Chủ Nhật, 28/4/2024
Khoa học
Thứ Ba, 4/10/2022 14:25'(GMT+7)

Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sinh trưởng và phát triển đề tài Nho Hạ đen

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sinh trưởng và phát triển đề tài Nho Hạ đen

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của khoa học & công nghệ (KH&CN) đối với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao.

Vĩnh Phúc đã lấy ứng dụng và chuyển giao công nghệ làm trọng tâm, triển khai các vấn đề cần thiết, bức xúc, lấy hiệu quả kinh tế xã hội (KT-XH) và bảo vệ môi trường làm thước đo, xây dựng hệ thống các đề tài, chương trình kết hợp với phong trào quần chúng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời là cơ sở khoa học tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách. Vĩnh Phúc đã xây dựng, triển khai Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (VPTEX): Từ khi thành lập đến nay đã có 2.169 doanh nghiệp đăng ký tham gia Sàn, 4.195 sản phẩm chào bán. Thị trường KH&CN có bước phát triển thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ, thực hiện các giao dịch, tư vấn, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Giá trị giao dịch của thị trường công nghệ thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ hàng năm, đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp FDI, ước tính tỷ lệ tăng trung bình khoảng 16,5%/năm. So với mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra (mức trung bình 15%/năm) Vĩnh Phúc đã đạt và vượt yêu cầu.

Hợp tác quốc tế về KH&CN được chú trọng. Trong hội nhập quốc tế về KH&CN, tỉnh đã cử nhiều cán bộ đi học tập các nước trên thế giới. Đặc biệt là về việc hợp tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh các trường THCS và THPT của tỉnh. Đầu tư tài chính cho KH&CN những năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm được đầu tư mua sắm, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2012-2021, toàn tỉnh cấp mới 390 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3.681 triệu USD. Nhờ đó, nhiều công nghệ mới trong sản xuất giúp các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh nâng cao trình độ công nghệ, hình thành các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất phục vụ cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, làng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí. Vĩnh Phúc đã triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và 136 UBND cấp xã. Phần mềm đã kết nối liên thông với các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Ngoài ra, rất nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được sử dụng, đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ.

Đội ngũ nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Số nhân lực KH&CN trong tỉnh có trình độ từ cao đẳng trở lên tăng đáng kể từ 28.406 người năm 2012 lên 35.911 người năm 2021. Số cán bộ nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 16 người trên một vạn dân, vượt mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra 11 người trên một vạn dân. Từ năm 2019, tỉnh đã xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo bằng hình thức thi tuyển đối với 8 lãnh đạo, quản lý  cấp phòng. Tăng cường công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tập trung vào các địa bàn khó khăn, trọng điểm để tăng cường sự lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ. Với kết quả trên Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp.

Tuy nhiên, hiện nay việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh còn chậm, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh thị trường còn hạn chế. Chưa có doanh nghiệp DDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước) nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trình độ KH&CN của tỉnh vẫn ở mức trung bình của cả nước, tốc độ đổi mới khoa học và công nghệ còn chậm. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn ở mức trung bình chiếm 70%, công nghệ lạc hậu chiếm 14,9%, công nghệ trung bình tiên tiến 15%, công nghệ tiên tiến 0,1%. Với thực trạng trình độ công nghệ như vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đủ năng lực để sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao. Vì vậy, nền sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc chưa theo kịp với sự phát triển và tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Dẫn đến tốc độ đổi mới công nghệ của Vĩnh Phúc chưa được cải thiện đạt mức trung bình 17,1%/ năm giai đoạn 2016- 2021. So với mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra (mức trung bình 20%/năm) là chưa đạt yêu cầu. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh trong giai đoạn 2012-2015 tỷ phần đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh là 33,14%. Giai đoạn 2016-2020, bình quân chỉ số TFP tăng 2,55%/năm, tương ứng với tỷ phần đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh 37,54%. Đóng góp của TFP vào tăng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc đạt mục tiêu đặt ra. Nghị quyết số 20-NQ/TW (giai đoạn 2016-2020, TFP đóng góp 35% vào tăng trưởng kinh tế). Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ bình quân của toàn quốc (là 45,7% - số liệu của Tổng cục Thống kê).

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 11 tổ chức KH&CN công lập trực thuộc các Sở, ngành đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp KH&CN: có 05 doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận, trong đó 100% doanh nghiệp tư nhân. Như vậy số lượng các doanh nghiệp khoa học và các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh còn ít chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội và tiềm năng của tỉnh. 

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư chuỗi giá trị một số sản phẩm của tỉnh. Tập trung nguồn lực để tác động KH&CN cho một số sản phẩm chiến lược, nhất là nông nghiệp, dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục quan tâm đầu tư có hiệu quả cho hạ tầng KH&CN, trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nguồn lực thông tin và tài chính.

Hai là, quan tâm hơn nữa phát triển thị trường KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường công nghệ. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thị trường KH&CN.

Ba là, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác nhân lực trình độ cao giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Hình thành doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động công bố, trình diễn, giới thiệu kết quả KH&CN thông qua các chợ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung - cầu công nghệ, sàn giao dịch công nghệ. Thực hiện cơ chế giao quyền sở hữu các kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì hoặc cá nhân nhà khoa học để thúc đẩy hoạt động ứng dụng và mua bán, thương mại hóa các kết quả KH&CN. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem khởi nghiệp sáng tạo là một kênh thu hút đầu tư hiệu quả./.

Nguyễn Quang Hưng 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất