(TG) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Tây Ninh đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ đã có bước phát triển mạnh; hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
SÂU SÁT, KỊP THỜI TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO
Các cấp uỷ đảng, chính quyền Tây Ninh luôn xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, để nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là việc quản lý, đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 30/01/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền báo cáo sơ kết 2 năm, 3 năm, 5 năm kết quả thực hiện; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ động khảo sát, nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường, có cơ sở đánh giá hiệu quả và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ một số cơ quan trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường trên địa bàn tỉnh5.
ĐỔI MỚI MẠNH MẼ, ĐỒNG BỘ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tỉnh đã có sự đổi mới cơ chế chính sách cũng như từng bước đổi mới quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; huy động nguồn lực từ các ngành các cấp, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngoài tỉnh; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ từ các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý, Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ nhằm tuyển chọn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngày càng trọng tâm hơn, phục vụ yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án được chuyển giao đến các tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp thực hiện trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng vào thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương. Từng bước hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ở cơ sở nắm vững kiến thức và triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Tây Ninh đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm số lượng đầu mối liên hệ công tác, giúp cho cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
TRIỂN KHAI CÁC ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ YẾU
Tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ bám sát định hướng ưu tiên của Chiến lược khoa học và công nghệ và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2011-2020; ưu tiên các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với các định hướng phát triển của tỉnh, tập trung các lĩnh vực đột phá như phát triển công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành và địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang tính ứng dụng vào điều kiện thực tiễn ngày càng cao, tạo ra được nhiều giải pháp, sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều dự án nhằm xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho địa phương.
Giai đoạn 2013-2021, tổng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ với tổng số tiền là 409,296 tỷ đồng (gồm kinh phí đầu tư phát triển: 183,263 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp 226,033 tỷ đồng). Kinh phí hàng năm cấp cho hoạt động khoa học và công nghệ các huyện, thị xã, thành phố hơn 1,2 tỷ đồng; các sở, ngành 800 triệu đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm: tổ chức thông tin, tuyên truyền về triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa, tập huấn nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, bao gồm 1 tổ chức khoa học và công nghệ công lập (01 Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập); 4 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập; 2 chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương đặt tại địa phương.
Tỉnh tập hợp và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, phản biện đề tài, dự án; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức tốt Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật, tuyên truyền và tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên hệ thống thông tin đại chúng, cổng thông tin của tỉnh và của các sở, ngành.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu hình thành và phát triển. Tỉnh đã tổ chức đoàn và gian hàng tham gia các hoạt động: "Chợ công nghệ thiết bị, Diễn đàn kết nối cung - cầu công nghệ, Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Nha Trang, Cần Thơ, Gia Lai,… với sự tham gia của các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sáng chế không chuyên nhằm quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương; tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp, nhà sáng chế tại địa phương và xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Công tác phát triển các tổ chức dịch vụ kỹ thuật khoa học và công nghệ, chuyển giao, tư vấn, đánh giá công nghệ được chú trọng.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tỉnh tăng cường phối hợp với các Viện, Trường trong việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ; ký kết thỏa thuận hợp tác với Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM (ITP) thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; chú trọng về nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh.
Song Hoàng