(TG) - Thực tiễn hơn 36 năm đổi mới ở Việt Nam đã khẳng định, tầng lớp trí thức không chỉ là tài sản quý giá của quốc gia mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Bởi vậy, việc thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài...
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC Ở TRUNG QUỐC
Trung Quốc coi chiến lược phát triển nhân tài là then chốt của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần đưa Trung Quốc từ một nước lớn về dân số thành cường quốc về nhân tài, đủ sức cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào trên trường quốc tế.
Thứ nhất, coi trọng vai trò của đội ngũ trí thức.
Chính sách cơ bản và phương châm chỉ đạo công tác trí thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay có thể tóm tắt 7 điểm:Một là,trí thức là một bộ phận của giai cấp công nhân, cũng giống như công nhân và nông dân, trí thức được coi là một lực lượng cơ bản xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa;Hai là, phương châm “Tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài” trở thành cốt lõi của chính sách trí thức trong thời kỳ mới;Ba là, chính sách cơ bản đối với trí thức là “bồi dưỡng nhân tài, dùng tốt nhân tài, thu hút nhân tài” (gọi tắt là chính sách “3 tài”);Bốn là,nâng cao đãi ngộ đối với trí thức, cải thiện điều kiện sống của họ;Năm là, lắng nghe ý kiến và tiếng nói của trí thức, đối xử đúng đắn với sự phê bình của các nhà trí thức;Sáu là,kiên trì quán triệt phương châm “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, xây dựng môi trường và không khí làm việc thông thoáng;Bảy là, khuyến khích trí thức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình…, kết hợp với thực tiễn xã hội, kết hợp với công nhân, nông dân, cải tạo thế giới chủ quan và khách quan.
Trung Quốc luôn nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ các cấp, khuyến khích địa phương và doanh nghiệp kết hợp với nhau thí điểm cải cách quản lý nhân tài, hội nhập với hệ thống quản lý nhân tài trên thế giới.
Thứ hai, đẩy mạnh thu hút đội ngũ trí thức, lao động chất lượng cao từ bên ngoài.
Trung Quốc luôn chú ý khai thác lợi thế của một nước đông dân và là quốc gia có số lượng kiều bào sống ở nước ngoài đông nhất thế giới với 40 triệu người. Trong số đó,có rất nhiều người là giáo sư, nhà khoa học xuất sắc, chủ tịch những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Đội ngũ trí thức ở nước ngoài là nguồn lực không thể thiếu, đóng góp không nhỏ trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã có những chiến lược dài hạn và những sách lược cụ thể để thu hút và trọng dụng lực lượng Hoa kiều.
Nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng triển khai các chính sách nới lỏng điều kiện nhập hộ khẩu, hỗ trợ nhà cửa, hỗ trợ, bảo lãnh các dự án khởi nghiệp…để thu hút đội ngũ trí thức đến làm việc.Đáng chú ý,Trung Quốc đã thay đổi quan niệm về việc thu hút và sử dụng trí thức, nhân tài nước ngoài, đó là nhân tài, trí thức ở nước ngoài không nhất thiết phải trở về định cư tại quê hương mà vẫn có thể làm việc, sinh sống tại nước sở tại và phục vụ Trung Quốc bằng chất xám, bằng đầu tư của mình.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu.
Trung Quốc chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu khoa học. Trong mỗi bộ, ngành của Trung Quốc có hàng loạt chương trình nghiên cứu khoa học với thành tựu vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực. Chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc có sự gia tăng vượt bậc.
Việc gia tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển chính là xuất phát từ yêu cầu phát triển nhằm tiến tới làm chủ các công nghệ tiên tiến, đồng thời cũng là tạo điều kiện, môi trường hoạt động cho đội ngũ trí thức, là cách thức thúc đẩy, rèn luyện, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của Trung Quốc.
Thứ tư, xây dựng chương trình dự án nâng cao năng lực của các trường đại học trọng điểm.
Chương trình 211 (năm 1995) xây dựng 100 trường đại học trọng điểm của Trung Quốc về nội dung chương trình giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất… nhằm đưa 100 trường đại học này tiếp cận hoặc đạt được trình độ của các trường đại học hàng đầu thế giới vào những năm đầu của thế kỉ XXI.
Thứ năm,chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài theo các chương trình, mục tiêu, nội dung cụ thể.
Trung Quốc xây dựng cơ chế phát hiện đánh giá nhân tài chủ yếu dựa vào yêu cầu về trách nhiệm đối với nghề nghiệp, sau đó mới xét tới năng lực, thành tích; từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn đánh giá nhân tài, khắc phục tình trạng quá coi trọng bằng cấp, chú trọng vào năng lực thực tế và tiềm năng phát triển để đánh giá.
Trong khâu chính sách chế độ với cán bộ, thu nhập trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước được điều phối hài hòa, thúc đẩy cải cách hệ thống tiền lương; đồng thời, kiện toàn chính sách khuyến khích trung và dài hạn như chế độ ưu đãi tiền lương, chức vụ, phúc lợi xã hội…Bên cạnh đó, đầu tư đúng mức cho viện nghiên cứu khoa học, trường học, chế độ y tế công cộng để phù hợp chế độ quản lý nhân tài cùng với chuẩn hóa các hoạt động hành chính, giảm thiểu các thủ tục hành chính và lệ phí cũng là những chìa khóa quan trọng góp phần giúp Trung Quốc củng cố được nguồn lực tài năng trẻ trong nước.
Bên cạnh thu hút nhân tài theo các chương trình dự án mục tiêu, Trung Quốc còn song song triển khai chính sách khuyến tài tập trung vào 3 hướng, còn gọi là “3 tài”: 1) Bồi dưỡng nhân tài là cơ sở; 2) Thu hút nhân tài là trọng điểm; 3) Dùng tốt nhân tài là then chốt.
Tầng lớp trí thức không chỉ là tài sản quý giá của quốc gia mà còn đóng vai trò là đội ngũ lãnh đạo kế cận, nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. |
MỘT SỐ BÀI HỌC THAM KHẢO VỚI VIỆT NAM
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của trí thức.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng về công tác cán bộ và thu hút, trọng dụng tài năng; song việc thực hiện chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức. Thực tế chỉ ra rằng, những quốc gia có những nhà lãnh đạo kiệt xuất với tầm nhìn chiến lược thường sẽ đi đầu trong việc thu hút, trọng dụng tài năng trẻ và gặt hái được nhiều thành công. Cũng chính vì vậy, đi liền đào tạo chuyên môn, cần tập trung nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức với đất nước. Hướng cho đội ngũ trí thức không ngừng học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, có chí khí và hoài bão, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khắc phục hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận trí thức hiện nay.
Hai là, xây dựng tiêu chí minh bạch trong tuyển dụng đội ngũ trí thức ở khu vực công.
Việc tuyển dụng đội ngũ trí thức vào nền công vụ đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy tài năng, tạo nguồn cán bộ kế cận trong phát triển bền vững đất nước. Cần xây dựng đội ngũ trí thức chính quy, hiện đại, làm việc hiệu quả trong nền công vụ. Công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng trong việc tuyển dụng các trí thức. Xây dựng mô hình thi tuyển và đào tạo riêng cho nhân tài từ bậc đại học, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.
Hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy định các tiêu chí cụ thể dựa vào chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm với công việc để tuyển chọn, đánh giá, sử dụng đội ngũ trí thức; tôn vinh xứng đáng các trí thức có đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng; sống được bằng nghề; được trả công xứng đáng từ sáng tạo và đóng góp của mình.
Cần có cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến thi tuyển công chức. Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức các kỳ thi tuyển công chức, tiếp nhận công chức và kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức thi tuyển công chức của các bộ, ngành. Xây dựng mô hình thi tuyển nhân tài từ bậc đại học, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng từ bậc đại học, sau đại học đối với những người tài năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong các ngành, lĩnh vực. Có cơ chế, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người đứng đầu trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức.
Ba là, thu hút và trọng dụng, đãi ngộ trí thức người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức. Tập hợp trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới.
Xây dựng quy trình bài bản, khoa học từ tạo nguồn tới tuyển chọn và quản lý đội ngũ trí thức làm việc trong nền công vụ. Hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, phát huy tối đa sở trường tới việc đãi ngộ xứng đáng, giải quyết hài hòa yếu tố vật chất và tinh thần, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư hoặc từ Việt Nam sang các nước khác. Có chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp. Khuyến khích, nhân rộng các mô hình sáng tạo về thu hút, trọng dụng nhân tài để tạo động lực, niềm tin cho cán bộ trí thức.
Để thu hút, trọng dụng nhân tài, cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, khách quan, cạnh tranh dựa trên tài năng thực sự; phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học. Tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho đất nước thông qua trao tặng các giải thưởng. Đổi mới nội dung và phương thức tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy đội ngũ trí thức trong tình hình mới.
Bốn là, đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức.
Cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực có tài năng cho công vụ và nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác đào tạo tự chịu trách nhiệm về uy tín và sản phẩm của mình. Nhà nước cần đầu tư ngân sách, tuyển chọn nhiều hơn nữa học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Để củng cố và tạo nguồn nhân tài quốc gia, cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục, hình thành những cơ sở giáo dục có khả năng thu hút học viên trong nước và quốc tế tài năng. Coi trọng giáo dục để phát hiện, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực xác định là mũi nhọn của đất nước. Giáo dục năng khiếu, tài năng là chiến lược phát triển cơ bản được coi là ưu tiên số một so với bất kỳ ngành phát triển nào. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm phải gắn với đào tạo nhân tài. Thực hiện rà soát và đề xuất có chỉ tiêu tỷ lệ nhân tài tham gia các khóa đào tạo trình độ quản lý, lý luận chính trị, kiến thức về hội nhập quốc tế, ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng và cập nhật kiến thức mới phù hợp từng chức danh.
Năm là, kết hợp hài hòa nguồn lực trong nước và ngoài nước.
Để thu hút, tuyển chọn và trọng dụng trí thức trẻ đủ bản lĩnh và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, bên cạnh việc tận dụng nguồn nhân tài ở trong nước để phát huy tối đa tiềm lực của nhóm đối tượng trí thức trong nước thì việc trọng dụng và thu hút nhân tài quốc tế là cần thiết và phải biết kết hợp hài hoà nguồn lực trí thức trong nước và nước ngoài.
Việt Nam cần mạnh dạn mời những trí thức Việt kiều đã thành công ở những nước phát triển về nắm giữ một số vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo của bộ, ngành mình để tạo nên những đột phá cần thiết, kéo theo sự thay đổi của toàn bộ nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế của đội ngũ trí thức thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ; liên kết hợp tác với các nhà khoa học giỏi về chuyên môn ở các nước và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Cử sinh viên, nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài để tiếp cận với các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới.
Bên cạnh thu hút nhân tài theo các chương trình dự án mục tiêu, Trung Quốc còn song song triển khai chính sách khuyến tài tập trung vào 3 hướng, còn gọi là “3 tài”: 1) Bồi dưỡng nhân tài là cơ sở; 2) Thu hút nhân tài là trọng điểm; 3) Dùng tốt nhân tài là then chốt. |
PHẠM QUANG CHÍNH
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
PGS.TS.VŨ VĂN HÀ
Đại học Đại Nam