Chủ Nhật, 15/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 12/4/2024 17:7'(GMT+7)

Máu tham hễ thấy đồng tiền thì mê

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Một chi tiết rất đáng chú ý trong vụ đại án Việt Á vừa đưa ra xét xử, đó là cơ quan công tố đã đưa ra bằng chứng về sự nhắn tin trao đổi qua lại giữa “ông chủ” Việt Á và một quan chức để khẳng định có sự cấu kết chia chác lợi ích rất rõ ràng. Trong các tin nhắn có câu “Đi làm căn cước luôn đi không mòn mất hoa tay” và sau khi thẩm vấn, đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo câu này mang hàm ý gì thì bị cáo trả lời là “Đếm tiền nhiều mòn hoa tay”.

Chỉ cần một tin nhắn và câu nói kia cũng đủ thấy bản chất trục lợi ghê gớm của nhóm lợi ích doanh nhân - quan chức và sự tàn phá khủng khiếp của đồng tiền đối với nhân cách con người đến mức nào.

Trong những vụ đại án gần đây, có những biến tướng về sự đưa - nhận hối lộ rất kinh khủng. Số lượng tiền hối lộ không dừng lại ở vài ba tỷ, mà hàng chục, mấy chục tỷ đồng. Quà hối lộ không dừng lại ở mấy cái phong bao, phong bì nhỏ gọn mà nó còn “bành trướng” thành những chiếc túi xách, va li, thậm chí lấy cả thùng xốp để đựng hàng triệu USD. Số lần hối lộ không dừng lại dăm bảy lần, vài chục lần, mà có một bị cáo từng là thư ký bộ trưởng đã có tới hơn 250 lần nhận hối lộ. Đây là trường hợp ăn hối lộ điển hình theo thói “quen mui thấy mùi ăn mãi”!

Vài năm trước có người đứng đầu một ngành từng nhận hối lộ 3 triệu USD khiến cả xã hội phải kinh hoàng bởi số tiền ăn đút lót khổng lồ. Nhưng gần đây, một “quan bà” địa vị thấp hơn còn cả gan nhận món quà đút lót lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng) lại càng làm cho lòng dân chân chính thêm nhức nhối tâm can.

Bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Của cải tự làm ra thì nó mãi là của mình, nó xứng đáng được giữ gìn ở trong nhà, trên gác để làm của hồi môn cho con cháu. Của cờ bạc là thứ ăn thua, gian lận, nay được mai mất nên nó cũng như thứ để ở ngoài sân, dễ bị người khác lợi dụng, lấy mất. Của phù vân là thứ của cải thường do tham lam mà có nên chẳng khác nào như mây trôi nước chảy, dễ hợp rồi lại dễ tan.

Lời khuyên nhủ, răn dạy người xưa tinh tế lắm, thâm thúy lắm, nhưng tiếc thay thời nay không ít quan chức ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp vì lòng tham vô đáy đã tự “bán mình cho quỷ dữ”! Cổ kim Đông Tây từng đúc kết về tính hai mặt của đồng tiền, ví như ngạn ngữ phương Tây có câu “Đồng tiền là phương tiện của những người thông minh, là mục đích của những kẻ tham lam, ngu ngốc”. Còn dân ta cũng không ngẫu nhiên gọi đồng tiền là “tiền tệ”, “tiền bạc”, với một hàm ý tiền tuy rất quý, rất cần đối với cuộc sống con người, song nó cũng có thể trở nên “tồi tệ, tàn tệ, bạc bẽo, bội bạc” khi con người coi đồng tiền là tất cả, là trên hết, đến mức “hoàng kim hắc thế tâm” (tiền của làm cho lòng người đen tối, chà đạp lên tình nghĩa).

Xoay quanh câu chuyện hối lộ thường chỉ có kẻ đưa và người nhận “Chỉ anh biết, tôi biết, trời biết”, tưởng như ai không biết cả, nhưng sự thật “trời lại có mắt”. Nhiều bài học xưa nay cho thấy, bất cứ ai có lòng tham vô đáy, nhất là các bậc quan lại mà có “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (Nguyễn Du) rồi lại sống, ứng xử lạnh lùng theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thì trước sau cũng bị trả giá theo quy luật cuộc đời là gieo gió gặt bão, tham thì thâm, của thiên trả địa. Đồng tiền lúc này chính là “tiền tệ, tiền bạc” quất vào định mệnh các “quan tham”./.

THIỆN VĂN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất