà ngành Y tế. Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo tình thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Công văn số 3237-CV/BTGTW ngày 28/6/2022 “Về việc tăng cường sự chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh” và Công văn số 541-CV/TU ngày 15/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà…; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là đối với nguy cơ dịch bệnh; chú trọng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thống nhất trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sát hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và kế hoạch của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về tiêm vắc xin, xác định đây là biện pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ba là, ngành Y tế và các địa phương, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, bạch hầu và các loại bệnh truyền nhiễm khác; kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý đồng bộ, hiệu quả; tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng, kéo dài trong cộng đồng.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, phối hợp rà soát, đánh giá, xử lý ổ dịch và kịp thời hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở các tuyến, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Năm là, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; chú trọng triển khai thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng,… trên địa bàn có nguy cơ cao; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

Sáu là, các cơ quan báo đài và đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Trung ương và thành phố một cách sâu rộng, thực chất để Nhân dân hiểu và nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức, tự giác, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện; phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, biểu dương các gương điển hình, mô hình hiệu quả, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch.

Nguyễn Ngọc Quy

Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

----------------------

 

[1] Công văn số 383-CV/QU ngày 04/11/2021 của Ban Thường vụ Quận ủy về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền xây dựng và ban hành Công văn số 131-CV/BTGHU ngày 08/8/2022 về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện cho các bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân và cộng đồng…

[2] Ở một số quận, huyện như: Huyện Phong Điền đã thành lập 02 tổ cấp cứu lưu động, mỗi tổ có 01 bác sĩ và 02 điều dưỡng để hỗ trợ chuyên môn các trạm y tế trong việc tư vấn, chăm sóc, điều trị F0, F1 tại nhà. Cờ Đỏ, Trung tâm Y tế huyện vẫn duy trì 02 đội phòng, chống dịch lưu động. Thốt Nốt thành lập 09 Trạm Y tế lưu động với 84 người; có 675 tổ Covid cộng đồng với 36.664 hộ, 142.815 người tại 09 phường. Ngành Y tế quận thành lập 02 đội phản ứng nhanh và phân công cán bộ giám sát hoạt động chuyên môn chống dịch của các Trạm Y tế phường.

[3] Như huyện Phong Điền tổ chức hướng dẫn ghi phiếu (kiểm tra hướng dẫn hộ gia đình vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết - Zika); Quận Thốt Nốt, tổ chức tập huấn 1 lớp kỹ năng Truyền thông - Giáo dục sức khỏe và truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với 68 người tham dự là các cán bộ Trạm Y tế và các cộng tác viên; tập huấn trực tuyến cho 1.600  cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Mẫu giáo, tiểu học và THCS về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và y tế học đường trong trường học; kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát tất cả các trường về phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và y tế trường học.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất