Chủ Nhật, 19/5/2024
Khoa học
Thứ Năm, 9/5/2019 14:27'(GMT+7)

Khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội

Hội thảo khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ là không thể thiếu trong chính sách phát triển các ngành kinh tế - xã hội, từ công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa đến y tế, giáo dục, môi trường..., đồng thời, thúc đẩy Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm xây dựng các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ, đóng góp vào các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và cả quốc gia. Hội thảo cũng nhằm thảo luận vai trò của sở hữu trí tuệ và cách thức gắn kết nội dung sở hữu trí tuệ vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp, qua đó xác định vai trò quan trọng của các Bộ, ngành trong việc lồng ghép và triển khai các vấn đề sở hữu trí tuệ trong chính sách phát triển của ngành, lĩnh vực, tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia đối với dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự tăng trưởng kinh tế các nước trên thế giới phải dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ giúp đưa nhanh các tri thức, kết quả nghiên cứu trở thành các công nghệ, từ đó tạo ra sản phẩm, hàng hóa phục vụ xã hội. Do vậy, hệ thống sở hữu trí tuệ với cơ chế bảo hộ độc quyền cho các thành quả sáng tạo và chống cạnh tranh không lành mạnh là động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ. Nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững phải là một phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Do đó, sở hữu trí tuệ nhận được sự quan tâm ngày càng cao của xã hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Việt Nam, sở hữu trí tuệ đang ngày càng được quan tâm, số lượng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, các tác phẩm văn học - nghệ thuật của Việt Nam được tạo ra và được bảo hộ không ngừng gia tăng, nhưng số lượng tài sản trí tuệ có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam không nhiều.

Để khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội, các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng, cần có sự tham gia, chung tay của các chủ thể trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và phải có mục tiêu hỗ trợ, tạo mối liên kết nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Các viện nghiên cứu, trường đại học là nơi tạo ra tri thức công nghệ, doanh nghiệp là nơi ứng dụng tri thức và công nghệ để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Do vậy cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ, tạo ra nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cao hơn là khả năng nghiên cứu để phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cũng tại hội thảo, ông Andrew Michael Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WIPO khẳng định, cần lồng ghép vấn đề sở hữu trí tuệ vào các chính sách, chương trình và thể chế phát triển kinh tế - xã hội. Để duy trì tính cạnh tranh, các công ty và các quốc gia phải luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo dưới mọi hình thức, có nghĩa là các chiến lược chủ yếu tập trung vào việc giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn so với các chiến lược dựa trên việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo cách thức sáng tạo. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia rất quan trọng để tiếp cận mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tiến hành lộ trình triển khai phù hợp. Muốn vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; quan tâm đến nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ, ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thời gian tới, để xây dựng dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập với sự tham gia tích cực của các thành viên đến từ các Bộ, ngành hữu quan và nhận được sự hỗ trợ, tham gia, tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là chuyên gia đến từ WIPO. Những kinh nghiệm, chia sẻ tại hội thảo lần này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất