Thứ Tư, 8/5/2024
Khoa học
Thứ Hai, 6/3/2023 16:0'(GMT+7)

Lào Cai: Chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI

Hướng dẫn triển khai chi trả qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn triển khai chi trả qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước (Ảnh minh họa)

Lào Cai đã hợp tác với các tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT để đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông vươn tới vùng sâu, vùng xa; phục vụ các nhiệm vụ chính trị, mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh và hưởng thụ cho người dân. Đến nay toàn tỉnh có 2967 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), trong đó có 1212 trạm 4G và 05 trạm 5G. Hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 98,7% thôn, tổ dân phố; có 1.510/1.562 thôn, tổ dân phố (96,7%) có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động (3G, 4G) tại các khu vực trung tâm, khu vực tập trung đông người, có 98% tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại di động: số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Lào Cai là địa phương thứ 18 trên cả nước, triển khai phủ sóng 5G góp phần thúc đẩy kích cầu du lịch, phục hồi kinh tế du lịch và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn. 

Các cấp tỉnh, huyện, xã đều chú trọng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền số, như: Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Lào Cai đang duy trì 01 Cổng chính (Cổng TTĐT tỉnh) và 102 cổng thành viên của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã… Lào Cai là một trong số ít tỉnh của cả nước đã kết nối được hệ thống truyền hình trực tuyến triển khai Nghị quyết từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. 

Trung tâm dữ liệu của tỉnh cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, bảo đảm việc triển khai, vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, cổng dịch vụ công của tỉnh (iGate) đáp ứng thực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã tích hợp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí, thuế thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; tỷ lệ báo cáo định kỳ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện trực tuyến có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ đạt 100% (yêu cầu cấp Quốc gia và của tỉnh là 50%); 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; thông tin quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị được công khai trên mạng Internet để hỗ trợ tra cứu thông tin đạt 100%; Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 87%, cấp huyện đạt 86% (mục tiêu cấp Quốc gia là 80%), với cấp xã đạt 84% (mục tiêu cấp Quốc gia là 60%.

Tỉnh Lào Cai khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp (tháng 10/2022)

Tỉnh Lào Cai khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp (tháng 10/2022)

Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hiện đang phải đối diện với một số khó khăn như: Tỷ lệ ngầm hóa, gọn hóa cáp viễn thông, tỷ lệ dùng chung hạ tầng còn rất thấp. Hoạt động bưu chính ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì điểm bưu điện văn hóa xã thiếu nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp, ít được đầu tư, thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ còn hạn chế. Việc triển khai các nền tảng số, quy hoạch dữ liệu, xây dựng dữ liệu dùng chung còn hạn chế; chưa tạo lập được kho dữ liệu, hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành. Thiếu nhân lực phụ trách an toàn thông tin, chuyên gia về chuyển đổi số. Nhân lực có kỹ năng số trong xã hội, đặc biệt với địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn ít. Đa số người dân trên địa bàn tỉnh chưa được hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Việc thanh toán điện tử, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh.

Đến nay, tỉnh Lào Cai có 1.761 trong số 1.966 thủ tục hành chính (đạt 89,5%) cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công; 75,5% dịch vụ công trình lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Đề án số 08-ĐA/TƯ ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Quyết định số 1634/QĐ- UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình thiết nghĩ, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Gắn nhiệm vụ chuyển đổi số với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và quá trình thực hiện kế hoạch phát triến kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương. Lựa chọn các mục tiêu, nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả. 

Hai là, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, gắn với việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng; phân công rõ trách nhiệm cho cơ quan chủ trì và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ba là, chuyển tải đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong toàn tỉnh quan điểm của tỉnh về chuyển đổi số, đó là: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, động lực để chuyển đổi số; chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề, những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; muốn chuyển đổi số thành công phải có sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bốn là, triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân. Trước hết, giúp người dân biết đăng ký và sử dụng định danh điện tử; biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; biết mua, bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng; biết thanh toán không dùng tiền mặt; biết sử dụng các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống (y tế, giáo dục, liên lạc, đi lại, du lịch, đọc sách, giải trí...); biết áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Năm là, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà - MOOCs (Nền tảng OneTouch). Trong đó, đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách; kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin.

Với sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị trước tiên là những cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi trước mở đường chắc chắn việc chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai trong thời gian tới sẽ phục vụ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đắc lực cho Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.

Đỗ Hiền
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất