Thứ Sáu, 4/10/2024
Khoa học
Thứ Ba, 1/11/2022 15:7'(GMT+7)

Hậu Giang triển khai mạnh mẽ các định hướng nhiệm vụ khoa học công nghệ

 Nhờ đó, KH&CN đã đi vào đời sống sản xuất và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm nông sản đạt năng suất và chất lượng cao, có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh thời kỳ hội nhập.

PHÁT TRIỂN MỘT SỐ CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN, CÔNG NGHỆ CAO, CÔNG NGHỆ LIÊN NGÀNH

Hậu Giang đặc biệt quan tâm lãnh chỉ đạo việc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong một số lĩnh vực có lợi thế nhằm sớm đưa Hậu Giang trở thành tỉnh mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông. Cho tới nay, hệ thống bưu chính tỉnh Hậu Giang đã phát triển rộng khắp với 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, nhu cầu về dịch vụ bưu chính của người dân trên địa bàn tỉnh đã được đáp ứng tương đối đầy đủ. Toàn tỉnh có 162 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. Hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN). Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện hạ tầng cho Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, cung cấp thông tin trực quan về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng của Tỉnh, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý, kiểm soát và cung ứng dịch vụ. Triển khai, thực hiện hiệu quả là ứng dụng di động Haugiang app, cho phép người dân tra cứu thông tin về lịch công tác, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bản tỉnh. Đến ngày 15/11/2021, app Haugiang đã có hơn 33.800 lượt tải về. Báo Hậu Giang, trang tin điện tử thực hiện từ 2008 đến năm 2016 đã chạy thử nghiệm giao diện báo điện tử với nhiều tính năng mới, thử nghiệm thực hiện clip truyền hình, năm 2021, Báo Hậu Giang được Cục Báo chí cấp phép hoạt động báo điện tử. Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, đến năm 2013, tăng thời lượng phát sóng lên 24 giờ/ngày trên hệ thống truyền hình cáp SCTV, HTVC và IP tivi.

Đến ngày 15/11/2021, app Haugiang đã có hơn 33.800 lượt tải về

Đến ngày 15/11/2021, app Haugiang đã có hơn 33.800 lượt tải về

Hậu Giang quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu các công trình khoa học ứng dụng có hiệu quả vào một số lĩnh vực chủ yếu của địa phương như: nông - lâm - ngư nghiệp. Nhiều đề tài, mô hình ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp đã được triển khai như: Ứng dụng nuôi thả ong ký sinh Asecodes Hispinarum Boucek thả tập trung để kiểm soát sự phá hại của bọ cánh cứng Brontispa Longissma Gesto hại dừa; Chọn lọc đàn gà Tàu Vàng có tốc độ tăng trưởng và năng suất thịt cao dựa trên đặc điểm kiểu hình và sự khác biệt di truyền của gen IGFBP2 (Insulin-Like Growth Factor Binding Protein 2); Mô hình ứng dụng sản xuất nấm xanh Metarhizium Anisopliae trong điều kiện nông hộ để quản lý tổng hợp rầy nâu hại lúa góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Hậu Giang; Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus); Ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-Floc xử lý nước ao nuôi và tận dụng chất thải sản xuất phân sinh học bón cho lúa cao sản, rau màu và cây ăn quả.

Chỉ đạo ngành Khoa học công nghệ nghiên cứu các công trình ứng dụng có hiệu quả với địa phương. Trên cơ sở đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang đã tiếp nhận và làm chủ các quy trình nhân nuôi in-vitro tế bào thực vật, được đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực cho phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật; phối hợp với Viện cây ăn quả Miền Nam thực hiện nhân giống in-vitro các loại cây ăn quả có giá trị và được bảo tồn gen ngoại vi (ex-situ) tại nhà lưới Trung tâm: quýt đường Long Trị, Cam sành Ngã Bảy, cam xoàn Phương Phú. Hàng năm Trung tâm bảo tồn ngoại vi (ex-situ) nguồn gen khóm Queen “Cầu Đúc” theo phương pháp nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng sạch bệnh héo khô đầu lá do virus Pineapple mealybug wilt associated virus 1,2 (PMWaV-1,2).

ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN KH&CN TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC, ĐỊA PHƯƠNG

Tỉnh quan tâm chỉ đạo việc chuyển giao kết quả nghiên cứu để triển khai, ứng dụng vào thực tế. Theo đó,  từ năm 2012 - 3/2022 trong số 121 đề tài, dự án được nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu 116 đề tài, dự án về các sở, ban ngành tỉnh có liên quan để triển khai ứng dụng vào thực tế, kết quả có 91 đề tài, dự án được ứng dụng tốt, chiếm 78% tổng số đề tài, dự án. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin, nghiên cứu khoa học của bạn đọc, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao báo cáo kết quả nghiên cứu của 112 đề tài, dự án về Thư viện tỉnh Hậu Giang để phổ biến rộng rãi đến nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh quan tâm việc phát triển khoa học và công nghệ thuộc một số lĩnh vực trọng yếu của địa phương như: Trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp, đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu nâng cao chất lượng cây, con đạt chất lượng cao để xuất khẩu. Cụ thể như: các nghiên cứu trên cây lúa đã tạo giống lúa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện tự nhiên và thời tiết bất lợi bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh; cải thiện năng suất và giá trị lúa-gạo. Ngoài ra còn áp dụng nhiều kỹ thuật trên các loại cây, con, góp phần tăng cao hiệu quả sản xuất và sản lượng như: xoài cát Hòa Lộc ở huyện Châu Thành A; quýt Đường trồng ở Phụng Hiệp; chọn được 05 giống mía tốt K88-200, KK6, K93-219, KU60-1 và Suphanburi 7 … Đặc biệt, đã xây dựng được nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ quản lý, phát triển nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng đạt một số kết quả quan trọng như: (1) Đã cung cấp luận cứ khoa học trong phân tích, đánh giá kinh tế tư nhân tỉnh với quy mô sản xuất công nghiệp và dịch vụ không lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,7%. (2) Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ có tương quan thuận với thu nhập sau khi vay và số thành viên trong gia đình có thu nhập, nhưng lại có tương quan nghịch với lãi suất đi vay. Nghiên cứu trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo được quan tâm để khoa học công nghệ góp phần tích cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh như: (1) Đưa ra mô hình giáo dục phát triển kỹ năng sống cho học sinh THPT tỉnh, mô hình là một hệ thống bao gồm các nội dung, phương pháp, hình thức và hoạt động giảng dạy cho học sinh. (2) Xây dựng mô hình tư vấn học đường ở bậc Trung học phổ thông đang là vấn đề được quan tâm nghiên cứu về hệ thống hóa cơ sở vật chất, thực trạng hoạt động tư vấn học đường và tìm hiểu nguyên nhân để có cơ sở đề xuất các loại hình tư vấn và các giải pháp để phát triển hoạt động tư vấn nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, tình trạng bi quan, buồn chán dẫn đến các vấn đề nảy sinh không mong muốn. Ngoài ra, nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.

Mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là một trong những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là một trong những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ tỉnh.

Trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển ngành, đơn vị nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. Để từ đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước, nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, tập trung trong một số lĩnh vực ưu tiên: phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Trên 80% số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có địa chỉ ứng dụng và phát huy hiệu quả để tăng năng suất, chất lượng và tạo ra sản phẩm cụ thể./.

Giao Tuyến

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất