Chủ Nhật, 19/5/2024
Xã hội
Thứ Hai, 14/11/2022 7:13'(GMT+7)

Kỹ năng lao động của lực lượng lao động Việt Nam

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. (ảnh minh họa)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. (ảnh minh họa)

Ở Việt Nam yêu cầu chuẩn hóa và phát triển lực lượng lao động vừa có quy mô số lượng hợp lý, chất lượng và trình độ kỹ năng cao để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên một số lĩnh vực đối với các nước trong khu vực và thế giới trong trung hạn và dài hạn là những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao kỹ năng lao động của lực lượng lao động ở nước ta hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu của ILO “A G20 Training Strategy - A Skilled Workforce for Strong, Sustainable and Balanced Growth”, cho thấy, ở các nước Châu Âu nếu số ngày đào tạo kỹ năng tăng thêm 1% thì năng suất lao động tăng thêm 3%, 16% tăng trưởng năng suất lao động NSLĐ tổng thể là nhờ vào đào tạo kỹ năng. Trong nghiên cứu mới đây của Ban an sinh xã hội và Việc làm toàn cầu thuộc Ngân hàng thế giới (WB) chỉ ra rằng trong bối cảnh lực lượng lao động đang già hóa và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2040, cộng với tỷ trọng lớn số lượng việc làm đỏi hỏi kỹ năng thấp và sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người lao động cần phát triển đa dạng các kỹ năng để tiếp tục cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai.

Dân số Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cùng với đó là sự già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (khoảng từ 17 đến 20 năm). Sự già hóa dân số thể hiện ở tỷ lệ dân số ở độ tuổi từ 65 trở lên tăng lên, theo thống kê trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018, tỷ lệ này tăng liên tục từ 6,8% (năm 2010) lên tới 8,87% (năm 2018) với gia tốc ngày một cao hơn. Dự báo đến 2030, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 11,48%. Sự già hóa dân số tất yếu sẽ dẫn tới sự già hóa của lực lượng lao động; thay đổi cơ cấu lao động với tỷ lệ lao động trẻ có xu hướng giảm đi trong khi tỷ lệ lao động cao tuổi (từ 40 đến 65 tuổi) tăng lên dẫn đến sự thiếu hụt kỹ năng của lực lượng lao động nếu như không được đào tạo, cập nhật kỹ năng.

Thực trạng kỹ năng lao động trong lực lượng lao động tại Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến Quý II năm 2022, lực lượng lao động nước ta khoảng 51,6 triệu người. Trung bình hằng năm có thêm khoảng 1 triệu người tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 26,1% trong tổng số lực lượng lao động. Phần lớn lực lượng lao động (khoảng 74%) chưa được công nhận trình độ kỹ năng nghề vẫn tham gia thị trường lao động, đóng góp vào năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, có khoảng 65 ngàn lượt người lao động đã được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các bậc trình độ từ bậc 1 đến bậc 3. Trong đó có 35% được đánh giá, công nhận ở bậc 1; 48% được đánh giá, công nhận ở bậc 2 và 17% được đánh giá, công nhận ở bậc 3. Lao động được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm đa số, khoảng 87%, tiếp đến là lĩnh vực giao thông chiếm khoảng 11%, lĩnh vực du lịch và nông nghiệp chiếm khoảng 2%.

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ cấu lao động đã chuyển dịch khá mạnh trong các năm qua theo hướng tăng tỷ trọng lao động lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ trọng lao động lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tăng từ 22,7% và 33,2% (năm 2015) lên 31,7% và 36,8% tương ứng (năm 2020), tỷ trọng lao động lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 44% (năm 2015) xuống 31,6% (năm 2020) thấp hơn mức trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình thấp (khoảng 40%) song tốc độ giảm còn chậm và tỷ lệ vẫn còn cao hơn nhiều nếu so với các nước khác trong khu vực: Hàn Quốc là 5,1%; Malaysia là 10,1%; Philippines là 22,9%; Indonesia là 28,5%; Trung Quốc là 23,6%. Trình độ sản xuất và ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp nước ta còn khá hạn chế.

Theo Báo cáo điều tra lao động, việc làm năm 2019, chuyển dịch cơ cấu lao động giữa khu vực nông thôn và thành thị còn chậm, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ cao khoảng 67%, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đáng chú ý, trong cơ cấu lao động theo vị thế việc làm nhóm “lao động tự làm” và “lao động gia đình” chiếm gần 50% (27,2 triệu người) là những nhóm lao động kỹ năng thấp, giản đơn, công việc kém ổn định, hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm xã hội nào. Nhóm lao động này dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của thị trường lao động, sự tác động của tự động hóa và thiên tai, địch họa.

Về cơ cấu lao động có việc làm theo báo cáo điều tra lao động, việc làm năm 2019, nhóm “lao động giản đơn” chiếm khoảng 35% (18,8 triệu người) làm việc trong lĩnh vực chủ yếu đòi hỏi sức lực, hạn chế sử dụng tư suy sáng tạo, kỹ năng lao động thấp. Ngược lại lao động có trình độ kỹ năng chuyên môn bậc cao, bậc trung ở mức thấp (tương ứng 8% và 3%). Lao động khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 1/3 trong cơ cấu lực lượng lao động.

Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong giai đoạn 2011 - 2019, về căn bản chất lượng lực lượng lao động Việt Nam đã có một số chuyển biến tích cực thể hiện trên góc độ, tiêu chí khác nhau, nhưng còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu ở các khía cạnh sau đây:

- Trình độ học vấn của người lao động được cải thiện rõ rệt. Số lao động trong nền kinh tế đã tốt nghiệp trung học cơ sở tăng từ 26,1% năm 2011 lên 29,5% năm 2019. Tuy vậy, tỷ trọng lao động có việc làm nhưng chưa bao giờ đi học vẫn chiếm 3,1% và khoảng trên 8,3 % chưa tốt nghiệp tiểu học, 21,4% mới tốt nghiệp tiểu học; lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm khoảng 23,6%;

- Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được tăng lên. Nếu so với quy mô lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, có sự chênh lệch lớn trình độ chuyên môn, kỹ thuật giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng, lãnh thổ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất cả nước khoảng 13%, tỷ lệ cao nhất ở Đồng bằng Sông Hồng khoảng 32%; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao gần gấp đôi cả nước.

- Về năng suất lao động: Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm, cho thấy trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được nâng lên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động toàn nền kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171 triệu đồng/lao động (tương đương 7,39 USD/lao động). Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn nhiều nếu so với nhiều nước trong khu vực ASEAN, bằng 1/26 của Singapore, 1/3 của Thái Lan, 1/7 của Malaysia và 1/2 của Philipine. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu lao động mất cân đối, lao động vẫn tập trung phần lớn ở nông thôn và khu vực kinh tế phi chính thức chủ yếu là trình độ kỹ năng thấp và lao động giản đơn.

Lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng chuyên môn (gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt được hình thành chủ yếu qua quá trình đào tạo nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, tại doanh nghiệp hoặc thông qua quá trình người lao động hành nghề), thiếu kỹ năng cơ bản, cốt lõi để thích ứng với thị trường lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, lao động ở các lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn cần thiết lẫn kỹ năng cơ bản, cốt lõi khác. Trên 65% doanh nghiệp nhận định, đa số lao động của họ còn thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cần thiết. Mức độ thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, nền tảng còn cao hơn sự thiếu hụt các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật. Ở các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, mức độ thiếu hụt kỹ năng là cao hơn.

Theo khảo sát năm 2020 của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp về mức độ thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, đánh giá của doanh nghiệp cho thấy: nhóm lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh có mức độ thiếu hụt kỹ năng nhiều nhất (1,37/2 điểm), tiếp đến nhóm lao động gián tiếp (1,28/2 điểm) và nhóm lao động quản lý (1,17/2 điểm). Trong tất cả các kỹ năng/năng lực thì năng lực ngoại ngữ thiếu hụt nhiều nhất (từ 1,39 đến 1,64 điểm), tiếp đến là tin học (từ 1,19 đến 1,48 điểm), tư duy sáng tạo và tính tự chủ (từ 1,18 đến 1,40 điểm) và kỹ năng kinh doanh (1,17 đến 1,40 điểm).

Thực trạng công tác phát triển kỹ năng nghề nghiệp đối với người lao động

- Xác định vị trí, vai trò quan trọng và đột phá chiến lược của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trong các nghị quyết của Đảng và được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật đã tạo cơ sở hàng lang pháp lý, cơ chế, chính sách để hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng hình thành và phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp của người dân, quy định trách nhiệm và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Mạng lưới các cơ sở đào tạo được mở rộng khắp trên cả nước, đa dạng về ngành nghề và phong phú về phương thức đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo gắn với thị trường lao động, tập trung hình thành năng lực và phát triển kỹ năng người lao động.

Phát huy nguồn lực lao động cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được mở rộng, tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 1.905 cơ sở GDNN, trong đó 408 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp, 1.058 trung tâm GDNN. Đáng chú ý là số lượng các cơ sở tư thục đã tăng nhanh, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao với các ngành nghề tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được tăng cường. Phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra ở các ngành nghề trọng điểm, đặc thù bước đầu được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động. Các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề được xây dựng khá đồng bộ, phân bố đều trên các vùng, miền với 52 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng và cập nhật được 199 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo yêu cầu của thị trường lao động, 96 bộ ngân hàng đề thi; đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.700 đánh giá viên phục phụ công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hợp tác quốc tế về GDNN và phát triển kỹ năng nghề được tăng cường với các tổ chức quốc tế và quốc gia đối tác có hệ thống đào tạo và phát triển kỹ năng nghề tiên tiến như: Hợp tác với Nhật Bản về triển khai xây dựng các bộ công cụ đánh giá và tổ chức đánh giá thí điểm một số nghề thuộc lĩnh vực Cơ khí, Điện và Công nghệ thông tin; hợp tác với Hàn Quốc về xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia; hợp tác với ILO thí điểm mô hình hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác với Chính phủ Úc triển khai hội đồng kỹ năng ngành lĩnh vực Logistic.

Chất lượng đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cầu việc làm của thị trường lao động, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI; lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới. Các kết quả này đã góp phần đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc (xếp thứ 102/141) tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF- World Economic Forum (2019), The Global Competiveness Report 2019).

- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Việc làm 2013 và Bộ luật Lao động 2019, trong đó có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia GDNN, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Việc gắn kết doanh nghiệp, người sử dụng lao động với GDNN được thể hiện trên các nội dung bao gồm: Được thành lập cơ sở GDNN; được đăng ký hoạt động GDNN để đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; được phối hợp với cơ sở GDNN để liên kết đào tạo các trình độ GDNN; được tham gia phát triển chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở GDNN; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; được tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Doanh nghiệp tham gia GDNN và hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các văn bản hướng dẫn. Luật doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi liên quan đến doanh nghiệp đã thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tăng nhanh số lượng và quy mô. Tính đến hết 31/12/2020, cả nước có khoảng 683,6 nghìn doanh nghiệp với 14,7 triệu lao động. Trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm chủ yếu với 96,5%, doanh nghiệp quốc doanh tỷ lệ giảm xuống 0,3%, còn lại 3,2% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo kỹ năng nghề đạt khoảng 12% trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI tham gia đào tạo kỹ năng chiếm tỷ lệ tương ứng khoảng 31%, 10% và 16%. Trong giai đoạn 2016-2021 đã thúc đẩy, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),  các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn như trong đào tạo và sử dụng lao động, trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến như Daikin, Denso, Panasonic, Sun Group, Mường Thanh, FPT, BIM, Vingroup, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Dệt May, Công ty cổ phần SHINEC, Tập đoàn Phú Thái Holding..

Việt Nam cần lực lượng lao động có kỹ năng tốt hơn để nâng tầm phát triển kinh tế.

Nhìn chung, doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động đã chuyển biến tích cực ở cả ba loại hình doanh nghiệp với sự đa dạng về mô hình gắn kết đào tạo, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Nhiều mô hình đã cho thấy sự hiệu quả về chất lượng đào tạo như: Mô hình trường trong doanh nghiệp, gắn đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động ngay trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các khu chế xuất; mô hình gắn kết đào tạo nghề giữa doanh nghiệp trong nước với cơ sở GDNN, giữa doanh nghiệp FDI với cơ sở GDNN để đào tạo song hành...

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp trong năm 2020, trong số 89 nghìn doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo kỹ năng nghề, hình thức hợp tác phổ biến nhất là tiếp nhận người học đến thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp (chiếm 62,54%), tham gia đánh giá kết quả học tập của người học nghề chỉ chiếm 10,23%. Doanh nghiệp tham gia hoạt động đánh giá, công nhận, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề nghiệp còn rất khiêm tốn. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được quy định tại Điều 60 của Bộ luật Lao động 2019 chưa được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ.

Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Công tác phát triển kỹ năng nghề đã đạt được nhiều thành tựu, đào tạo từng bước được gắn kết với thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ kỹ năng nghề của người lao động được cải thiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo việc tăng cường năng lực đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động và học sinh, sinh viên đã được xây dựng, ban hành và sửa đổi, bổ sung, làm cơ sở khuyến khích việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề.

Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia là cơ sở để xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng cho việc đánh giá, công nhận, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động gần 10 năm qua, từng bước đáp ứng yêu cầu về công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Doanh nghiệp có xu hướng tham gia sâu hơn đối với hoạt động GDNN, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, công nhận trình độ kỹ năng nghề của người lao động. Hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề được cải thiện là cơ sở tiếp thu kinh nghiệm, trình độ tiến tiến của các quốc gia trên thế giới, vận dụng các mô hình phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Hướng nghiệp cho học sinh THPT. 

Tuy nhiên, chỉ số thống kê, thông tin về lực lượng lao động quốc gia chưa phản ánh đúng tỷ lệ người lao động có kỹ năng nghề và có tham gia thị trường lao động. Phần lớn lực lượng lao động tham gia thị trường lao động, đang làm việc và đóng góp vào năng suất lao động, tăng trưởng GDP. Trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề của họ được hình thành, tích lũy và được cải thiện thông qua quá trình lao động, học tập, tự rèn luyện, bồi dưỡng cập nhật bổ sung nâng cao kỹ năng, năng lực hành nghề của bản thân để duy trì việc làm và cải thiện thu nhập cá nhân theo những lộ trình khác nhau nhưng chưa được đánh giá, công nhận. Do vậy, việc thiếu chỉ số thống kê về trình độ kỹ năng nghề và thống kê chưa đầy đủ này sẽ không phản ánh một cách toàn diện chất lượng lao động Việt Nam, gây ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh quốc gia và việc ban hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát trển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chất lượng kỹ năng và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam thấp. Năng lực cạnh tranh của nước ta còn nhiều hạn chế và chưa thể hiện tính bền vững. Trong cộng đồng ASEAN, năng lực cạnh tranh nước ta chỉ xếp trên Lào và Campuchia. Nếu so sánh với nhiều quốc gia khác trong khu vực, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn ở khoảng cách rất xa, như: Singapore xếp thứ 1, Malysisa xếp thứ 27, Thái Lan xếp thứ 38, Philipine xếp hạng 64 và Trung Quốc xếp thứ 28. Trình độ kỹ năng người lao động nước ta còn thua kém nhiều so với chuẩn của thế giới. Kỹ năng lao động nước ta chỉ đạt 46/100 điểm, xếp hạng 103/141 nước trên thế giới, kém rất xa các nước ASEAN-4.

Lực lượng lao động thiếu hụt kỹ năng và năng suất lao động còn thấp so với khu vực ASEAN. Lao động Việt Nam còn yếu và thiếu các kỹ năng cơ bản, nền tảng cần thiết thích ứng trong bối cảnh hội nhập và thay đổi công nghệ bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Người lao động qua đào tạo ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp do thiếu hụt kỹ năng mà thực tiễn đòi hỏi tại doanh nghiệp. Các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao gặp thách thức do thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao. Ngoài ra vấn đề về thể lực, ý thức kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng được coi là những điểm yếu của lao động Việt Nam.

Lực lượng lao động Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN - Ảnh 1.

Việt Nam đang có lợi thế lớn về lực lượng lao động trẻ.

Năng suất lao động Việt Nam đã được cải thiện song còn rất thấp so với các nước ASEAN-4. Bên cạnh sự hạn chế về nguồn lực vốn, đầu tư trang thiết bị, công nghệ thì yếu tố kỹ năng lao động là cốt yếu dẫn đến năng suất lao động thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ và lao động được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề thấp. Trong tổng số khoảng 51 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm khoảng 26,1%. Về chuẩn hóa kỹ năng nghề nghiệp, các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, số lượng các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là doanh nghiệp rất khiêm tốn. Hệ thống chưa có sức hút đối với người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao.

Vì vậy, phát triển kỹ năng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghề nghiệp xuất sắc; thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay là cần thiết./.

Vũ Bá Toản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất