Lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt Nam với nhiều dấu ấn, sự kiện hào hùng luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, khơi gợi nhiều đề tài lớn cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, trong đó có cả thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Tuy nhiên vài năm gần đây, theo đánh giá của giới chuyên môn dường như chất lượng nghệ thuật của phần lớn tiểu thuyết lịch sử được sáng tác và xuất bản mới vẫn chưa thể vượt qua "cái bóng" của các tác phẩm nổi tiếng cùng thể loại giai đoạn trước, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của độc giả.
Cùng với sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, thời gian gần đây nhiều tác giả, đặc biệt là một số cây viết trẻ, tỏ ra quan tâm, tập trung sáng tác với góc nhìn đa dạng về các giai đoạn, các nhân vật khác nhau trong lịch sử như thời kỳ Tây Sơn - nhà Nguyễn, thân phận con người phản chiến trong chế độ Sài Gòn trước năm 1975, chiến tranh, biến cố thời đại dưới góc nhìn của giới nữ... Ðiểm mạnh của các tác giả trẻ là sự táo bạo trong việc tìm kiếm, triển khai các đề tài ít được đề cập kỹ lưỡng trong tác phẩm của thời kỳ trước. Ðiều này có được từ sự tìm tòi của cá nhân kết hợp quá trình tiếp nhận các nghiên cứu, giả thuyết, quan niệm lịch sử của một số học giả trong nước và quốc tế mới công bố. Thật vậy, ít ai ngờ mới bước sang tuổi 24, Huỳnh Trọng Khang đã là tác giả Mộ phần tuổi trẻ và Những vọng âm nằm ngủ - hai cuốn tiểu thuyết được coi là hiện tượng trên văn đàn gần đây. Và từ năm 2015 đến năm 2017, một cây bút trẻ khác là Trường An đã ra mắt bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh cuộc đời của các vị vua đầu triều Nguyễn và ít nhiều đã nhận được phản hồi tích cực từ hai nhà văn "lão làng" Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải. Trong thể loại truyện ngắn, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua các nhà văn thế hệ 8X như Nguyễn Thị Kim Hòa, Ðinh Phương. Ðó là chưa kể sáng tác về đề tài lịch sử đã và đang lan rộng trên mạng xã hội, website cá nhân hay các diễn đàn trên internet (in-tơ-nét) như dự án Việt triều ám sử: Sùng Vũ Môn của tác giả Phạm Thúy Quỳnh.
Ðặc biệt, không thể phủ nhận nỗ lực, thành công trong khi sáng tạo về đề tài lịch sử của một số tác giả mà tên tuổi đã được khẳng định trên văn đàn. Ở đây, có thể kể đến nhiều cuốn sách, trong đó có các tác phẩm hồi ký, tạo được tiếng vang lớn như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ... Ðiểm mạnh của các tác giả trên là khả năng khai thác các vấn đề, sự kiện lịch sử, kinh nghiệm được tích lũy qua những năm tháng sống, chiến đấu trong chiến tranh khiến tác phẩm của họ vừa có giá trị về mặt văn chương, vừa là tài liệu sử học đáng tham khảo, nhất là khi "tự thuật", "phi hư cấu" có xu hướng trở nên phổ biến. Còn quá sớm để khẳng định "tiểu thuyết tự thuật sẽ soán ngôi tiểu thuyết hư cấu" như nhận định của một nhà phê bình, nhưng không thể phủ nhận những cuốn sách trên đã và đang để lại nhiều dấu ấn trên thị trường sách Việt Nam, mà minh chứng rõ nhất là tần suất xuất hiện của các tác phẩm này trên các phương tiện truyền thông, số lần tái bản và các giải thưởng có giá trị được nhận.
Dù vậy, chất lượng của phần lớn các tác phẩm văn chương về đề tài lịch sử hiện nay nhìn chung chưa cao, nếu không muốn chỉ ra một thực tế đáng buồn là hiện tượng một số người viết tiểu thuyết lịch sử chỉ vì chạy theo "mốt", thậm chí vì muốn nổi danh hay mục đích tư lợi khác. Bởi làn sóng lấy "ngôn tình chuyên chở sử liệu", "đọc ngôn tình để hiểu lịch sử" được một số cây bút trẻ cổ súy qua tác phẩm và phát ngôn như đang trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Bắt chước loại đề tài đang thịnh hành trong các cuốn sách ngôn tình cổ trang ở Trung Quốc, nội dung của một số tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử của một số tác giả trẻ chỉ xoay quanh những mối tình bi lụy, đau khổ như Thành Kỳ Ý, Thiên hạ là nàng, Ngoài bờ đông là mặt trời, Vũ tịch... Thậm chí, một vài tác giả còn sẵn sàng xuyên tạc, bịa đặt thêm các sự kiện không có trong chính sử tạo ra những câu chuyện tình phi lý. Xu hướng sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tạo ra tác phẩm có nội dung nhảm nhí, giật gân cũng khiến người đọc không khỏi sốc bởi sự… sáng tạo quá đà của tác giả. Ðiển hình có thể kể đến hai cuốn tiểu thuyết kinh dị Ðại Nam liệt truyện và Lý triều dị truyện của Phan Cuồng hay truyện trinh thám Minh Mạng mật chỉ của Giản Tư Hải.
Thử thách mình qua các đề tài lịch sử vốn được ít người khai thác là hướng đi được nhiều tác giả đương đại, nhất là người viết trẻ, lựa chọn. Ðiều này cho thấy khát vọng, nỗ lực của các cây bút trẻ để có được tác phẩm văn chương về lịch sử đáng chú ý, cũng như sự dũng cảm trong lao động sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ tham vọng và lòng dũng cảm là chưa đủ để tác giả thành công trong những đề tài gai góc, giải mã những nhân vật phức tạp trong lịch sử Việt Nam, trong đó có một số nhân vật có rất ít sử liệu cụ thể mà lai lịch, hành vi lại thường gắn với truyền thuyết, chuyện kể. Ðặc biệt là hiện nay, chúng ta đang thiếu hẳn các cây bút viết tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử cho trẻ em như các cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hay Hà Ân. Nói cách khác thì các tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Trăng nước Chương Dương, Ông trạng thả diều,... vẫn chưa có sự kế tục xứng đáng. Chưa kể, cũng phải thẳng thắn nhận xét rằng nội dung, hình thức của một số tiểu thuyết, truyện ngắn về đề tài lịch sử xuất hiện thời gian qua còn cho thấy tác giả thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, tư liệu, cách thức triển khai đề tài, thậm chí hổng kiến thức, hiểu sai, suy diễn chủ quan về lịch sử... khiến tác phẩm trở nên rối rắm, thiếu mạch lạc. Tình trạng phô kiến thức, sa vào lối trình bày, diễn giải lan man cũng là "điểm trừ" của các tác phẩm kiểu này. Nguy hiểm hơn, là hiện tượng không ít tác giả tỏ ra đồng thuận với các giả thuyết chủ quan, thiếu căn cứ khoa học đã được công bố. Kết quả là họ đã vô tình hoặc cố ý truyền đạt tri thức sai lạc, xuyên tạc, gây hiểu lầm về nhân vật, về giai đoạn lịch sử. Ðiều này dẫn đến tình trạng không đồng tình, bất bình, thậm chí phản ứng của không ít độc giả, mà vô số ý kiến, nhận định của người đọc trên những trang đánh giá sách thông dụng mà tiêu biểu là Goodread đã phần nào phản ánh tình trạng quan ngại kể trên. Trình độ của phần lớn đội ngũ cố vấn, biên tập văn chương về đề tài lịch sử tại Việt Nam hiện vẫn còn những bất cập, còn hiếm những cá nhân cho thấy năng lực ở trình độ cao. Trong đó có cả tâm lý e ngại phải tranh luận với chính tác giả, nên dường như công việc biên tập sách văn học về đề tài lịch sử mới chỉ dừng lại phần nhiều ở việc soát lỗi chính tả, thiếu đi tâm huyết đầu tư công sức, trí tuệ để nâng tầm cho tác phẩm. Hệ quả là sách đến tay bạn đọc vẫn còn vô số hạt sạn, sai sót đáng tiếc, làm mất đi cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học. Thí dụ, Huỳnh Trọng Khang sẽ thành công hơn, trọn vẹn hơn với hai tác phẩm Mộ phần tuổi trẻ và Những vọng âm nằm ngủ nếu các tiểu thuyết của tác giả này không mắc phải nhiều lỗ hổng về kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý.
So với các tác phẩm văn chương cùng đề tài của thời kỳ trước, hiện nay một số tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử có xu hướng khai thác khía cạnh tâm lý của nhân vật, qua đó cố gắng làm sáng tỏ một số phần khuất lấp của quá khứ, thậm chí có ý muốn "giải thiêng". Ðiều này đã được không ít người viết theo đuổi. Song đây là một xu hướng phức tạp và suy nghĩ chủ quan, hư cấu chủ quan khó có thể đưa tới thành công. Có lẽ vì thế không ít tác giả, kể cả cây bút lão thành dường như đã bất lực trong khi cố gắng "giải thiêng" một số hình tượng vốn rất quen thuộc với các thế hệ người Việt Nam. Chưa kể tình trạng một số tác giả lạm dụng yếu tố câu khách, rẻ tiền như việc mô tả chi tiết quan hệ tình dục tràn lan, thô tục... gây phản ứng trong dư luận xã hội. Tuy nhiên không phải điều tác giả muốn và theo đuổi tất yếu sẽ dẫn đến thành công của tác phẩm, bởi vấn đề còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó nổi lên là tầm trí tuệ, khả năng sáng tạo. Trong bối cảnh đó, bộ đôi tiểu thuyết Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản của nhà văn Lưu Sơn Minh chính là "điểm sáng" rất cần trân trọng.
Là quốc gia có vị thế địa chính trị quan trọng, đất nước con người Việt Nam luôn gắn liền bề dày lịch sử hào hùng, với nhiều biến động, nhiều sự kiện, thời khắc cá nhân mang dấu ấn thời đại. Ðây chính là nền tảng, là kho tàng vô giá để gợi mở nhiều cảm hứng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhưng thực tiễn sáng tạo văn chương nói riêng, sáng tạo nghệ thuật về lịch sử nước nhà nói chung lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, của cộng đồng thưởng thức, chưa sánh vai được với một số quốc gia trong khu vực. Ðây cũng là lý do dẫn đến tình trạng một số độc giả, nhất là các độc giả trẻ chỉ biết đến các nhân vật lịch sử ngoại lai, còn thờ ơ, thiếu quan tâm lịch sử dân tộc. Nhiều người tỏ ra thích thú khi luận bàn về các sự kiện dã sử được tô vẽ màu mè hay các trận chiến lịch sử của nước ngoài,... song lại mù mờ, thiếu lưu tâm đến chiến công hiển hách của các triều đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn... Thực tế khi tiếp cận, nhiều nhà văn cũng bất ngờ, choáng ngợp với thực tế sống động, ngồn ngộn chất liệu trong lĩnh vực đề tài về lịch sử nước nhà nhưng đáng tiếc họ lại chưa quan tâm một cách rốt ráo, để rồi tiếc nuối khi sáng tác còn có sai lầm, thiếu sót.
Sáng tác về đề tài lịch sử luôn là một trong số các thách thức lớn đối với nhà văn, kể cả nhà văn nổi tiếng. Sự gia tăng đội ngũ sáng tác và số lượng tác phẩm về đề tài lịch sử trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng dẫu thế, độc giả vẫn đòi hỏi và trông chờ những tác phẩm thật sự có giá trị tư tưởng - nghệ thuật chứ không phải là những trang viết nhân danh viết về đề tài lịch sử song đầy tình tiết phản cảm, yếu tố kinh dị, giật gân, hoặc sáng tạo tùy tiện, tự bộc lộ lỗ hổng khó chấp nhận về tri thức, nhận thức...
Nguồn: Nhân Dân