Chủ Nhật, 19/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 3/5/2015 21:32'(GMT+7)

Lý Sơn mùa chộn rộn, mùa tri ân

Từ ngày có điện quốc gia, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa luôn rực sáng. Ảnh: VGP/Kim Yến

Từ ngày có điện quốc gia, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa luôn rực sáng. Ảnh: VGP/Kim Yến

Tháng Ba, người Lý Sơn tri ân Hải đội Hoàng Sa. Ngẫu nhiên làm sao, năm nay, khoảng thời gian này trùng với 3 ngày lễ lớn của đất nước là giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4 và 1/5. Nên khách ra Lý Sơn nhiều, không đơn thuần để chơi, mà để tìm hiểu về con người, về đời sống ở quê hương Hải đội Hoàng Sa.

Mùa chộn rộn

Nghề nông Lý Sơn chủ yếu xoay quanh cây hành và cây tỏi, nổi tiếng tạo nên thương hiệu. Hành trồng quanh năm, không cho đất nghỉ. Đôi khi, xen vào đó là vụ đậu, mè để cải tạo đất. Còn tỏi, chỉ có 1 vụ kéo dài từ đông sang xuân. Thành ra, rất khó để thấy hành tỏi cùng hiện hữu trên rẫy. Nhưng vào những ngày tháng Ba, điều này sẽ được “giải quyết” tương đối. Nghĩa là sẽ thấy nông dân ở đây chăm sóc cho hành và chăm chút cho tỏi, tất nhiên, hành đang vụ còn tỏi đang phơi khô. Họ cần mẫn phơi, tỉ mẩn bóc từng lớp vỏ bung. Đất ít, lại để dành cho hành, nên nhiều người mang tỏi lên nóc nhà để phơi. Chiều, khi người ta sàng, vỏ tỏi bay như tuyết. Người Lý Sơn quan niệm, làm hành để ăn ngay; còn tỏi là của để dành. Vì hành không phơi khô, không để lâu được. Trong khi tỏi thì có thể để dành, đợi khi nào giá cao, hay túng bí mới bán. Đó như một cách "đánh bạc hợp pháp", mặc dù đánh bạc kiểu nào cũng đầy rủi ro!
Người Lý Sơn quan niệm trồng tỏi là của để dành. Ảnh: VGP/Kim Yến


Cây hành, cây tỏi Lý Sơn nổi tiếng bao nhiêu thì nông dân đất Cù Lao Ré vất vả bấy nhiêu. Tháng Ba cũng là lúc hạn hán bắt đầu hoành hành. Nông dân phải nạo vét, thậm chí đào giếng mới để tìm nguồn nước tưới. Đất thịt và cát trắng, hai yếu tố chính làm nên độ thơm ngon của hành và tỏi, đang ngày càng cạn kiệt. Họ phải đào ngay chính rẫy của mình để lấy đất thịt. Trong khi đó, phải ra tận ngoài khơi, ngụp lặn xuống, hút cát trắng để mang vào bờ. Ngày không xuể, nên đêm đến, từng chiếc xe tải nhỏ vẫn lầm lũi vận chuyển cát trắng cho kịp mùa vụ. Lý Sơn dường như không ngủ cả ngày lẫn đêm.

Mùa đi nhanh và biển cứ loanh quanh, bám riết lấy ngư dân. Ngoài những chuyến biển ngang dọc Hoàng Sa, Trường Sa, mùa này, họ còn làm lưới cá cơm. Chỉ kéo dài từ sau tết đến hết hè, nhưng cá cơm giúp ngư dân Lý Sơn cải thiện đáng kể thu nhập từ biển, nhất là trong bối cảnh đi biển xa bờ đang khó khăn và nhiều rủi ro.

“Chúng tôi thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 3-7 thúng, vừa giúp nhau khai thác, lại dễ bề hỗ trợ nhau lúc biến cố. Buổi sáng, khi về, chúng tôi hay “ké” mấy chiếc ghe, nhờ họ kéo về, đỡ sức chèo thúng”, ngư dân Đỗ Hữu Bình, 53 tuổi, cho hay. Anh Bình cho biết mình làm nghề biển “đụng”, nghĩa là vào mùa nào, anh làm biển theo mùa đó.

Mùa tri ân

Nói vậy, chứ ai lại đem lòng biết ơn bày tỏ… theo mùa! Nhưng Lý Sơn vào tháng Ba âm lịch, một không khí cho lễ tri ân đội hùng binh Hoàng Sa được người dân ở đây dấy lên khá rộn ràng. Và bây giờ, theo thời gian, nó dường như là của cả nước. Những năm gần đây, khi tháng Ba về, nhân dân khắp nơi thường về với người Lý Sơn. Về để được thấy tận mắt, được nghe tận tai những dòng sử hào hùng của đội thủy binh Hoàng Sa. Nghe lời mẹ ru con từ thuở xưa vọng về: “Con ơi con ngủ cho ngay/ Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/ Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta…”.

Thả thuyền trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: VGP/Kim Yến


Tháng Ba Lý Sơn, tôi gặp ông Võ Văn Nhành, truyền nhân cuối cùng làm hình nhân thế mạng. Ông đang tất bật chuẩn bị làm hình nhân, vật phẩm cho lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16/3 âm lịch. Ông bảo, rằng, hình nhân thế mạng vốn có từ lâu, phải vài trăm năm trước. Khi ấy, chính xác là thời Chúa Nguyễn, đội thủy binh Hoàng Sa được lập. Hằng năm, tầm tháng Hai, tháng Ba âm lịch, từ đình làng An Vĩnh, họ giong thuyền trực chỉ Hoàng Sa. Nhưng “Hoàng Sa đi dễ khó về” nên phải có “Chiếc chiếu bó tròn mấy cuộc dây mây”. Những chiến binh quả cảm ấy, đã mãi ở lại biển Mẹ, đêm ngày không ngừng nghỉ canh giữ biển đảo Việt Nam. Ở Lý Sơn, những nấm mộ tri ân đều có hình nhân bằng đất sét. Ngư dân đi biển chẳng may bị mất, dân Lý Sơn đều dùng hình nhân thế mạng để mai táng. Người ta gọi đó là mộ chiêu hồn hay vẫn quen gọi là mộ gió.

Lý Sơn hiện có hàng trăm ngôi mộ không hài cốt của lính Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, và của ngư dân đi biển chẳng may qua đời. Ông Phạm Thoại Tuyền, nhà “Lý Sơn học” cho rằng, "mộ gió" là cách gọi sai lầm và nhầm lẫn của người đi tìm hiểu trước.

“Lý Sơn đúng là có mộ gió, nhưng đó là những ngôi mộ không có xác. Nó xuất phát hồi trước đây, người ta có thói quen làm mộ không để “xí phần” trước, khi mất thì chôn xuống đó, nên gọi là mộ gió. Còn những ngôi mộ không có xác, mà chỉ có hình nhân bằng đất sét thay thế, như mộ của những người lính Hoàng Sa chẳng hạn, thì gọi đúng phải là mộ chiêu hồn”, ông Tuyền giải thích.

Tháng Ba Lý Sơn, đất trời chộn rộn, người người hân hoan. Bỗng nghe đâu đấy, lời ru của người Mẹ Lý Sơn: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa...”.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Sáng 4/5, tức 16/3 Âm lịch, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Bắt đầu cúng tế trước ngày lễ chính ba ngày, nhưng lễ vật chỉ có rượu, hoa quả, trầu cau. Trong ba ngày này, mọi lễ vật được tiếp tục chuẩn bị như làm thuyền lễ và bài vị. Sau khi lễ hiến tế ông bà trong đình xong, đến khoảng 9h30 sáng ngày lễ chính, chiêng trống được gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đến giờ làm lễ yết. Lễ tế lính Hoàng Sa được làm long trọng trước sân đình làng An Vĩnh do Trưởng ban khánh tiết thực hiện và điều khiển.

Sau khi làm lễ xong, đội thả thuyền gồm mười nam thanh niên của làng An Vĩnh, trong trang phục thuyền đua bắt đầu rước thuyền từ sân đình làng xuống biển và thả thuyền. Thuyền thả gồm năm chiếc, trong đó có một chiếc lớn và bốn chiếc còn lại nhỏ hơn và bằng nhau. Thả theo trình tự hai thuyền nhỏ đi trước với chức năng tiền trạm, thuyền lớn đi giữa vì trên thuyền có cai đội và hai thuyền nhỏ còn lại đi sau cùng. Trên thuyền đặt các hình nhân tượng trưng cho người lính trong Hải đội Hoàng Sa. 

Đồng thời, đặt lên thuyền những thứ cần thiết của người lính mỗi khi ra đảo như: Vàng mã, muối, gạo, nếp nổ, chè xôi, gỏi cá nhám, cua, cá nướng… Thuyền lễ có đế bằng cây chuối, ba cây chuối dài khoảng 1,5-2m, được kết lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè). Trên đế bè gắn con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn, như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, Trường Sa.

 
Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất